Lấy hết can đảm và bình tĩnh, nói ra những lời từ đáy lòng, Dung hy vọng sẽ nhận được một cái ôm thật chặt của Tài, hoặc chí ít, cũng được Tài nắm tay mà nói rằng: “Anh sẽ mãi mãi bên mẹ con em”.
Nhưng nhìn ánh mắt dửng dưng, thờ ơ của Tài, Dung nhận ra, tình yêu chỉ mình cô tự thêu dệt. Người con trai cô từng tin yêu, gửi gắm thực chất chỉ là kẻ lợi dụng. Giờ đây, tất cả tan biến như bong bóng xà phòng mà cô không thể nắm bắt nổi.
Đau đớn điệp khúc “em phá thai đi, anh phải về quê lấy vợ”
Đó là câu nói mà Dung nghe từ chính miệng Tài, người đàn ông mà cô đã bất chấp tất cả để yêu. Người đàn ông mà một cô bé lúc mới 15 tuổi đã ảo tưởng về chàng hoàng tử và cô gái lọ lem. Nghe Tài nói vậy, Dung không khóc, có lẽ cô cũng chẳng còn nước mắt mà khóc. Nỗi đau mà cô trải qua, nó quá sức của một cô bé 16 tuổi. Tài nói với Dung: “Anh là con trai cả, ba mẹ anh muốn anh lấy một cô gái đã có nghề nghiệp. Hơn nữa, họ thích anh lấy người cùng quê. Nên em thông cảm cho anh, em đi phá thai đi, anh phải về lo báo hiếu cho ba mẹ,...”.
Tài vừa dứt lời, Dung chẳng thèm van xin mà đứng dậy đi về, mặc cho tiếng nhạc phía sau vẫn bập bùng bên tai. Ôm đứa con nhỏ chặt vào lòng, Dung nhớ lại: “Lúc đó, em đi như vô định, đi mà không biết mình sẽ đi đâu. Em lên một chiếc xe buýt về phía TP.HCM, em sợ phải về nhà. Em sợ nhìn khuôn mặt giận dữ của ba và sợ nước mắt mẹ, sợ lắm chị ạ. Em nghĩ hoặc là em chết đi, hoặc là em sẽ phải tìm kiếm con đường khác, chứ ở nhà thì không được. Ba mẹ em sẽ xấu hổ với hàng xóm, dù gì từ trước tới nay hai ông bà đã tự hào có đứa con ngoan ngoãn, chăm học. Nhưng mà bỏ đứa con đi em cũng không đành lòng,...”.
Chuyến xe buýt và còn 50 ngàn đồng trong túi, Dung không biết mình phải về đâu. Tối đó, Dung xuống bến xe An Sương (TP.HCM) trong tâm trạng rối bời. Dung định vào nhà nghỉ, nhưng tiền quá ít nên cô ngồi vạ vật tại một bến xe buýt. Dung vẫn còn lo sợ khi nghĩ đến cái giờ khắc đó: “Em không nhớ rõ ngày nào, nhưng cách đây sáu tháng, lần đầu tiên em lên TP.HCM, tiền chỉ còn mấy chục ngàn. Lúc đó em sợ lắm, nhìn xung quanh có cảm giác như ai cũng là người xấu. Lúc đó, em đã mất hết niềm tin thực sự,...”
Đúng là “trời không tiệt đường người”, Dung được một người phụ nữ bán hàng rong hỏi chuyện. Sau đó, người này biết hoàn cảnh Dung nên cho về phòng trọ ở quận 12 (TP.HCM) ở tạm. Người phụ nữ đó cũng nghèo, hai vợ chồng và hai đứa con ở trong căn phòng 15m2. Tuy thương Dung nhưng họ không giúp gì được, nên khuyên Dung về lại gia đình. “Mẹ và ba em có gọi điện thoại, nhưng khi em nói em đi lên Sài Gòn, hai người cũng chẳng nói gì. Em biết như vậy là họ cũng muốn em đi cho khuất mắt, chứ đâu có nói em quay về,...”, Dung buồn bã nhớ lại.
Ba mẹ từ bỏ, không tiền bạc, không người thân... Dung cảm thấy hoang mang, lo lắng tột cùng. Trong những ngày ở nhờ người bán hàng rong tốt bụng, Dung được bà con xung quanh nói cho biết về nhà tạm lánh ở Đồng Nai. Thế là Dung cảm tạ gia đình bán hàng rong, tìm đến nhà tạm lánh như một cứu cánh.
Nhớ lại những tháng ngày đó, Dung vẫn còn đau đớn nói: “Bây giờ, em sinh con rồi, được mọi người giúp đỡ em bớt đi phần nào tủi thân. Em cũng suy nghĩ kỹ, em sẽ cố gắng xin việc gì đó làm để nuôi con. Ba mẹ em có tha thứ hay không, em không biết, chỉ biết em phải cố gắng vì con trai em. Dù em vất vả đến đâu em cũng không còn sợ hãi nữa, khó khăn nhất của em cũng đã qua...”.
Một cô gái vượt cạn thành công trong ngôi nhà tạm lánh.
