Hôm qua (24/3), Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đưa ra kết luận chiếc MH370 đã lao xuống vùng biển phía nam Ấn Độ Dương. Vậy các quan chức sẽ làm gì tiếp theo?
Diễn biến tiếp theo của cuộc tìm kiếm như thế nào?
Inmarsat, công ty viễn thông của Anh đã xử lý những tín hiệu điện tử mà chiếc MH370 gửi về mặt đất sau khi cất cánh. Inmarsat cho biết họ đã xác định được hướng bay của chiếc máy bay mất tích MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines nhờ đo hiệu ứng Doppler của các âm thanh "ping"phát ra theo chu kỳ từ máy bay.
Theo yêu cầu của chính phủ Malaysia, Australia đã tiến hành giám sát việc tìm kiếm các mảnh vỡ trong khu vực hành lang phía nam, từ một căn cứ quân sự của thành phố Perth. Quốc gia này đã triển khai bốn máy bay quân sự, bốn máy bay phản lực dân sự và hai tàu hải quân tham gia vào công cuộc săn lùng.
Ba tàu chiến Trung Quốc được cử đi tham gia tìm kiếm
Trung Quốc đã phái ba tàu chiến, một tàu phá băng và hai máy bay quân sự ra biển Ấn Độ Dương hỗ trợ việc tìm kiếm máy bay. Nhật Bản cử hai máy bay P3 Orion, New Zealand cử một chiếc máy bay quân sự và Mỹ triển khai một chiếc máy bay hải quân P8 Poseidon tối tân tham gia giúp đỡ Malaysia lùng sục chiếc phi cơ mất tích.
Hải quân Mỹ cũng đang giúp Malaysia định vị hộp đen của MH370 trong khu vực tìm kiếm bằng những thiết bị ưu tú nhất. Một chỉ huy của hải quân Hoa Kỳ cho biết nếu biết chính xác vị trí chiếc máy bay rơi, các thiết bị của Mỹ có thể nghe thấy tín hiệu của hộp đen ở độ sâu khoảng 6000m dưới đáy biển.
Một hộp đen có tuổi thọ khoảng 30 ngày sau khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên tùy thuộc vào dung lượng pin của chiếc hộp đen khi có sự cố, nó vẫn có thể phát tín hiệu thêm 15 ngày nữa hoặc nhiều hơn.
NASA, với vai trò hỗ trợ cuộc săn lùng, cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các vệ tinh và máy ảnh trên vũ trụ để tìm kiếm những mảnh vỡ. Trung Quốc và Australia cũng đang tiếp tục dùng vệ tinh để phát hiện những vật thể mới có khả năng là mảnh vỡ từ chiếc máy bay.
Các quốc gia đang tìm kiếm những gì?
Các chuyên gia cần xác định những vật trôi nổi có thể là mảnh vỡ của MH370, sau đó máy bay tìm kiếm sẽ dẫn tàu vào khu vực tìm thấy mảnh vỡ và bắt đầu dò tìm dưới đáy đại dương. Hành lang phía nam trên biển Ấn Độ Dương là một vùng nước sâu, độ sâu lên tới 4000m. Nếu các mảnh vỡ được tìm thấy, lực lượng tìm kiếm sẽ cố gắng đánh dấu tại chố, nơi máy bay chạm mặt nước đầu tiên, bởi đó chính là trung tâm của đống đổ nát.
Hình ảnh mô tả khu vực tìm kiếm MH370 trên biển Ấn Độ Dương
Hệ thống phát hiện tàu ngầm, các thiết bị đặc biệt, các tàu ngầm và các xe tự động dưới nước sẽ quét dưới đáy biển, khu vực đánh dấu có xác máy bay. Mặc dù khu vực tìm kiếm vô cùng rộng lớn, các chuyên gia vẫn muốn tìm bằng được hộp đen và thân máy bay. Hộp đen có bao gồm cả ghi âm buồng lái và ghi lại dữ liệu chuyến bay nên sẽ giúp các nhà điều tra phát hiện ra nhiều bí ẩn xung quanh sự biến mất kì lạ này. Tình trạng của thân máy bay có thể xác định xem liệu có xảy ra một vụ nổ nào không và máy bay đã đâm xuống biển như thế nào.
