Thầy giáo kể chuyện học sinh khóc đêm vì quá đói, lễ tốt nghiệp đặc biệt của tân cử nhân Kiến trúc, thầy giáo Bách khoa mặc áo bệnh nhân lên bục giảng... những câu chuyện xúc động đó đã ghi dấu ấn trong năm 2015.
Lễ tốt nghiệp "đặc biệt"
Ngày tốt nghiệp là ngày vô cùng đáng nhớ với các tân cử nhân sau những năm tháng miệt mài học tập trên ghế nhà trường. Và cũng trong ngày này, tại khoa Kiến trúc Xây dựng, đại học Văn Lang, TPHCM, một trường hợp đặc biệt được đặc cách miễn bảo vệ và công nhận chức danh Kiến trúc sư gây xúc động cho toàn thể hội trường và hàng nghìn thành viên mạng. Đó là Nguyễn Đức Huy, nam sinh đã qua đời trước khi được nhận trên tay tấm bằng cử nhân.
Hình ảnh tân kiến trúc sư Nguyễn Đức Huy trong ngày tốt nghiệp.
Trên trang Facebook Kiến xây tivi (diễn đàn sinh viên Kiến trúc Xây dựng, đại Học Văn Lang) đã chia sẻ: "Hôm nay là ngày rất đặc biệt đối với các bạn cũng như đại gia đình Văn Lang phải không? Và hôm nay cũng là ngày rất đặc biệt đối với bạn Nguyễn Đức Huy... Một người bạn đã rẽ sang một hướng đi khác, ở một nơi khác... Khi tên của tân Kiến trúc sư Nguyễn Đức Huy được xướng lên, hình ảnh của bạn xuất hiện tại màn hình, cả hội trường im lặng đầy trân trọng. Người lên nhận bằng là đại diện của gia đình - ba của bạn Huy.
Giây phút ông nhận tấm bằng từ trường, nhận lời chia buồn sâu sắc từ thầy Hiệu trưởng đầy quyến luyến và bịn rịn, cả hội trường đây đó nhiều bạn không cầm được nước mắt vì hình ảnh cảm động này...
Để có được giây phút thật đặc biệt như vậy, khoa Kiến trúc Xây dựng và Ban Giám Hiệu trường Văn Lang đã thống nhất để bài Đồ án Tốt Nghiệp của bạn Huy được chấm điểm, đặc cách miễn bảo vệ và công nhận chức danh Kiến trúc sư đối với bạn Huy để trân trọng sự nỗ lực và thành quả học tập của bạn trong những năm học tại trường...
Được biết Nguyễn Đức Huy là sinh viên khóa 16 (2010 - 2015), ngành Kiến trúc của trường. Điểm trung bình tích lũy của Nguyễn Đức Huy trong 5 năm học tại Trường đạt 7.17; trong quá trình học tập Huy luôn nỗ lực hết mình, hòa thuận với bạn bè. Đồ án tốt nghiệp đã được chấm sơ khảo 7.5.
Theo thông tin trong Giấy chứng tử và Giấy xác nhận của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Nguyễn Đức Huy mất do phù phổi cấp ngày 2/6.
Học sinh khóc đêm vì quá đói
Nhà tranh vách nứa, nền đất, học sinh manh áo mỏng, đi chân đất... có lẽ là tình trạng chung của nhiều ngôi trường khó khăn ở các huyện miền núi. Trường tiểu học Nậm Ty B cũng vậy. Thầy Vũ Đình Thanh, giáo viên của trường chia sẻ, mỗi học sinh là những câu chuyện xúc động khác nhau. Đa số học sinh ở đây là người dân tộc Thái, Khơ Mú có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Mùa đông các em không có quần áo ấm để mặc, thịt da thâm tím. Áo không cúc, chân không dép, quanh năm các em chỉ mặc một bộ đến lớp.
Lớp học xập xệ của trường tiểu học Nậm Ty B.
Bên cạnh đó, do bản cách trường 8km nên trường đã huy động người dân làm tạm cho các em một gian nhà để có chỗ ngủ nghỉ. Năm học 2014-2015, có 11 học sinh nội trú. Tuy nhiên, cả tuần các em không biết đến miếng thịt, bữa ăn chính vẫn là ít cơm, muối ớt và măng.
Với thầy Thanh, có lẽ kỷ niệm nhớ nhất trong quãng đời làm giáo viên là lần mới về trường. Thầy bê mâm cơm đã ăn xong ra chỗ rửa bát. Chưa kịp rửa thầy đã thấy các em ra bốc thức ăn thừa ăn rất ngon lành. Từ hôm đó, các thầy cô trẻ mới về trường đều bảo nhau gọi học sinh nội trú lên chia sẻ miếng ăn cho các em bớt khổ.
Thế nhưng, có hôm thầy Thanh phải giật mình vì tiếng khóc đêm. Tá hỏa chạy sang xem có chuyện gì xảy ra, thầy Thanh mới biết vì đói quá các em không ngủ được nên ôm nhau khóc. Lúc đó thầy lục các phòng dậy xem còn gì ăn để cho học sinh.
>> Xem chi tiết: Thầy giáo kể chuyện học sinh khóc đêm vì quá đói
Thầy giáo Bách Khoa mặc áo bệnh nhân trên bục giảng
Những ngày đầu tháng 3, trên trang fanpage "Tôi yêu bách khoa" đã đăng hình ảnh về người thầy vô cùng xúc động. Người thầy ấy không phải mặc vest, áo sơ mi, quần đen nghiêm chỉnh như thường thấy mà thầy mặc bộ đồ... bệnh nhân.
Mái tóc bạc trắng với trang phục "đặc biệt" và đôi dép trong viện, thầy vẫn miệt mài trong từng bài giảng. Sự tận tâm, lòng nhiệt huyết của thầy đã khiến không ít bạn trẻ, đặc biệt những ai đã và đang là sinh viên đại học Bách Khoa cũng phải rưng rưng.
Thầy Bùi Quý Lực.
Người thầy vĩ đại này là thầy Bùi Quý Lực, bộ môn Máy và Ma sát học, đại học Bách khoa Hà Nội. Thầy bị đột quỵ từ tết và khi sức khỏe đã ổn định hơn thầy quyết định... lên lớp. Bức ảnh được bạn Xuân Chiến chụp ngày 19/3.
Một bạn được thầy Lực hướng dẫn đồ án tốt nghiệp năm 2003-2004 cho biết, trước đó thầy bị bệnh tim và đã phẫu thuật ở bệnh viện Bạch Mai, sức khỏe thầy rất yếu.
Bức ảnh về thầy Bùi Quý Lực đã làm lay động tất cả sinh viên đại học Bách Khoa và hầu hết các bạn đều tỏ ra tự hào vì được học tập ở ngôi trường có nhiều thầy cô đáng kính như thế.
>> Xem chi tiết: Cảm động thầy giáo Bách Khoa mặc áo bệnh nhân trên bục giảng
Bật khóc với bài thơ 'Khi mẹ là giáo viên'
Bài thơ "Khi mẹ là giáo viên" với từng câu chữ vô cùng xúc động nhận hàng chục nghìn "like" khi được chia sẻ trên mạng. Những thiệt thòi của người con cũng là trăn trở của người mẹ khi theo sự nghiệp giáo dục nên bài thơ nhanh chóng được truyền tay nhau vì "như nói hộ lòng mình" của hầu hết giáo viên.
Tác giả bài thơ là cô giáo Lê Thanh Hồng, giáo viên Ngữ Văn, hiện là hiệu phó trường THCS Thị trấn Kỳ Sơn, Hòa Bình. Bài thơ được cô viết tặng cho con gái đầu của mình là Nguyễn Lê Huyền Trinh vào năm 2007. Cô Hồng xúc động kể lại nguồn gốc bài thơ, khi đó, Huyền Trinh đang học lớp 5 và bé tham gia Cuộc thi Tiếng hát măng non thành phố. Con gái nhõng nhẽo đòi mẹ đưa đi thi nhưng cô Hồng bận việc ở trường nên chỉ đưa con đến nhà bạn của con để đi cùng. Đến lúc xong việc ở trường, cô vội chạy đến và vô cùng vui mừng khi con giành giải nhì phần thi đơn ca dân ca (không có giải nhất).
Tuy nhiên, tiết mục của Huyền Trinh dù giải cao nhưng lại không được chọn đi công diễn khiến bé khóc nức nở ngay tại hội trường. Chị an ủi con nhưng rồi chính mình lại không kìm được nước mắt khi được nghe giải thích “Con muốn biểu diễn cho mẹ xem”. Cảm xúc đó là cảm hứng để khi về nhà chị viết nên bài thơ này.
Cô Hồng tiết lộ thêm, năm 2009, trường THCS thị trấn Kỳ Sơn kỷ niệm 15 năm thành lập và bài thơ này được đăng trong cuốn sổ lưu niệm của trường. Đặc biệt, những lời thơ trong bài “Khi mẹ là giáo viên” được cô Hồng chia sẻ lên trang cá nhân của mình ngày 5/9/2014 và cũng từ đó được nhiều thế hệ giáo viên yêu thích.
>> Xem chi tiết: Gặp tác giả bài thơ Khi mẹ là giáo viên gây sốt