Theo đề nghị của Viện kiểm sát, Vietinbank sẽ phải trả lại 5 công ty số tiền 1.085 tỉ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt.
Ngày 24/12/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC tiếp tục xét xử Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm. Tòa bắt đầu phần tranh luận.
Liên quan đến căn biệt thự 43 tỉ đồng tại tỉnh Quảng Nam, Viện kiểm sát xác định, đây là căn nhà do Như mua, đã thanh toán thành công 40 tỷ đồng. Số tiền Như dùng để mua là tiền vay cá nhân và ngân hàng. Khi mua, Như ký tên mẹ là bà Nguyễn Thị Lang nhưng không nói cho bà này biết. Sau đó, Như đem cầm cố cho bà Lê Thị Ngọc Nga.
Viện kiểm sát cho rằng, căn nhà 43 tỉ đồng là của Như, bà Lang chỉ là người đứng tên giúp
Trước đó, bà Lang cũng thừa nhận, căn nhà này là do Như mua. Từ điều này, có thể xác định, bà Lang chỉ đứng tên để cho Như mua biệt thự. Tòa sơ thẩm tuyên tiếp tục kê biên khối tài sản này là chính xác.
Riêng trường hợp, nếu bà Nga có tranh chấp với Huyền Như thì sẽ được giải quyết trong một vụ án dân sự khác.
Viện kiểm sát cho rằng, Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu gửi 124 tỷ đồng, Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông gửi 380 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương Mại An Lộc gửi 170 tỉ đồng, Công ty Hưng Yên gửi 200 tỉ đồng, Công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank-Berjayan gửi 210 tỉ đồng, tổng cộng là 1.085 tỷ đồng và được Ngân hàng Vietinbank hạch toán.
Tất cả số tiền này, được 5 công ty mở hợp pháp, có đầy đủ chứng cứ pháp nhân. Toàn bộ số tiền đã được chuyển vào tài khoản của Vietinbank. Đây là quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, tức khách hàng gửi và ngân hàng có trách nhiệm giữ.
Mặc dù việc số tiền 5 công ty này gửi vào Vietinbank có sự dẫn dắt của Huyền Như, tuy nhiên, tất cả hồ sơ gửi tiền của các công ty đều hợp lệ. Việc số tiền bị Như chiếm đoạt phía năm công ty không có lỗi gì. Nghĩa vụ quản lý tài sản trong ngân hàng Vietinbank là của ngân hàng này chứ không phải nhiệm vụ của khách hàng.
Viện kiểm sát cho rằng, do Vietinbank không quản lý sát sao về tài khoản của khách hàng, đã tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt số tiền này. Vietinbank đã buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho Như lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản.
Như được giao trách nhiệm là kiểm sát viên, có nhiệm vụ thanh toán, hạch toán vào tài khoản thích hợp, yêu cầu cấp mã khóa bảo mật. Như lợi dụng chức quyền của mình để chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Với mỗi lệnh chi không vượt quá 50 tỉ đồng. Tất cả hành vi gian dối như giả chữ ký, giả con dấu… của Như đều nằm trong quyền hạn, chức vụ của mình.
Với hành vi này, cấp sơ thẩm xem xét hành vi này về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa chính xác, bởi hành vi của Như có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản.
Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng đề nghị Ngân hàng Vietinbank phải trả toàn bộ số tiền 5 công ty này đã gửi. Viện cũng cho rằng, bản án sơ thẩm đã có sai sót nghiêm trọng khi xác định sai tư cách tố tụng của 5 công ty này.
Viện kiểm sát đề nghị hủy một phần bản án, điều tra Như thêm tội Tham ô tài sản
Viện đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm đối với tội Chiếm đoạt tài sản, trả hồ sơ điều tra lại hành vi tham ô của Huyền Như về số tiền 1.085 tỉ đồng.
Viện kiểm sát xác định, về khoản tiền Huyền Như chiếm đoạt của hai ngân hàng ACB và Navibank đã được cấp sơ thẩm kết luận đúng. Do đó, Viện kiểm sát bác đơn kháng cáo của hai ngân hàng này. Đối với các bị cáo khác, hầu hết Viện kiểm sát đều bác bỏ, cho rằng cấp sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội.
Ngoài ra, Viện còn đề nghị khởi tố thêm hai Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM là ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2007, Huyền Như làm cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã đứng ra vay 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, Như đã làm giả con dấu của Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè) và 7 con dấu của các đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3/2010 đến 9/2011, với con dấu giả, lấy danh nghĩa của Vietinbank, Huyền Như tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền, lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền... để lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 3.986 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân. |