Quyết tâm theo đuổi mơ ước, Tín chấp nhận từ chối học bổng lên đến 10.000 USD trong vòng bốn năm đại học.
Chưa năm nào không vào viện
Tôi ghé nhà Nguyễn Trọng Tín (19 tuổi, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) vào một buổi trưa nắng. Bà Võ Thị Thìn (48 tuổi, mẹ Tín) đang tráng bánh đa phía trước quán thấy khách lạ vội vàng ngơi tay. Sau một hồi cười tươi tiếp nước, mắt bà lặng buồn khi được hỏi về căn bệnh xương thủy tinh của con.
Hơn 20 năm trước, bà Thìn và ông Nguyễn Hoàng kết hôn. 2 đứa con trai lần lượt ra đời. Dù muốn có đứa con gái để “đủ nếp đủ tẻ” nhưng ông bà không dám sinh thêm, bởi, phát hiện đứa con út là Tín bị căn bệnh quái ác. Lúc ấy, Tín vừa tròn 6 tháng tuổi, cứ khóc miết. Nghe tiếng khóc của con, cả hai vợ chồng bồn chồn lo lắng không biết phải làm gì. Nghe lời người thân, họ chuyển con lên bệnh viện tỉnh Quảng Nam khám. Cả gia đình chết lặng khi bác sĩ thông báo: “Nó bị bệnh xương thủy tinh. Bệnh này không chữa được. Cứ hễ động chạm mạnh là lại gãy xương”.
Từ đó, Tín bị "tước quyền" lăn, bò, đi đứng. Để di chuyển, cậu dựa vào những cây định cố định trong xương kèm với tấm nệm lót dưới chân. Bất kể làm gì, cậu cũng phải thật khẽ khàng. Tuổi ấu thơ của cậu là những tháng ngày ở trong bệnh viện. Thậm chí, bác sĩ quen mặt, gọi cậu là con, xưng cha.
Bà nhớ, có lần, đang ngồi chơi, Tín dùng tay nâng vào thanh giường đứng dậy. Cánh tay yếu, chân khuỵu xuống. Một tiếng “rắc” vang lên. Tín liền được đưa vào viện. Lần khác, gắng gượng tập đi, đôi chân mỏng manh không mang nổi thân thể và cậu lại nhập viện… Những lần vào “thăm bác sĩ” của con cứ thế đong đầy trong ký ức người mẹ. “Gia đình tôi luôn chuẩn bị tinh thần chở Tín vào viện vì gãy xương. Có năm, Tín nhập viện đến 4 lần. Bác sĩ quen mặt cũng thở dài ngao ngán”, bà chia sẻ.
Mỗi lần Tín nhập viện, gãy chỗ nào, bác sĩ băng bó chỗ đó chứ không dám nắn lại vì sợ gãy thêm. Cũng vì điều này, đôi chân cậu gầy tong teo như hai thanh tre, cong vẹo lại chi chít vết sẹo lồi lõm. Chúng tôi đưa tay sờ vào những cong vẹo ấy, Tín trêu: “Nhẹ thôi, lại gãy bây giờ”.
Dẫu bác sĩ bảo, bệnh này không thể chữa trị, nhưng là một người mẹ, bà Thìn vẫn nuôi hy vọng, có một phép màu với đôi chân của Tín. Mỗi khi nghe có vị nào chữa bệnh xương khớp giỏi, không kể nam hay bắc, vợ chồng bà lại khăn gói đến dò hỏi để chữa trị cho con. Bao nhiêu lần đi là bấy nhiêu lần lê bước nặng trĩu trở về. Rất nhiều tiền bạc trong nhà cũng đội nón ra đi.
Hơn 30 lần bị gãy xương, Tín vẫn đỗ đại học với số điểm đáng mơ ước
Năm 2010, một tổ chức thiện nguyện biết đến trường hợp của Tín. Họ đến thăm khám rồi đưa sang Hàn Quốc chữa trị miễn phí 3 tháng. Vợ chồng chị đã nuôi hy vọng, y học tiên tiến của nước bạn sẽ giúp con trai có được đôi chân bình thường. Ngày Tín về nước, nhóm thiện nguyện thông báo: “Mặc dù không thể chữa trị dứt điểm nhưng chân của cháu trở nên chắc chắn hơn”. Dù không như mong đợi, nhưng nhờ lần chữa trị ấy, gia đình chị không phải thường xuyên “lui tới” bệnh viện. Mỗi năm, Tín chỉ “ghé” một lần để kiểm tra lại xương. Đến năm 2012, “bệnh gãy chân” mới trở lại.
Tín kể, mỗi khi gãy chân, rất đau đớn nhưng không dám kêu than. Cậu sợ đôi mắt đỏ au của cha, những vệt nước chảy dài trên khuôn mặt của mẹ. Cậu tự nuốt nỗi đau vào trong và tự hứa với lòng: “Tương lai sẽ còn bị nhiều lần như thế nữa. Phải gắng gượng”. Nhẩm tính sơ, suốt 19 năm qua, Tín đã nhập viện hơn 30 lần để “nắn lại chân”. Và, theo lời cậu, con số ấy ắt hẳn sẽ còn tăng lên trong tương lai.
Chạm tay vào ước mơ
Nụ cười vội xua tan u uất khi bà Thìn nhắc đến việc học của Tín. 6 tuổi, thấy bạn bè đồng trang lứa đến trường, cậu cũng xin được đến lớp. Cậu bảo: “Bạn bè đi học, con ở nhà buồn lắm!”. Bà rơm rơm nước mắt hỏi: “Chân con vậy sao đi?”. Cậu thật thà: “Con mượn vai, chân của cha và mẹ để đến trường”. Sau cuộc hội thoại, tiếng nấc nghