Đây là những loại hoa quả ngon, tốt cho sức khỏe, nhưng cũng là những loại dễ bị ngâm tẩm hóa chất nhất, người tiêu dùng cần lựa chọn cẩn thận, tỉnh táo để không rước họa vào thân.
Chọn hoa quả theo mùa là cách các chị em nội trợ vẫn thường dùng để mua được những quả ngon và ít có nguy cơ bị ngâm tẩm hóa chất. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay nhiều người bán vẫn chạy theo lợi nhuận, sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật để hoa quả có màu sắc đẹp mắt và bảo quản lâu hơn.
Bơ
Cứ vào khoảng thứ 4, tháng 5 là bơ lại vào vụ. Thời điểm này, bơ được bán đầy ở chợ, vỉa hè, siêu thị, chợ mạng với giá từ 25.000 -70.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, đặc điểm của bơ là vỏ mềm, vận chuyển đường dài nếu quả chín sẽ dễ bị dập nát, vì thế các tiểu thương buôn với số lượng lớn sẽ dùng "chiêu" ngâm hóa chất để bơ tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.
Năm 2017, công an Đồng Tháp xử phạt hành chính số tiền 32,5 triệu đồng đối với bà Phạm Thị Kim Đào (28 tuổi, ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) về hành vi “Sử dụng hóa chất không có trong danh mục để ngâm trái cây và không có giấy phép đăng ký kinh doanh”. Theo đó, ngành chức năng đã bắt quả tang cơ sở kinh doanh trái cây của Đào sử dụng hóa chất để ngâm trái cây bán cho người tiêu dùng. Thời điểm kiểm tra phát hiện 28 kg bơ đang ngâm hóa chất và 547 kg đã ngâm hóa chất xong đang được trưng bày để bán.
Để phân biệt đâu là bơ tắm hóa chất, một nhà vườn cho biết bơ xanh thì cuống có màu xanh, còn bơ chín cuống sẽ chuyển sang màu sẫm. Vì thế, nếu cuống vẫn còn xanh mà thân bơ lại mềm thì chứng tỏ khả năng bơ đã được ủ hóa chất để thúc chín nhanh.
Dừa tươi được "tắm trắng"
Dừa là loại quả giải khát được ưa chuộng trong mùa hè, tuy nhiên khi mua những quả dừa đã được gọt vỏ sẵn, người tiêu dùng cần cảnh giác bởi có khả năng để những quả dừa trắng tinh bắt mắt , nhiều cơ sở kinh doanh hiện nay không ngại dùng hóa chất không rõ nguồn gốc để tẩy trắng.
Những trái dừa sau khi được gọt vỏ, ngâm trực tiếp trong thùng nước đục, mùi hôi sặc nồng, chỉ sau vài phút, trái dừa trắng tinh. Bí quyết là chủ cơ sở đã dùng 2 loại bột trắng không rõ nguồn gốc để ngâm.
Điển hình năm 2018, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam bất ngờ kiểm tra hành chính cơ sở dừa của một công ty ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này có 6 công nhân đang gọt vỏ dừa, sơ chế quả dừa có sử dụng hóa chất màu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để ngâm ủ dừa. Số hóa chất này được cơ sở sử dụng để tẩy trắng dừa, tạo màu sắc bắt mắt.
Những quả dừa lạnh được ngâm hóa chất nhìn cái là nhận ra ngay, phần vỏ dừa luôn có màu trắng tinh, bóng đẹp, không một vết ố vàng. Tốt hơn cả, người tiêu dùng nên chọn mua những quả đừa còn nguyên, sau đó nhờ người chán chặt trực tiếp.
Sầu riêng
Sầu riêng - loại quả được mệnh danh là "vua trái cây" có giá rẻ hơn khá nhiều, dao động từ 49.000 - 70.000 đồng/kg. Trong thời buổi thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay thì sầu riêng cũng không ngoại lệ, để kích thích loại quả “vàng” này chín nhanh người ta không ngần ngại nhúng chúng vào cả tấn hóa chất.
Năm 2018, lực lượng chức năng huyện Xuân Lộc, Đồng Nai từng phát hiện và thu giữ 14 tấn sầu riêng bị ngâm tẩm hóa chất. Thời điểm đó, lực lượng chức năng bắt quả tang nhân công đang quét một loại bột ướt, có màu vàng vào cuống trái sầu riêng rồi đem nhúng vào thùng chứa nước nghi pha hóa chất; những quả sầu riêng này sau đó được đưa lên kệ để quạt khô, đem dán tem và đóng thùng.
Theo tìm hiểu, các thương lái thường dùng Carbendazim và Tebuconazole để thúc y sầu riêng chín sớm hơn so với thông thường. Được biết, Tebuconazole đã bị Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ đưa vào danh sách chất gây ung thư thuộc nhóm độc. Loại hóa chất này đã bị loại khỏi thị trường châu Âu.
Để chọn được sầu riêng ngon, an toàn, bạn cần phải để ý kỹ phần cuống và phần gai. Phần cuống tươi xanh, cứng sẽ là loại vừa rụng, còn phần cuống cũ úa màu, héo rất có thể đã được ngâm thuốc để thúc trái chín. Gai sầu riêng chín cây sẽ nở màu xanh xanh lẫn vàng và xam xám. Còn gai của sầu riêng hái sớm nhúng thuốc để lâu ngày sẽ không nở, bầm dập nhiều chỗ.
Mít
Đây là loại quả ưa thích của nhiều người nhưng người tiêu dùng chỉ dám đặt mua ở những nguồn hàng tin cậy bởi mít thường nằm trong danh mục các loại quả bị chín ép nhờ tiêm hóa chất.
Năm 2018, Công an Hà Nam xử lý cơ sở kinh doanh hoa quả của anh Phạm Văn Tuấn (38 tuổi, trú thôn Thượng Thụ, xã La Sơn, huyện Bình Lục, Hà Nam) sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ đang kích thích mít chín nhanh, tạo mùi thơm và vị ngọt.
Tại thời điểm đó, tổ công tác thu giữ 2 hộp bìa chứa 40 tuýp hóa chất trên vỏ bao bì in chữ Trung Quốc, gần 600kg mít thành phẩm và một số tang vật có liên quan. Tuấn khai nhận mua hóa chất ở TP Hà Nội về bơm vào mít nhằm mục đích kích thích cho mít tăng trưởng chín nhanh, tạo mùi thơm, vị ngọt…rồi mang tiêu thụ.
Để chọn mít an toàn, chị em nên dựa vào những đặc điểm:
- Mủ: Theo nhiều chị em, để phân biệt mít chín ép và mít chín tự nhiên có thể dựa ngay vào việc quan sát mủ của quả mít. Mít chín cây ít khi có mủ, còn mít chín ép sẽ có mủ trắng chảy từng dòng.
- Mùi thơm: Mít chín cây thường có mùi thơm đặc trưng, mít chín ép phải ngửi kỹ mới có mùi thoang thoảng.
Chuối
Chuối là một loại hoa quả phổ biến, rẻ tiền (chỉ hơn 1.000 đồng/quả) và có quanh năm ở nước ta. Chuối được bán rất nhiều ở chợ và siêu thị nhưng không ít người hoang mang đâu là chuối chín tự nhiên, đâu là chuối chín ép.
Thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng hóa chất để thúc ép chuối chín. Mới đây nhất, vào tháng 1 năm nay, Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra điểm thu hoạch, chế biến chuối tại xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, Đồng Nai và phát hiện 2 bồn nước có màu trắng đục, mỗi bồn nước có dung tích khoảng 3.000 lít; 01 bình phun thuốc bảo vệ thực vật loại 20 lít, 2 bình thuốc bảo vệ thực vật màu vàng, 1 bịch bột màu trắng không nhãn mác.
Chủ cơ sở khai nhận chuối được các công nhân chặt từ trên cây xuống, sau đó phân loại và cho vào 2 bồn nước dung tích 3.000 lít để rửa (trong mỗi bồn nước có pha với phèn) sau đó được phun qua lớp thuốc bảo vệ thực vật (nhãn hiệu ghi chữ Trung Quốc) để bảo quản, sau đó chuối được đưa vào container lạnh để bảo quản, sau đó sẽ vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.
Để chọn chuối an toàn, người tiêu dùng nên dựa vào những đặc điểm:
- Cuống: Những quả cuối chín vàng nhưng cuống vẫn còn màu xanh, thậm chí vẫn còn nhựa thì nhiều khả năng là chuối chín ép. Chuối chín tự nhiên không có hiện tượng này.
- Vỏ: Chuối chín ép có màu vàng bắt mắt, da mịn màng không tỳ vết, bóp nhẹ vào quả chuối thấy cứng, không có độ mềm và đàn hồi. Còn chuối chín tự nhiên vỏ có màu vàng sẫm kèm những đốm nhỏ màu đen hoặc màu nâu. Khi dùng tay bóp nhẹ có thể cảm nhận được độ mềm của ruột.
Nho
Nho cũng là một trong những loại quả dễ bị hóa chất nhất do vỏ mỏng và dễ bị dập thối khi vận chuyển đường dài. Vì vậy, các loại hóa chất sẽ khiến cho quả nho “cứng cáp” hơn với thời gian.
Khi mua nho, bạn cần quan sát cuống quả. Những chùm cuống còn tươi, lớp xanh của cuống mềm mại đó là nho mới. Ngược lại nho cuống héo, rời rạc phần cuống với quả, lớp vỏ cuống nhăn nheo đó là nho đã để lâu. Khi chọn những chùm này, nho thường giảm vị, thời gian bảo quản ngắn, thậm chí trong những quả nho còn diễn ra quá trình biến đổi chất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Về màu sắc, nho có khá nhiều loại, mỗi loại có đặc trưng riêng. Bên cạnh yếu tố vị và hương, thông qua màu sắc của quả, chị em có thể dễ dàng lựa được những trái nho ngon, đến độ chín vừa, vỏ căng, lớp vỏ mịn, mướt và mượt .
Hồng xiêm
Để quả hồng xiêm bắt mắt hơn, người bán thường ngâm quả qua một loại dung dịch được cho là bột sắt hòa với nước. Những trái hồng xiêm bị ngâm bột sắt có màu vàng thẫm còn hồng xiêm sạch có màu xanh tự nhiên.
Để chọn hồng xiêm ngon, an toàn, người tiêu dùng nên để ý vào những đặc điểm sau:
- Vỏ: Hồng xiêm được ngâm hóa chất vỏ thường trơn bóng và hầu như là không có tì vết nào. Trong khi đó, hồng xiêm chưa ngâm thì vỏ không trơn bóng. Trái hồng xiêm có màu vàng thẫm đã được ngâm chất bột sắt.
- Mùi vị: Hồng xiêm chín không ngâm thuốc thì có mùi thơm dịu, cát mịn, ăn có vị ngọt mát. Trong khi đó hồng xiêm ngâm hóa chất để chín ép, vị ngọt đậm và không có mùi vị đặc trưng của hồng xiêm.