Số phận nghiệt ngã chẳng chừa ai
Không còn trẻ như Dung, cũng chẳng phải vì người đàn ông ruồng rẫy mà phải bỏ nhà đi biệt xứ nhưng chị Nguyễn Thúy Hằng (35 tuổi) đến nhà tạm lánh từ một tỉnh miền Trung cũng có những nỗi niềm riêng. Thoạt nhìn, chị Hằng không có cái nhan sắc nổi trội nhưng nước da ngăm đen và nụ cười duyên cùng cách ăn nói nhẹ nhàng, hiểu biết đã làm cho người đối diện dành nhiều cảm tình. Chị Hằng chia sẻ, chị sinh ra trong gia đình ba mẹ đều trí thức, có một anh trai đang công tác trong ngành công an.
Từ nhỏ, chị đã nổi danh là một học sinh xuất sắc. Không phụ lòng bố mẹ và gia đình, chị Hằng đậu vào ba trường đại học.
Những thành tích học tập đáng nể ấy luôn là bước thảm đỏ trải cho chị trên đường công danh. Chị tốt nghiệp trường đại học luật với bằng đỏ trong tay và về quê hương làm việc trong văn phòng huyện ủy. Chị làm việc năng nổ, là một trong mười thanh niên tiêu biểu được tuyên dương trên toàn quốc, được giao nhiều nhiệm vụ trọng trách trong huyện, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo,...
Con đường ấy có lẽ xán lạn, gia đình, người thân và họ hàng luôn lấy chị làm gương cho con cháu. Chị Hằng chia sẻ: “Hình ảnh tôi hoàn hảo đến độ, cứ đứa nào trong họ mà hư là bảo, mày học chị Hằng đấy. Chị ấy là con gái mà giỏi giang, nhân cách tuyệt vời vậy. Đến nỗi đứa nào yêu nhau, muốn cưới nhau cũng hỏi tôi xem đối phương có được không? Nhân cách người ta có hợp không? Chuyện lớn, chuyện nhỏ gì mọi người cũng hỏi ý kiến tôi,...”.
Có lẽ vì sống trong môi trường ấy, nên chị Hằng cứ hăng say lao vào công việc. Rồi tuổi xuân cũng lần lượt trôi qua, khi chị quay đi quay lại thì giật mình vì đã bước qua tuổi “băm”. Nói về cái sự muộn mằn của mình, chị thật lòng tâm sự: “Tôi cũng chẳng phải quá xinh đẹp, nhan sắc thì trung bình. Nên người mà tôi muốn họ lại không đến, có mấy người ngỏ lời nhưng tôi thấy họ nhạt quá, không làm tôi rung động được. Cứ vậy nên tôi đã tuột qua nhiều mối, để khi giật mình nhìn lại thì mình không còn trẻ nữa”.
Dù tài giỏi, dù làm “bà này bà kia” thì chị Hằng vẫn là phụ nữ. Trong sâu thẳm con người mình, chị cũng cần một người đàn ông chia sẻ, chở che và nhất là chị cũng khao khát đến cháy bỏng một mái ấm gia đình, những đứa con nhỏ để nâng niu, yêu thương...
Trong thời điểm “hoang mang” về tình cảm ấy, chị gặp anh Phan Ngọc Minh, một người cũng từng có gia đình, nhưng không hạnh phúc nên đã ly hôn. Chị Hằng nói về người đàn ông mình định lấy làm chồng: “Anh ấy hơn mình 10 tuổi, là một doanh nhân giỏi. Là người đàn ông làm mình có thể rung động được, yêu nhau được hai năm thì tôi có bầu. Anh ấy cũng muốn cưới tôi lắm nhưng khi tôi định sẽ gắn bó với người đàn ông đó suốt đời, thì chợt nhận ra chúng tôi không hợp nhau. Không hợp thì mình tự rút lui chứ cứ cố gắng để làm một cái đám cưới, cố gắng để cho có chồng mà không hạnh phúc, thì liệu có nên không...?”
Trầm ngâm trong giây lát, chị Hằng tiếp lời: “Nhưng lúc đó, với cương vị của tôi, một người luôn là tấm gương cho các em út trong gia tộc, bây giờ lại có con mà không có chồng thì biết ăn nói làm sao? Tôi đã đấu tranh rất nhiều và cuối cùng quyết định từ bỏ tất cả để có con. Tôi lên một kế hoạch riêng cho cuộc đời mình, có thể ai đó nói tôi điên khùng. Tôi chẳng quan tâm, bây giờ với tôi, đứa con là trên hết. Yêu con, nhưng tôi cũng muốn bảo vệ danh dự cho ba mẹ, nên tôi quyết định sẽ chịu hậu quả do mình gây ra, không buồn hay oán trách ai hết. Tôi lớn rồi, cuộc đời sau này tôi cần có con cái, không có chồng cũng chẳng sao, nhưng tôi cần con, tôi không thể bỏ con được. Vậy nên tôi quyết định ra đi và tìm đến nhà tạm lánh”.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Không “cố đấm ăn xôi” Với những cô gái bình thường khác, khi đã lỡ có bầu với người mình yêu, lại được người đó muốn lấy làm vợ thì chẳng có gì hạnh phúc hơn. Nhưng chị Hằng là người cá tính, chị nhận ra chị không hợp với cha đứa bé để có thể gắn bó suốt đời. Dù đau khổ, hy sinh cả sự nghiệp, gia đình, chị vẫn quyết định sẽ sinh con, chứ không vì cái “danh dự” ảo mà cưới người không hợp. Vì vậy, chị quyết định ra đi, dù biết có muôn vàn khó khăn đang chờ phía trước... |