Việc trao nhầm những đứa trẻ sơ sinh không chỉ gây ra sự hiểu lầm và đau khổ cho các gia đình mà đôi khi còn làm thay đổi cả cuộc đời của một người.
Không giống như một bộ phim hay một chương trình truyền hình, việc trao nhầm con thực sự rất đáng sợ. Dưới đây là những câu chuyện về cơn ác mộng trong đời thực, về những bậc cha mẹ vô tình mất con, những đứa trẻ không bao giờ có cơ hội lớn lên cùng bố mẹ đẻ của mình.
Y tá say rượu tráo đổi hai đứa trẻ
Ngày 4/7/1994, chị Sophie Serrano khi đó mới 18 tuổi đã hạ sinh một bé gái tại bệnh viện Cannes-la-Bocca, thành phố Cannes, Pháp. Cô bé Manon sinh ra bị vàng da nên phải nằm trong lồng ấp cùng một đứa trẻ khác. Sau khi điều trị, Sophie nhận lại con thì thấy da đứa trẻ sẫm màu hơn lúc mới sinh, tóc cũng dày và bóng hơn. Tuy nhiên, người y tá lúc này giải thích rằng do bé nằm lồng ấp nên da và tóc mới thay đổi như vậy. Tin lời y tá, chị Sophie đưa con về và nuôi nấng cô bé bằng cả tình yêu thương.
Thế nhưng bé Manon càng lớn càng không giống bố mẹ, điều này khiến bạn trai Sophie nảy sinh nghi ngờ. Cuối cùng, đến khi Manon 10 tuổi, người bố đã yêu cầu làm xét nghiệm ADN. Kết quả xét nghiệm cho thấy cô bé không phải con của cả hai người.
Chị Sophie vô cùng hạnh phúc khi tìm lại được con ruột.
Sự thật sau đó đã được phơi bày, người y tá trong ca trực ngày hôm đó bị say rượu và đã tráo đổi hai đứa trẻ trong lồng ấp mà không hay. Cả hai bé gái đều bị vàng da khi sinh. Bệnh viện chỉ có hai lồng ấp, một chiếc đang được sử dụng nên chiếc còn lại được cho các bé dùng chung.
Năm 2010, chị Sophie quyết định kiện bệnh viện để tìm lại con gái ruột. Sau khi điều tra, giới chức phát hiện con đẻ của Sophie sống cách nơi chị ở chỉ 30km. Đến tháng 2/2015, câu chuyện của Sophie đã gây chấn động nước Pháp sau khi một tòa án yêu cầu bệnh viện và công ty bảo hiểm phải bồi thường cho hai gia đình bị trao nhầm con 2,1 triệu USD.
Sau đó, gia đình Sophie và bố mẹ ruột Manon đã tổ chức các cuộc gặp mặt để hai đứa trẻ làm quen với bố mẹ đẻ của mình. Nhưng dần dần, họ nhận ra đứa trẻ mà họ nuôi nấng mới thực sự có mối gắn kết mẫu tử. Cuối cùng, cả hai bên quyết định cắt đứt mọi liên lạc, không ép các con đoàn tụ với bố mẹ ruột nữa.
Cặp song sinh bị chia tách
Kasia Ofmanska và Edyta Wierzbicka vốn là một cặp sinh đôi cùng trứng nhưng sau một sự cố trao nhầm con, họ bị lạc nhau suốt 17 năm đầu đời. Hai tuần sau khi sinh, cặp song sinh bị viêm phổi và phải nhập viện. Bằng cách nào đó, các nhân viên y tế đã làm mất vòng định danh và gây ra vụ xáo trộn khiến Edyta bị trao nhầm cho một gia đình khác.
Hai bé song sinh bị chia tách ngay từ lúc chào đời (Ảnh minh họa)
17 năm sau, bạn bè của Kasia đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra một cô gái giống hệt bạn mình. Sau đó, hai cô gái đã gặp nhau. Ban đầu, họ chỉ coi sự giống nhau về ngoại hình và nhiều sở thích là trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng theo thời gian, Kasia và Edyta phát hiện ra đây mới là người chị em ruột của mình.
