Lõi ngô, thân chuối hay mo cau... là những thứ bỏ đi nhưng mấy năm gần đây, nó lại là "mỏ vàng" mang về khoản tiền đáng kể cho người dân.
Mo cau thành bát đĩa xuất khẩu
Mo cau là món đồ gắn với tuổi thơ của nhiều người, thường được dùng làm quạt hoặc làm thuyền đồ chơi. Từ khi có quạt điện, mo cau trở thành thứ bỏ đi, không còn giá trị sử dụng. Hiện nay, khi cả cộng đồng đang nỗ lực giảm rác thải thì những sản phẩm làm từ mo cau lại trở thành thứ thân thiện với môi trường, có thế sáng tạo thành những mặt hàng được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng.
Tại huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), anh Nguyễn Văn Tuyến (38 tuổi) cùng những người bạn đã thu mua lại mo cau của bà con với giá 1.000 đồng/cái rồi sáng tạo ra những chiếc bát đĩa.
Những miếng mo cau nhỏ tận dụng để làm những chiếc muỗng (thìa).
Theo đó, mo cau được ngâm nước cho mềm rồi rửa sạch, để ráo sau đó được đưa vào máy ép nhiệt độ cao tạo thành các sản phẩm như chén đĩa, khay đựng cơm… Sau khi ép thành phẩm sẽ đưa đi diệt khuẩn bằng máy chiếu tia UV rồi đóng gói, gửi mẫu kiểm nghiệm theo quy định trước khi xuất khẩu.
Chia sẻ với báo chí vào năm 2020, anh Tuyến kể, cơ sở của anh có thể hoàn thành đơn hàng 50.000 sản phẩm chén, đĩa, khay đựng cơm cho đối tác ở Hàn Quốc, giá mỗi sản phẩm dao động từ 1.000-6.000 đồng.
Không chỉ anh Tuyến, hiện ở Việt Nam có nhiều cơ sơ sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường từ chiếc mo cau để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Lõi ngô vứt đi thành "kho tiền" không đủ bán
Chắc chắc tất cả chúng ta không còn xa lạ với lõi ngô, còn gọi là cùi ngô (cùi bắp). Sau khi ăn hạt xong, mọi người đem cùi ngô vứt vào sọt rác, trước đây ở nông thôn một số ít người đem phơi khô để đun nấu.
Thế nhưng, thứ bỏ đi này lại được bán ở siêu thị một số nước với giá cao không tưởng, không đủ hàng để bán. Đây là những lõi ngô này được tách hạt bằng tay hoặc bằng dụng cụ đảm bảo vệ sinh, giữ sạch sẽ.
Ở siêu thị Hàn Quốc, lõi ngô được đóng gói và bán với giá 40.000 đồng/gói (mỗi gói có 4-5 cái). Tính ra mỗi cái lõi ngô được bán với giá khoảng 10.000 đồng. Được biết, người Hàn thường mua lõi ngô về đun nước uống giống như hãm trà, có công dụng chống vàng da, chống phù, lợi tiểu và các chứng chảy máu.
Ngoài ra, lõi ngô còn được dùng làm than, ưu điểm của nó là không sinh nhiệt, cháy lâu, không bốc lửa và khói. Hiện tại lõi ngô được nghiền nát rồi trộn thêm một số thành phần để làm than hoạt tính với giá thu mua nguyên liệu khoảng 10.000 đồng/kg, thành phẩm bán ra khoảng 11.000 đồng/kg. Hiện tại Sơn La là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất than từ lõi ngô lớn.
Xơ dừa thành hàng loạt mặt hàng xuất khẩu
Vỏ dừa khô là thứ mà lâu nay chúng ta vẫn bỏ đi. Không ai nghĩ rằng, mấy năm trở lại đây nó lại thành mặt hàng đem về "mỏ tiền" cho người dân ở tỉnh Bến Tre.
Theo đó, hiện nay vỏ dừa khô có thể chế biến ra hàng loạt sản phẩm khác nhau như: xơ dừa thô ép kiện, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa, mụn dừa, than gáo dừa..., các cơ sở chế biến xơ dừa khô xuất khẩu có thể thu được vài tỉ đồng mỗi năm.
Một công nhân làm việc ở cơ sở làng nghề Khánh Thạnh Tân (Bến Tre) cho biết công nhân phơi xơ dừa ở đây có thể kiếm được 300.000 đồng/ngày, ngày ít hơn cũng được 200.000 đồng.
Theo đại diện của cơ sở này, ở đây mỗi năm xuất khẩu hàng ngàn tấn xơ dừa thô đóng kiện với giá bán hiện nay 170 USD/tấn (gần 4 triệu đồng), lúc cao điểm mức giá lên đến 320 USD/tấn (hơn 7 triệu đồng).
Những chiếc vỏ dừa khô còn được tách ra thành mụn dừa (cám dừa). Mụn dừa được dùng làm giá thể thay thế đất trong sản xuất cây giống, được dùng để ủ phân vi sinh, phân hữu cơ… Các làng nghề cây giống ở Nam Bộ tiêu thụ rất mạnh mụn dừa.
Theo chia sẻ từ chủ cơ sở Ngọc Vinh (ở Bến Tre), mỗi bao mụn dừa 10 kg có giá bán 23.000 đồng. Riêng mỗi tấn chỉ xơ dừa sau khi ép thành kiện có giá trị xuất khẩu khoảng 2,5 - 3 triệu đồng.
Thân chuối tưởng chỉ cho lợn ăn, nay ép thành sợi bán thu về bộn tiền
Cây chuối có ở khắp các vùng quê ở Việt Nam, rất dễ trồng vì không cần nhiều công chăm sóc. Trước đây, thứ có giá trị nhất của cây chuối là quả chuối, còn lá chuối, thân chuối sẽ bỏ đi, hoặc làm thức ăn cho gia súc. Thế nhưng vài năm trở lại đây, thứ bỏ đi này được ép thành sợi để phục vụ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm giấy... và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Trên thế giới, thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển khoảng 15-20 năm nay và giao dịch ngày càng sôi động. Trong đó những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô lớn nhất thế giới gồm Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc.
Một sản phẩm làm từ thân chuối
Theo thống kê mới nhất, hiện tại Việt Nam có khoảng 150.000 ha đất trồng chuối lấy quả, với nhiều vùng chuyên canh chuối có diện tích lớn, quy mô trang trại, nông trại. Nếu tính cả diện tích trồng chuối nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng thì diện tích cây chuối của nước ta có thể lên tới hơn 200.000ha. Diện tích chuối đó tương đương với khoảng 200.000 tấn sợi mỗi năm.
Trong khi đó, giá sợi thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay là khoảng 3,5 USD/kg. Với sản lượng sợi chuối như trên, ai cũng có thể tính được tiềm năng kinh tế từ thị trường sợi chuối lên tới 700 triệu USD.