Các nhà điều tra đang tiến hành tìm kiếm ở đâu?
Theo tuyên bố của Thủ tướng Malaysia, vị trí máy bay được xác định là ở giữa Ấn Độ Dương, phía tây thành phố Perth. Ông cũng nói thêm rằng đây là một nơi cách rất xa so với bất kì địa điểm hạ cánh nào. Không nói rõ nhưng Thủ tướng cũng cho biết phạm vi tìm kiếm đang được thu hẹp lại. Tuy nhiên cần phải hiểu một điều rằng những mảnh vỡ có thể đã bị trôi đi rất xa so với vị trí ban đầu.
Hình ảnh mô tả vị trí Inmarsat dò ra tín hiệu cuối cùng của chiếc MH370
Trong một tuyên bố ngày 24/3, đội tìm kiếm máy bay đến từ Pháp ( BEA) cho biết họ đã chia sẻ với các nhà chức trách Malaysia về kinh nghiệm tổ chức tìm kiếm dưới biển. Đó là những kinh nghiệm của họ từ vụ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích 447 thuộc hãng hàng không Air France năm 2009.
Ai sẽ là người báo cáo kết luận cuối cùng về số phận chiếc MH370?
Cho tới nay, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc gây nhiều áp lực đòi hỏi việc cho phép quốc tế tham gia trực tiếp vào công cuộc tìm kiếm, chính phủ Malaysia vẫn quyết tâm bảo vệ ý kiến của mình. Giả sử xác của chiếc MH370 được tìm thấy trong vùng biển quốc tế, Malaysia vẫn muốn giám sát chính thức và là người báo cáo cuối cùng về số phận chiếc máy bay cũng như nguyên nhân tai nạn. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một tổ chức của Liên Hợp Quốc, đã quy định rõ ràng rằng máy bay của hãng hàng không thuộc quốc gia nào gặp nạn thì quốc gia đó là người đứng đầu trong công cuộc tìm kiếm và đưa ra kết luận cuối cùng.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak kết luận chiếc MH370 đã lao xuống Ấn Độ Dương
Các nhà điều tra đã mở rộng khu vực tìm kiếm ra rất xa bên ngoài Ấn Độ Dương, vượt ra cả lãnh hải của Australia. Tuy nhiên nếu tìm thấy xác máy bay trong khu vực biển của Australia, trách nhiệm sẽ vượt quá khả năng của Thủ tướng Tony Abbott. Malaysia sẽ được mời cử đại diện cho nhóm điều tra.
Lực lượng săn lùng đã tìm thấy những gì?
Vào ngày 24/3, máy bay tìm kiếm Australia và Trung Quốc đã phát hiện ra một số vật thể lạ thuộc khu vực tìm kiếm hành lang phía nam Ấn Độ Dương, cách khoảng 2500km về phía tây nam Australia. Một báy bay P3 Orion của Australia đã nhìn thấy hai vật thể, một vật hình tròn màu xám hoặc xanh lá cây, một vật hình chữ nhật màu cam. Trong khi đó, máy bay Trung Quốc nhìn thấy một đám vật thể màu trắng chưa rõ hình thù kích thước cũng trong khu vực đó. Những vật thể được nhìn thấy bằng mắt thường này có khả năng là mảnh vỡ từ chiếc phi cơ gặp nạn.
Trước đó, vào hôm 18/3, vệ tinh trung Quốc đã phát hiện ra một vật thể dài khoảng 22m và rộng khoảng 13m cách thành phố Perth 1550km về phía Tây nam. Phát hiện này trùng hợp với một phát hiện trước đó của Cơ quan an toàn Hàng hải Australia (AMSA). Trước đó, một máy bay dân sự tìm kiếm của Úc đã thấy một tấm gỗ lớn với nhiều sợi dây màu sắc xung quanh trong khu vực như Trung Quốc mô tả.
Sau khi nhận được những thông tin này, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã tuyên bố đây là những tin tức đáng tin cậy trong quá trình tìm kiếm chiếc MH370.