Nghi án bác sĩ đánh tráo trẻ sơ sinh
Vào tháng 5/2015, Mercedes Casanellas sinh mổ một bé trai sớm hơn 5 tuần so với ngày dự sinh. Lúc này, chồng cô, ông Richard Cushworth đang đi công tác một tháng. Sau khi đứa trẻ được bệnh viện trao lại cho mẹ, cô Mercedes phát hiện ra có điều gì đó không ổn, đứa bé không giống lúc ở trong phòng sinh với bộ phận sinh dục tối màu hơn. Tuy nhiên, người y tá nhấn mạnh đây chính là con của cô, không có chuyện nhầm lẫn.
Vợ chồng cô Mercedes và đứa con thất lạc.
Ngày qua ngày, họ hàng, bạn bè đều nói rằng đứa trẻ không có nét nào của bố mẹ. Trong khi cả hai vợ chồng đều trắng trẻo thì em bé lại có nước da sẫm màu. Cuối cùng, gia đình quyết định làm xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy đứa trẻ không phải con ruột của họ. Lúc này, vợ chồng họ lo sợ đứa con ruột đã bị tráo và bán cho những kẻ buôn người.
Gia đình Mercedes đã tìm kiếm, hỏi thăm những đứa trẻ sinh ra cùng ngày với con họ, với hy vọng sẽ tìm lại được con thế nhưng tất cả đều vô vọng. Sau khi nhà chức trách vào cuộc, cuối cùng, gia đình cũng tìm lại được con ruột. Ngay sau đó, bác sĩ mổ đẻ cho Mercedes đã bị bắt giữ để phục vụ điều tra.
Hai gia đình bị trao nhầm con về chung một nhà
Dimas Aliprandi đến từ Joao Neiva, Brazil luôn tự hỏi tại sao mình lại không giống các anh chị mình. Họ có đôi mắt và tóc sẫm màu trong khi anh có đôi mắt xanh, mái tóc vàng.
Vào tháng 12/2008, khi kiếm đủ tiền để làm xét nghiệm DNA ở tuổi 24, Dimas xác nhận mình không phải con ruột của bố mẹ. Thật đau lòng cho cặp vợ chồng đã nuôi nấng anh nhưng cuối cùng, họ quyết định giúp Dimas tìm được bố mẹ ruột.
Điều tra sâu hơn cho thấy vào ngày Dimas chào đời, anh đã bị trao nhầm với cậu bé Elton Plaster. Hồ sơ bệnh viện đã đẫn Dimas tới một trang trại nơi Elton và bố mẹ ruột của anh đang sống.
Anh Dimas quyết định đưa bố mẹ nuôi tới sống cùng bố mẹ ruột.
Phát hiện này thực sự rất sốc nhưng cả hai chàng trai đều muốn ở lại với gia đình đã nuôi nấng họ, đồng thời cũng muốn sống cùng bố mẹ ruột. Cuối cùng, nhà Plaster đã mời Dimas và gia đình anh chuyển đến trang trại của họ. Cả hai gia đình đều sống cùng nhau và cảm thấy may mắn khi tạo ra một đại gia đình lớn hơn sau sự cố trao nhầm con này.
Công tử nhà giàu bị trao nhầm vào nhà nghèo
Người đàn ông Nhật Bản này đã sống gần trọn đời trong cảnh nghèo túng khi bị bệnh viện trao nhầm 60 năm trước. Theo đó, trong lúc đưa những đứa trẻ đi tắm, y tá của bệnh viện đã trả nhầm các bé cho bố mẹ. Người đàn ông lưu lạc tới một gia đình nghèo khó. Bố nuôi ông mất sớm, mẹ nuôi một mình chăm 2 con nhỏ. Ông phải sống bằng tiền trợ cấp, sau này hành nghề lái xe.
Trong khi đó, cha mẹ ruột của ông lại rất khá giả. Đứa trẻ bị trao nhầm vào gia đình này được hưởng một cuộc sống đủ đầy, đi học đại học và sau này điều hành một công ty bất động sản.
Phải đến năm 2009, gia đình giàu có mới phát hiện ra sự cố trao nhầm con và đi tìm kiếm đứa con thất lạc. Năm 2013, người đàn ông này, khi ấy 60 tuổi đã được bồi thường 370.000 USD sau sự cố trao nhầm. Ông đã vô cùng hối tiếc và tức giận vì những gì sự cố đã gây ra cho cuộc đời mình.