Mỗi một lễ hội đều có những đặc điểm riêng và lễ hội Linh tinh tình phộc hay còn gọi là lễ hội Trò Trám ở Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ có những điểm vô cùng khác biệt mà không ở đâu có.
Sau khi hô “tháo khoán”, các cặp tình nhân được tự do làm điều mình muốn nhưng chỉ trong 30 phút
Ông Chử Đức Bách (71 tuổi) - thủ từ miếu Đụ Đị cho biết, lễ hội Trò Trám có rất nhiều nghi thức khác nhau, được diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm, trong đó phần được nhiều người quan tâm và biết đến đó là Lễ Mật. Theo đó, khi thực hiện nghi thức trong Lễ Mật, người con trai cầm Nõ (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam) và người con gái cầm Nường (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ). Sau khi làm lễ, chủ tế hô vang “Linh tinh tình phộc” 3 lần thì lập tức người đàn ông cầm Nõ đâm vào Nường mà người con gái cầm.
Ông Bách - Thủ từ miếu Đụ Đị chia sẻ về lễ hội Linh tinh tình phộc
“Việc đưa linh vật của nam và nữ để thờ cúng đã có từ ngàn đời xưa, mong lưu giữ được nét văn hóa phồn thực trong nhân dân. Hơn thế nữa, việc thờ - lễ hai bộ phận quan trọng của nam và nữ còn mang ý nghĩa cầu cho con cháu mạnh khỏe, sinh sôi đầy đàn”, ông Bách cho biết.
Theo người đàn ông này, hiện các nghi lễ vẫn thực hiện theo đúng những gì từ xa xưa truyền lại, sau khi thực hiện Linh tinh tình phộc 3 lần, thủ từ sẽ ra đứng trước hiên miếu Đụ Đị và hô to 3 tiếng: “Tháo khoán”. Sau 4 tiếng hô ấy, các đôi nam nữ yêu nhau sẽ tự do làm điều mình muốn nhưng chỉ trong thời gian 30 phút, không được lâu hơn.
Dù đêm nay và rạng sáng mai mới diễn ra lễ hội nhưng chiều ngày 11 tháng Giêng, rất đông người dân, du khách đã đổ về miếu để tham quan, vui chơi lễ hội
“Xưa kia miếu Đụ Đị rất nhỏ, xung quanh nhiều cây cỏ mọc rậm ngang người. Ấy vậy mà mỗi lần lễ hội diễn ra và sau tiếng hô tháo khoán cây cỏ xung quanh đều dẹp hết xuống vì mọi người ra đó tâm sự với nhau”, ông Bách kể lại.
Cô gái thụ thai trong đêm lễ hội, cả mẹ cả con được dân làng nuôi vì cho rằng đứa trẻ mang lại điều may mắn
Vị thủ từ này còn chia sẻ, nếu cô gái nào có thai trong đêm diễn ra lễ hội (người xưa có cách tính ngày), rồi sinh con trong năm đó thì dân làng sẽ góp tiền, góp của để chăm sóc cả hai mẹ con, vì họ cho rằng đứa trẻ đó mang lại điều may mắn cho dân làng.
“Ngày nay đời sống văn hóa phát triển, nhận thức của mọi người nâng cao nên không còn những cảnh “tháo khoán” như ngày xưa. Thế nhưng, dân làng sinh sống ở đây mỗi ngày hội đến vẫn có mặt đông đủ để nghe, để học và hiểu về nét đẹp văn hóa của cha ông để lại”, ông Bách nói.
Theo truyền thống xưa, người thực hiện nghi lễ linh tinh tình phộc phải là “nam thanh, nữ tú”, tuy nhiên do các cô gái chưa chồng rất ngại ngùng trong việc thực hiện nghi lễ nên mới đổi thành những cặp đôi đã nên vợ, thành chồng. Tính từ năm 1993, khi phục dựng lại lễ hội đến nay, có 4 cặp vợ chồng được thực hiện nghi lễ này, năm nay hai vợ chồng anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990) sẽ là người thực hiện nghi lễ.
Ông Bách chia sẻ, cặp vợ chồng được chọn thực hiện nghi lễ phải hội tụ đủ các yếu tố:
- Được nhân dân lựa chọn, đưa ra ban tổ chức xét duyệt;
- Gia đình có truyền thống văn hóa;
- Không có bụi băm (không mất tứ thân phụ mẫu);
- Gia đình tuân thủ đường lối, chính sách của đảng, nhà nước;
- Sinh con, đẻ cái thuận lợi;
- Làm ăn kinh tế cơ bản…
Ông Nguyễn Quốc Mường – Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã, Trưởng ban Lễ hội xuân 2023 của xã cho biết lễ hội Trò Trám hiện đang là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, được người dân địa phương và du khách thập phương rất quan tâm.
“Lễ hội Trò Trám năm nay sẽ rất đặc biệt, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách thập phương vì 3 năm dịch bệnh không được tổ chức. Để đảm bảo mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, ban tổ chức đã cho tập luyện văn nghệ, tập dượt diễn trò để có thể phục vụ người dân được tốt nhất.
Ngay từ trước Tết, Ban tổ chức đã chuẩn bị họp các tiểu ban, nhất là ban văn nghệ để tập luyện, rồi chuẩn bị sửa soạn đạo cụ chu đáo nhất có thể để phục vụ lễ hội. Ngoài ra, vấn đề an ninh cũng thắt chặt, đảm bảo an ninh tối đa khi diễn ra lễ hội”, ông Mường chia sẻ.