Những năm trước khi bị lẫn, cụ Trù tỏ ra buồn bã mỗi khi Tết về vì chồng và các con lần lượt ra đi và thời gian bất lực trước mình.
Tết này, cụ Nguyễn Thị Trù (xã Đa Phước, huyện Củ Chi, TP HCM) đã bước sang tuổi 123 và trở thành cụ bà già nhất thế giới, được Hội đồng liên minh kỷ lục thế giới có trụ sở tại Ấn Độ xác nhận. Những ngày cuối năm, người viết trở lại, cụ vẫn nằm trên chiếc võng cũ nhưng không còn minh mẫn như trước. Cụ không còn nhớ người quen, thân thuộc…
Cụ Trù năm nay đã tròn 123 tuổi
Mấy chục năm qua, người bên cạnh cụ Trù là chiếc dây liên kết giữa cụ với mọi người là cô con dâu út Nguyễn Thị Ba sắp bước sang ngưỡng 80. Bà Ba cho hay: “Năm nay, gia đình chúng tôi vui vẻ hơn những năm trước vì được một số nhà báo đến thăm”. Im lặng trong giây lát, bà chia sẻ tiếp: “Về làm dâu nhà này đã hơn 60 năm, may mắn là tôi được mẹ chồng kể nhiều về quá khứ của cụ”.
Bà Ba kể, cụ Trù tổng cộng có 10 người con và đã 8 người về trời. Hai người còn sống nay cũng ngoài 80 tuổi. Ngoài ra, nhiều cháu, chắt cũng trở thành người thiên cổ. Ngay cha chồng qua đời tròn 41 năm…
Theo lời bà Ba, cụ Trù sinh ra trong một gia đình nghèo. Ngay từ khi còn nhỏ, cụ đã quen với bữa đói, bữa no. Do đó, tết thuở ấu thơ của cụ là những buổi thiếu vắng miếng ăn.
Năm cụ lên 7, người dân Nam Kỳ chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Năm ấy, cha mẹ cụ làm thuê, làm mướn suốt ngày đêm nhưng vẫn không đủ tiền đóng sưu thuế. Vào chiều 30 tết, cha cụ dành chút thời gian ra đồng bắt cá và vay mượn một ít gạo trắng.
Sáng mồng 1, cụ được ăn một bữa cơm no. Và, cụ được tặng chiếc áo vá chùm vá đụp từ những chiếc quần áo đã cũ của người thân. “Chừng ấy thôi mà cụ nhớ mãi. Trong những câu chuyện kể với tôi, bao giờ cụ cũng nhắc nhớ cái tết ấy”, bà Ba nói.
Bà Ba chăm sóc cho mẹ chồng suốt thời gian qua
Sau đó vài năm, thực dân Pháp và bọn địa chủ phong kiến bắt buộc người dân phải khai hoang trồng lúa, hoa màu. Mặc dù sản lượng khá nhiều nhưng địa chủ buộc nộp sưu thuế cao nên chẳng còn được bao nhiêu. Tết đã được ăn cơm trắng nhưng gia đình cụ vẫn thiếu vắng những vật dụng cần thiết như hoa quả, mai, bánh kẹo…
Thời gian trôi, cụ Trù trở thành thiếu nữ, kết hôn với thanh niên hàng xóm. Cái đói, cái nghèo cứ thế quẩn quanh bên vợ chồng cụ. Những người con ra đời cũng chịu cảnh tương tự. Căn nhà lá dừa xác xơ, trống huơ trống hoắc. Đã có những cái tết mưa gió, vợ chồng con cái lấy tấm nilon quây vội xung quanh tránh bị ướt nhẹp…
Khi các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng hết, vợ chồng cụ Trù mới được an nhàn, hưởng cái tết đầm ấm, vui vầy. Nhờ siêng năng, cần cù, gia đình cụ có khoảng 100 công đất. Cuộc sống sung túc hơn. Lúc ấy, bà Ba đã trở thành con dâu của gia đình nên tận mắt chứng kiến niềm vui, hồ hởi của mẹ chồng.
Anh rể, chị dâu của bà Ba đều ra ở riêng nhưng gia đình có truyền thống, dù bận rộn thế nào cũng phải họp mặt vào ngày mồng 2 đầu năm. Do số lượng con cháu quá đông, mỗi tết, vợ chồng cụ phải thịt 3 con heo nhưng vẫn thiếu. Mỗi khi tụ họp, cụ lại xoa đầu tất cả cháu chắt, vì sợ một ngày nào đó mình bị lẫn hay nhiều quá không nhớ hết. Cụ hạnh phúc khi nhìn những băng pháo được đốt, con cháu thay nhau chúc tết đầu năm…
Năm 1975, tất cả người dân Việt hạnh phúc khi đất nước thống nhất thì cụ Trù có nỗi buồn riêng, chồng trở thành người thiên cổ. Tết năm ấy, con cháu vẫn tụ họp nhưng nụ cười không nở tròn môi. Những câu chuyện nhắc nhớ về người chồng quá cố khiến mắt cụ ầng ậc nước.
Bà Ba cho hay, càng về sau này, mỗi khi đến tết, cụ Trù lại càng buồn phiền. Bởi, các con lần lượt qua đời. Cháu chắt vì quá nhiều nên tình cảm cũng phai nhạt dần. Khoảng 20 năm trước, truyền thống tụ họp ngày mồng 2 không còn.
Lúc còn minh mẫn, cụ Trù thường tâm sự: “Không còn mong đợi tết về”. Mỗi mùa xuân đến, cụ lại nhớ về ngày xưa. Thuở chồng còn sống, các con đông đúc, gia đình sum vầy. Lúc ấy, tiếng pháo nổ đì đoàng hòa chung tiếng cười người thân. Càng ngẫm, cụ lại càng buồn.
Cụ Trù luôn mong muốn con cháu tụ họp vào ngày mồng 2 tết như xưa
Bà Ba thừa nhận, do cháu chắt quá đông, chính mình cũng không thể nhớ hết mặt, hết tên nên việc tình cảm gia đình phai nhạt là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, bà vẫn mong rằng, các cháu phải nhớ, còn có một bà cụ già mỗi ngày luôn hoài niệm về những tháng ngày đã cũ.
Đến nay, cụ Trù đã hết minh mẫn nhưng may mắn là vẫn ăn uống được nên sức khỏe khá ổn định. Theo kết quả kiểm tra y tế mới nhất mọi thông số sức khỏe đều đảm bảo ngưỡng an toàn. “Ngày còn thông tuệ, mẹ chồng tôi thường bảo, hy vọng nghe được tiếng pháo, nhìn thấy con cháu vui vầy trong ngày tết. Nay, nếu cảnh cũ hiện hữu không biết cụ có nhận ra không. Nhưng, tôi vẫn hy vọng, thông qua bài báo này, cháu chắt đọc được, tìm về lại với cụ dịp xuân về…”.