Những ngày giông tố tại tọa độ có kho cổ vật

Ngày 18/05/2014 22:21 PM (GMT+7)

Nhận ra giá trị của những cổ vật dưới đáy biển ở Hòn Cau (nay huyện Côn Đảo, Bà Rịa- Vũng Tàu), hàng chục thuyền chài làng Long Hải gác lưới, sắm đồ lặn dong thẳng ra tọa độ lưu giữ xác tàu đắm. Thay vì thả lưới, buông câu, ngư phủ ngày đêm quên ăn quên ngủ săn lùng cổ vật với hy vọng đổi đời.

Những món đồ gốm sứ trục vớt lên được chuyển ngay vào đất liền, thương lái mua tiền tươi tại chỗ với giá gấp nhiều lần tôm cá. Chính vì lợi nhuận khổng lồ đó, nhiều cuộc tranh giành khốc liệt đã diễn ra, khi nhiều ngư dân bất chấp tình nghĩa, đặt cổ vật lên hàng đầu.

Biển khơi dậy sóng

Như chúng tôi kể ở kỳ trước, từ khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, trong khi đi đánh lưới, câu mực, thuyền của gia đình ông Lê Văn Son (78 tuổi, nay ngụ thị xã Long Hải, huyện Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phát hiện một tại tọa độ gần Hòn Cau có tàu chở gốm sứ bị đắm. Tuy nhiên vào đầu năm 1990, khi xuất hiện những tay săn đồ cổ ở TP. HCM xuống Long Điền (xưa thuộc huyện Long Đất) đặt hàng gốm sứ của ngư phủ thì ông mới ngỡ ra, con tàu đắm ở Hòn Cau là tàu cổ. Khi nhận ra điều đó thì rủi thay, gia đình ông Son không may bị vỡ nợ, thuyền ghe phải bán hết. Không có phương tiện, ông Son đành ở nhà nhìn người ta vớt cổ vật dễ như bười hàu về bán tiền triệu.

Ông Son còn nhớ, vào năm 1989 – 1990, những tay săn đồ cổ về Long Điền, Long Đất “nằm vùng” đặt hàng ngư phủ, đón đầu mua đồ cổ với giá bạc triệu, thậm chí hàng chục triệu khiến làng chài nghèo dấy lên phong trào người người, nhà nhà đi săn cổ vật. Đến mức, người ta cứ ra biển gặp mấy chiếc lọ có bám hàu, mọc rêu là mang về những mong đổi bán kiếm tiền. Ra đường, đi đến đâu cũng thấy già trẻ tụm năm tụm ba kể chuyện về cổ vật, bán cổ vật trúng mánh có thể đổi đời. “Ngày đó, tiền trăm đã lớn lắm rồi nói chi đến tiền triệu. Số tiền đó, cả đời ngư dân chúng tôi bám biển cũng không dám mơ tới”, ông Son nhớ lại.

Những ngày giông tố tại tọa độ có kho cổ vật - 1

Hội cổ vật quốc gia đang kiếm định cổ vật được vớt từ tàu cổ. Ảnh TG

Sức nóng “cổ vật” ở trên bờ tăng nhiệt bao nhiêu thì ngoài biển cũng nhộn nhịp bấy nhiêu. Bất kể ngày đêm, vùng biển Hòn Cau đều có ghe thuyền quần thảo. Tàu đắm chỉ có một nhưng trên mặt nước ghe bám san sát nhau. Người ta thả dây thừng, buộc cần xé (giỏ đan bằng tre như sọt), dong thẳng xuống. Ghe thuyền nào cũng có một vài ngư phủ lặn xuống tìm cổ vật. Các thợ lặn mang theo đồ nghề sơ sài, chỉ có chiếc kính lặn và ống hơi bằng ngón tay ngậm trực tiếp vào miệng, thân mang chì nặng để chìm nhanh. Vì không đảm bảo điều kiện an toàn, nhiều thợ lặn xuống biển đã gặp phải những tai nạn thương tâm như vỡ mạch vì áp suất nước, bị liệt toàn thân. Đứng trước những tai nạn đó, nhiều người đã mê tín đổ cho cái gọi là “lời nguyền kho báu” (chúng tôi sẽ nói đến ở kỳ tới).

Đươi đáy biển, tại vị trí con tàu cổ, gốm sứ trăm năm bám hàu, dính bẹp vào nhau. Qua kính lặn, những họa tiết hoa văn trên lọ, bình hiện lên đẹp đến ngỡ ngàng. Rồi những bức tượng Phật, tượng tiên ông, ấm tách uống trà… Có cổ vật lớn, có loại nhỏ nhưng chung quy đều được người xưa tạo tác đến độ chuẩn mực. Một kho tàng gốm sứ cổ khổng lồ nằm im ỉm dưới làn nước không khỏi khiến người ta có cảm giác như lạc vào bảo tàng cổ dưới đáy biển. Nhưng rồi vì lòng tham, những ngư dân đã thi nhau cạy ra, khuân vào giỏ cần xé. Cái nào không cạy được, họ dùng búa đập, lành thì mang lên, sứt mẻ thì vứt đi hết sức lãng phí.

