Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Nỗi lòng người trong cuộc sau 2 tháng đoàn tụ

Ngày 05/10/2018 19:28 PM (GMT+7)

Mong muốn con sớm hòa nhập với cuộc sống mới, vợ chồng anh Sơn tích cực đưa con đi du lịch để gần gũi với người thân gia đình.

Sự việc bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con giữa 2 gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, xã Tây Đằng) và chị Vũ Thị Hương (SN 1989, xã Phú Sơn) từng gây xôn xao dư luận vào giữa năm 2018.

Gặp chúng tôi sau gần 3 tháng đổi lại con, anh Sơn cho biết hiện cháu Đoàn Nhật Minh đã được vợ chồng anh hoàn thiện thủ tục pháp lý, đổi lại tên họ trong giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, bảo hiểm… với cái tên mới là Phùng Đăng Khoa

Nhớ lại hành trình xác minh và tìm lại đứa con đẻ, đối với anh Sơn, chị Hương và 2 đứa trẻ là khoảng thời gian rất khó khăn.

Sau buổi lễ trao nhận con, chị Vũ Thị Hương chia sẻ, bé Hải có vẻ thích nghi nhanh hơn Minh. Bởi Minh vốn là đứa trẻ nhút nhát, tình cảm. Lúc chia tay chị Hương để về với bố Sơn, mẹ Hiền, Minh vẫn khóc ngằn ngặt, gọi: “Mẹ Hương ơi, mẹ cứu con! Mẹ đừng bỏ con”.

Lời con trẻ khiến trái tim chị Hương như vỡ vụn, đau xé ruột. “Chia tay Minh là nỗi đau khổ lớn nhất trong cuộc đời tôi lúc này. Từ trước đến nay Minh chỉ sống với tôi, làm gì cũng phải có mẹ, cháu tình cảm lắm nên tôi rất lo, sợ con không kịp thích nghi với gia đình mới”, chị Hương bật khóc.

Chia sẻ về đêm đầu tiên các con được về với bố mẹ đẻ của mình, chị Hương nói: "Đêm đầu tiên được ôm vào lòng đứa con ruột thịt của mình, lại nhớ thêm đứa con sáu năm nay mình nuôi nấng khiến tôi không thể ngủ được, nước mắt không ngừng rơi”.

Cố tỏ ra là người đàn ông mạnh mẽ, cứng rắn nhưng khi Hải chính thức chuyển về Hà Nội sống cùng mẹ đẻ, anh Phùng Giang Sơn đã phải thú thật rằng anh nhớ và thương Hải đến thắt lòng.

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Nỗi lòng người trong cuộc sau 2 tháng đoàn tụ - 1

Anh Sơn chia sẻ về hành trình tìm lại con đẻ của mình.

“Thằng bé lém lỉnh và khéo miệng. Trước kia, cứ ăn tối xong, hai bố con lại lên giường, nằm cạnh nhau và xem ti vi", anh Sơn xúc động nói.

Người bố sinh năm 1990 cho hay ngày đầu tiên về với bố mẹ đẻ, cháu Khoa (tên cũ là Minh) lạ nhà. Khi mẹ Hương chuẩn bị về, cháu quấn quýt, không muốn rời, quấy khóc nhưng sau đó được gia đình động viên, tinh thần cháu ổn định trở lại.

“Để con gần gũi người thân gia đình, tôi tích cực đưa vợ con đi du lịch. Cả nhà đã đi Sapa, Huế hay gần hơn là đi chơi các khu du lịch của Ba Vì.

Bất kể việc gì gia đình tôi cũng cố gắng làm cùng nhau. Tôi dù bận rộn đến đâu nhưng buổi tối nhất định sẽ dành thời gian tắm rửa, xem phim, chơi đùa cùng các con, ăn bữa tối đầm ấm”, anh Sơn bộc bạch.

Cũng theo anh Sơn, các chú bác trong dòng họ thường xuyên qua nhà, trò chuyện hỏi han và ăn cơm với Khoa. Mọi người muốn Khoa cảm nhận được tình thương yêu mình dành cho cháu.

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Nỗi lòng người trong cuộc sau 2 tháng đoàn tụ - 2

Ngôi nhà mới nơi bé Minh (nay đổi tên là Khoa) ở.

Bà ngoại đang làm việc ở Trung Quốc cũng thường xuyên gọi điện về hỏi han, mua nhiều quần áo đẹp cho Khoa.

Kể về lần đầu tiên gặp lại con ruột sau 6 năm, anh Sơn xúc động nói: “Khi mới gọi chị Hương nói chuyện, chị ấy sốc, đang nói thì tắt máy luôn. Sau khi trấn tĩnh lại tinh thần, chị Hương chủ động liên hệ với tôi.

Cuối tuần đó, họ hàng nội ngoại nhà tôi tập trung đông đủ, lên thăm chị Hương ở Hà Nội. Cháu Khoa chạy ra ôm lấy bố và ông nội.

Cả gia đình ai cũng rơi nước mắt, nghẹn ngào không thốt lên lời. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ, cảm xúc rất khó tả”.

Trao nhầm con ở Ba Vì: Trái tim mẹ vỡ tan khi nghe tiếng gào thét Mẹ ơi, cứu con!
Dù đã dặn lòng không được khóc nhưng trái tim chị Hương như vỡ tan khi nghe tiếng M. gào thét "Mẹ ơi, mẹ cứu con!" sau khi hai đứa trẻ bị trao nhầm...
Theo Phong Linh (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vụ trao nhầm con ở Hà Nội