Để thờ cúng, bài trí bàn thờ ngày Tết Nguyên đán cho đúng, chuyên gia đã đưa ra một số điều nên và không nên trong việc bày bàn thờ ngày Tết trong các gia đình để tránh phạm phong thủy.
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho rằng, việc thờ cúng, bài trí bàn thờ, nhất là bàn thờ trong ngày Tết Nguyên đán, ngày mở đầu của năm mới là điều rất quan trọng. Trong việc bài trí cần chú ý một số điều sau để tránh phạm vào những điều tối kỵ:
* Không bày đồ tanh hôi
Trong việc bài trí bàn thờ ngày Tết không nên bày các đồ tanh hôi, sát sinh, hoa quả cũ thối rữa lên bàn thờ, vì như vậy sẽ không còn trang nghiên thanh tịnh nữa.
Mâm ngũ quả thường bài trí bằng 5 loại quả khác nhau, đủ các màu sắc, sao cho đẹp và trang nghiêm, nhưng cũng không câu nệ phải đủ 5 loại, mà có thể 3,5,7…loại quả ). Có thể cắm thêm cành đào, cành mai và đèn nháy để bàn thờ thêm lung linh, huyền diệu.
* Không nên cúng đồ cũ, đồ mã, tiền giả
Ngày Tết, rất nên chú trọng việc bày biện các đồ thờ, tránh bày đồ mã, đồ dễ cháy trên bàn thờ để đề phòng hỏa hoạn. Trang trí bàn thờ ngày Tết không nên đặt chậu cây cảnh mà dùng hoa tươi. Ngoài ra, bàn thờ là nơi tâm linh, thanh tịnh nên những cành vàng lá ngọc không nên đặt lên.
Đồ mã tuy là vật phẩm có thể dâng cúng trên bàn thờ gia tiên nhưng nên hạn chế đặt lên bàn thờ, đốt dịp Tết. Nếu gia đình nào có bàn thờ Phật thì giấy tiền vàng mã là vật tuyệt đối không được đặt lên bàn thờ này vì sẽ gây mất sự trang nghiêm, ảnh hưởng đến bình an. Thay vì để tiền vàng mã, chỉ nên cúng tịnh tài (tiền thật), tịnh vật (đồ cúng phải là đồ thật, còn mới) trên bàn thờ, mâm ngũ quả.
* Trên bàn thờ không đặt đồ linh tinh
Nhiều gia đình trên bàn thờ thường tiện tay để các vật linh tinh như thuốc men, dao kéo… Điều này sẽ làm mất đi sự thanh tịnh, trang trọng của bàn thờ.
Ảnh minh họa internet
Theo chuyên gia phong thủy, điều quan trọng khi khấn lễ, cúng dâng thì tâm tín chủ phải thanh tịnh, (thường người ta phải sám hối cho tâm thanh tịnh sau đó mới dâng lời cáo bạch), đồng thời xin phát nguyện làm những điều lành để hồi hướng công đức cho tổ tiên, cha mẹ và người thân.
Bàn thờ là nơi linh thiêng, phù hộ cho gia đình bình an, ấm no và hạnh phúc. Khi cắm hương cần cẩn thận không tùy tiện động chạm di chuyển. Điều này sẽ làm Tổ tiên, các vị thần khó an vị để phù hộ cho con cháu. Ngoài ra, người ta còn quan niệm, việc di chuyển bát hương quá nhiều sẽ dẫn tới chuyển sang hướng xấu, mang lại những điều không may cho gia chủ. Bởi vậy khi lau dọn bàn thờ chỉ nên lau bát hương sạch sẽ, không được tự ý động chạm hoặc di chuyển kẻo tài lộc tiêu tán.
Ngoài ra, mọi người khi lau dọn cần chú ý những đồ như chổi quét, khăn lau, khăn khô đều là đồ sạch. Nếu dùng các đồ riêng để lau dọn bàn thờ tổ tiên là tốt nhất, hạn chế dùng chổi, khăn lau dọn chung mang nhiều uế tạp.
Nước dùng để lau dọn bàn thờ, lau bát hương, rửa bình hoa hay chén đĩa trên bàn thờ đều phải là nước sạch. Cẩn thận hơn có thể nấu hẳn một nồi nước lá trầu, lá bồ đề chuẩn bị cho việc dọn dẹp bàn thờ tổ tiên ngày Tết được thanh sạch, trang trọng nhất. Hoặc mọi người có thể nấu nước 5 thứ thảo dược gồm đinh hương, bạch đàn, quế, hồi và gỗ vang. Đun sôi cho kỹ những thảo dược đó với 1,5 lít nước, để ấm rồi dùng nước đó để sử dụng mỗi khi lau dọn ban thờ. Hoặc đơn giản hơn là dùng rượu gừng để tẩy uế, làm sạch đồ thờ cúng.