Những con thuyền trên mặt biển có người trông chừng, khi bào dây thừng có tín hiệu động đậy nghĩa là cần xé đã đầy và chỉ việc kéo lên. Ghe đầy khoang thì cứ thế chạy thẳng vào đất liền và giao cho mấy tay săn đồ cổ. Sau khi nhận hàng, những người này mang lên phố đồ cổ ở TP.HCM bán lẻ hoặc vận chuyển ra nước ngoài để kiếm lời gấp bội. Trở lại câu chuyện biển khơi, vì tranh nhau vớt đồ cổ, nhiều va chạm đã xảy ra. Các ngư phủ trên tàu thuyền, có những người tính đến nước cướp công, nghĩa là người ta chờ ghe khác vớt đầy cần xé, lúc kéo lên giữa chừng thì lặn xuống cắt dây thừng buộc vào dây của mình. Chưa kể, khi vận chuyển vào giữa chừng, nhiều ngư phủ đã bị những tàu thuyền lạ chặn đầu để “xin” cổ vật.

Cuộc chiến ngăn ngư dân “hôi” cổ vật

Chúng tôi gặp ông Quách Hạnh ở một làng chài sát biển thuộc thị trấn Long Hải. Hơn 20 năm trước, ông là một trong số những người có “duyên” với “kho báu” đồ cổ trong con tàu đắm Hòn Cau. Ông Hạnh đã gần 70 tuổi, da ngả màu đỏ mật, ở trần. Ông bất hạnh vì không có con, gần trọn đời đi biển kiếm cơm, vào năm 2013 vợ chồng mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Vì thấy vợ chồng ông quanh năm bám biển mà vẫn phải gá thân tạm nhà lá, người em thương tình nên cho tiền cất nhà gạch. Từ nhà lợp mái dừa, sanh nhà lợp tôn, ông “lên đời”. Khổ nỗi “có tiếng không có miếng”, ở nhà gạch hoa nhưng ông ngày ngày vẫn phải dong chiếc thuyền thúng ra khơi kiếm cá đổi gạo.

Cũng như những cựu ngư khác, khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện kho báu, lão ngư Quách Hạnh lại chép miệng thở dài. Ông tiếc chẳng phải vì hồi đó không vớt được cổ vật mà bởi ông là người chứng kiến cảnh cổ vật trăm năm “chảy máu”. Ông muốn những đồ gốm sứ vô giá ấy phải được “đối xử” đúng với giá trị lịch sử, văn hóa nó mang trong mình. Những món đồ ấy không phải là thứ hàng hóa dùng đổi cơm hay món hời cho những tay săn đồ cổ trục lợi. Bởi lẽ, ẩn chứa trong mỗi chiếc bình, chiếc lọ, bức tượng… chứng tích lưu giữ giá trị văn hóa một thời. Chính vì suy nghĩ đó nên khi chứng kiến người dân đi vớt cổ vật, ông quyết định báo tin cho chính quyền địa phương. Thông tin kịp thời đã có tác dụng ngăn chặn cuộc khai thác tự phát của ngư dân. Giả như nếu không có thông tin từ ông Hạnh, tất cả cổ vật trong con tàu đắm chắc chắn đã bị ngư dân trục vớt bán cho những tay buôn đồ cổ chứ chẳng còn được lưu lại trưng bày như là tài sản quốc gia vô giá.

Ông Hạnh tâm sự: “Hồi đó, tôi làm tài công (lái ghe) nên biết rõ ngư dân đang quần nhau ngoài Hòn Cau tranh vớt cổ vật. Sợ có án mạng xảy ra, lại tiếc cổ vật sẽ bị bán ra nước ngoài, tôi đã đi nói nhỏ với người thân làm trong chính quyền, mong cơ quan chức năng có biện pháp can thiệp. Sau này, nhiều người biết chuyện gièm pha rằng tôi ghen ăn tức ở nên phá đám. Kỳ thực khi báo tin, tôi không hề nghĩ gì đến chuyện nhận thưởng hay tư lợi”. Nhận được tin, chính quyền đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (cũ) đã lên kế hoạch bảo vệ tàu cổ, ngăn bước ngư dân. Các lực lượng công an, biên phòng đã đến tọa độ con tàu đắm yêu cầu những ghe thuyền ngư dân đang khai thác cổ vật tự phát phải dừng lại. Tuy nhiên lúc đó, những con tàu mang biển đăng kiểm lạ đã xuất hiện xả súng, buộc lực lượng chức năng phải truy đuổi. Những tàu lạ này là một trong số những tàu thuyền đang nhăm nhe vào vớt cổ vật.

Vào trưa ngày 25/5/1990, công an huyện Côn Đảo phát hiện một chiếc ghe biển số ĐN 3552 đang quần ở khu vực tàu cổ. Lực lượng chức năng truy đuổi và bắt được một nhóm gồm 8 người. Kiểm tra tàu, cơ quan chức năng thu giữ tang vật gồm 2 cần xé chứa đầy gốm sứ cổ, đồng thời những ngư dân này được giữ lại để lấy lời khai. Những lời khai ban đầu, công an huyện Côn Đảo phối hợp với công an trong đất liền vào cuộc điều tra thì phá hiện, thời gian trước đó đã có hàng loạt đồ cổ được ngư dân vớt lên. Biết bị động, những tay săn lùng cổ vật bị động đã bí mật lặn mất tăm, khu vực có tàu cổ được khoanh bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 giờ. Không còn cơ hội “hôi” cổ vật, những ngư dân mới chịu dừng bước, hạ lưới đi đánh cá, câu mực như xưa. Sóng gió trên mặt biển Hòn Cau dần tạm lắng.

Theo Hàn Phong - Tiểu Diệp (Gia đình & Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan