Những ‘khoản mờ’ trong vụ Huyền Như

Ngày 27/12/2014 13:01 PM (GMT+7)

Có những thỏa thuận ngầm được diễn ra ở quán cà phê, có những trao đổi trị giá hàng chục tỉ đồng...

Ngày 26-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Gần như trọn ngày đại diện của VietinBank cùng bốn luật sư của ngân hàng này trình bày, tranh luận để bảo vệ quan điểm ngân hàng này không bồi thường cho bất cứ khách hàng nào. VietinBank đề nghị HĐXX bác kháng cáo của hai ngân hàng ACB, NaviBank cùng năm công ty đòi ngân hàng này bồi thường số tiền bị Như chiếm đoạt.

Cùng quan điểm với luật sư của Huyền Như, VietinBank cho rằng đề nghị của VKS về việc tuyên hủy một phần bản án liên quan đến hành vi chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của năm công ty để điều tra về tội tham ô, buộc VietinBank bồi thường là vi phạm quy định tố tụng và chưa xem xét thấu đáo “nội tình”.

“Hợp đồng thật để che giấu thỏa thuận ngầm”

Đại diện VietinBank nói các công ty đều thông qua những người trung gian để giao dịch trực tiếp với Huyền Như. Việc giao dịch thông qua những hợp đồng thật nhưng để che lấp những thỏa thuận ngầm phía sau, để hưởng lãi suất khổng lồ phía sau bản hợp đồng.

Luật sư của VietinBank nói: “VKS và luật sư của các bị hại cho rằng các công ty mở tài khoản tại VietinBank là hợp pháp và tiền vào tài khoản rồi là thuộc quyền quản lý của VietinBank nên VietinBank phải chịu trách nhiệm. Nhưng đây chỉ là hai dấu hiệu hình thức, cần phải làm rõ mục đích, động cơ, hành vi của bị cáo Huyền Như cũng như các công ty trước khi mở tài khoản tiền gửi tại VietinBank”.

Những ‘khoản mờ’ trong vụ Huyền Như - 1

Lãi suất “khủng” và những món lợi khổng lồ là “phương tiện” để Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng. Ảnh: HY

Luật sư nói hồ sơ vụ án thể hiện rõ trường hợp Công ty Toàn Cầu bị mất 125 tỉ đồng là: “Công ty Toàn Cầu muốn liên hệ với Huyền Như để gửi tiền vào VietinBank. Mọi giao dịch thỏa thuận sau đó giữa Toàn Cầu và Huyền Như đều được thực hiện tại quán cà phê”. Luật sư cho rằng từ đây xuất hiện hàng loạt hành vi làm giả của Huyền Như để lừa Toàn Cầu như giả chữ ký của phó giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, chữ ký của Toàn Cầu để chiếm đoạt tiền. Đồng thời để có được hợp đồng với Toàn Cầu, Huyền Như đã phải chi 5 tỉ đồng ngoài hợp đồng cho Toàn Cầu và 2,8 tỉ đồng cho người môi giới. Số tiền môi giới được chính người làm việc cho Huyền Như chuyển đến…

Theo luật sư, mọi giao dịch của Công ty Toàn Cầu đều thực hiện với Huyền Như, người của Huyền Như mà không thực hiện với VietinBank. Và trong hợp đồng ủy thác đầu tư của Toàn Cầu cũng thực hiện giao toàn quyền tài khoản của mình cho Huyền Như mà không quản lý tài sản của mình. Phía sau giao dịch mở tài khoản này có hành vi không trung thực. Vì vậy Toàn Cầu phải chịu trách nhiệm về số tiền bị mất.

Tương tự, luật sư cho rằng trước khi gửi tiền, Công ty Hưng Yên đã có hàng loạt sai phạm quy định về gửi tiền vào tổ chức tín dụng. Số tiền Hưng Yên gửi cho VietinBank thông qua thỏa thuận với Huyền Như là tài sản của ngân hàng khác và khi gửi tiền, chủ tài khoản đã có thái độ bỏ mặc sau khi đã thu lợi bất chính số tiền 17 tỉ đồng. Cũng vì vậy, một số công ty “sân sau” của các tổ chức tín dụng đã không kháng cáo vì họ nhận thức được sai phạm.

“Lãnh đạo phòng giao dịch không phải là chức vụ” (!?)

“Hàng triệu triệu tài khoản khách hàng tại VietinBank đều an toàn, không bị Huyền Như chiếm đoạt”. Đó là khẳng định của một luật sư khác của VietinBank. Còn trong vụ án này, “Huyền Như “giấu trên, lừa dưới”, VietinBank không biết sự việc nên không thể quy kết trách nhiệm cho VietinBank”. Luật sư nói theo quy định, Huyền Như không có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống Ngân hàng VietinBank để cho rằng Như phạm tội tham ô. Vì lãnh đạo phòng giao dịch không liên quan đến chức vụ.

Nói về 380 tỉ đồng của Công ty Phương Đông tại VietinBank bị biến mất, luật sư phân tích số tiền này là tài sản của một ngân hàng mượn tài khoản của Công ty Phương Đông để gửi tiền lấy lãi. Và theo quy định, việc tổ chức tín dụng ủy thác gửi tiền để lấy lãi là điều Ngân hàng Nhà nước cấm. Vì vậy, dòng tiền này là vi phạm và cũng là nguyên nhân của hành vi lừa đảo.

Nói về trách nhiệm của mình, đại diện VietinBank trích dẫn ý luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty SBBS (bị chiếm đoạt 210 tỉ đồng) thừa nhận VietinBank là ngân hàng lớn, uy tín. “Và qua phiên tòa này, tôi muốn khẳng định uy tín của VietinBank. Pháp luật không bao giờ bảo vệ cho các hành vi vi phạm pháp luật, cố ý làm trái pháp luật” - vị đại diện nói.

Theo vị này, hai ngân hàng và năm công ty trong vụ án đều thông qua môi giới, trung gian, cán bộ dưới quyền để giao dịch với Như. Đằng sau đó là thỏa thuận ngầm, tất cả đều chứng minh nhận tiền từ Như. Liên quan đến sự vụ này có bốn ngân hàng thông qua “sân sau” và các nhân viên để gửi tiền bất hợp pháp. Việc cố tình lách luật, né tránh thị trường liên ngân hàng gây xáo trộn thị trường ngân hàng. Còn hai công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, họ phải am hiểu luật, quy định trong lĩnh vực. Tài khoản của họ mở ra có thể là hợp pháp nhưng phục vụ mục đích bất hợp pháp - giao dịch tiền với Như.

NaviBank sẽ nộp lại tiền thu lợi bất chính

Tại tòa, luật sư của VietinBank chỉ ra NaviBank đã thu lợi bất chính số tiền khoảng 25 tỉ đồng. Việc chuyển tiền lãi suất ngoài hợp đồng cũng được thực hiện sau khi NaviBank thực hiện mở tài khoản. Luật sư kết: “Số tiền này thực chất là do Huyền Như phạm tội mà có”. Luật sư này còn dẫn lời của lãnh đạo NaviBank tại cơ quan điều tra rằng “NaviBank nhận thức được số tiền lãi ngoài hợp đồng do Huyền Như phạm tội mà có. Khi cơ quan điều tra có yêu cầu, NaviBank sẽ nộp lại” để minh chứng VietinBank hoàn toàn không có bất kỳ sai phạm nào trong việc NaviBank mất tiền.

Theo Hoàng Yến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự