Đó là yêu cầu của Liên minh Kỷ lục Thế giới để làm căn cứ công nhận cụ bà Việt Nam là người cao tuổi nhất thế giới.
Sáng 13.5, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố với báo giới thông tin phản hồi từ Tổ chức Kỷ lục Guiness Thế giới và Liên minh Kỷ lục Thế giới về việc đề cử và công nhận cụ bà Việt Nam Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893) là người cao tuổi nhất thế giới.
Theo đó, Tổ chức Kỷ lục Guiness Thế giới yêu cầu phía Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phải trả lời thêm 20 câu hỏi liên quan tới cuộc sống thường ngày, việc ăn uống… của cụ Trù. Còn Liên minh Kỷ lục Thế giới yêu cầu gửi mẫu tóc của cụ Trù để giám định.
Cụ bà Nguyễn Thị Trù, sinh năm 1893, đã sống qua ba thế kỷ (19, 20 và 21). Ảnh: Dương Thanh
“Ban thường trực Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới đã nhận được hồ sơ đề cử kỷ lục thế giới “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới - Cụ Nguyễn Thị Trù” sau 7 lần gửi bổ sung tư liệu hồ sơ theo yêu cầu của chúng tôi. Về cơ bản, Liên minh Kỷ lục Thế giới đã thống nhất thông qua đề cử, đề nghị Tổ chức Kỷ lục Việt Nam gửi chuyển phát nhanh, bổ sung lần cuối cùng về mẫu tóc của cụ bà để chúng tôi sớm công nhận kỷ lục này”, một phần nội dung trong thư hồi âm của Liên minh Kỷ lục Thế giới.
Chia sẻ riêng với phóng viên Dân Việt vào 16h30 hôm nay (13.5), ông Lê Trần Trường An, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổng Giám đốc Vietkings cho biết, phía Việt Nam đã gửi mẫu tóc của cụ Trù tới Liên minh Kỷ lục Thế giới cách đây 5 ngày. Ông An nhận định: “Nhiều khả năng trong tuần này, Liên minh Kỷ lục Thế giới sẽ chính thức công nhận cụ Trù là người cao tuổi nhất thế giới. Nếu sớm có thể là vào sáng mai (14.5 - PV)”.
Cũng theo ông An, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trả lời được hơn một nửa trong số 20 câu hỏi mà Tổ chức Kỷ lục Guiness Thế giới yêu cầu. Ngoài ra, trong quá trình làm hồ sơ đề cử kỷ lục thế giới cho cụ Trù, phía Vietkings phải cung cấp bằng chứng là độ tuổi chính xác từng ngày của cụ. Trong đó, ngoài bản sao giấy khai sinh và giấy đăng ký kết hôn của cụ Trù phải kèm theo lời khai của 3 nhân chứng để khẳng định tài liệu này hoàn toàn chính thống.
“Tài liệu chứng minh phải có sự liên kết giữa cụ Trù với những người con của mình. Chúng tôi cũng phải thiết lập lại cây gia phả để xác định ngày sinh, ngày mất của cha mẹ, anh chị, con cái... của cụ Trù, để minh bạch thời gian sống của cụ”, ông An nói.
Ngày 9.5, ông Trần Thanh Phương - Thường trực Hội đồng Kỷ lục Việt Nam (bên phải) và ông Dương Duy Lâm Viên - Tổng Thư ký Hội Kỷ lục gia Việt Nam (bên trái) đã trao bằng “Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam là cụ bà cao tuổi nhất thế giới” do Hiệp hội Kỷ lục Thế giới ghi nhận cho cụ Trù. Ảnh: Vietkings
Trước đó, lúc 15h ngày 20.4, Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association - WRA) đã chính thức công nhận “Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam là cụ bà cao tuổi nhất thế giới”, đó là cụ bà Nguyễn Thị Trù.
Theo ông Lê Trần Trường An, hiện nay trên thế giới có 3 tổ chức kỷ lục lớn là Hiệp hội Kỷ lục Thế giới, Liên minh Kỷ lục Thế giới và Tổ chức Kỷ lục Guiness Thế giới.
“Mục tiêu của Vietkings là cung cấp đầy đủ mọi thông tin để cả 3 tổ chức trên đều công nhận cụ Trù là người cao tuổi nhất thế giới. Đó sẽ là niềm tự hào của đất nước, con người Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng”, ông An nói.
Trước cụ Trù, người cao tuổi nhất thế giới là cụ bà Misao Okawa (117 tuổi), người Nhật Bản, nhưng cụ Okawa đã qua đời vào ngày 1.4.2015.
Theo Vietkings, cụ bà Nguyễn Thị Trù đã cư trú lâu đời tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Cụ đã sống qua ba thế kỷ (19, 20 và 21). Cụ Trù có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái), nhưng nay chỉ 2 người còn sống là con gái thứ 8 tên Nguyễn Thị Đê (82 tuổi) và con dâu út Nguyễn Thị Ba (76 tuổi). Nguyên quán của cụ Trù theo chứng minh thư nhân dân là ở Cần Giuộc, Long An.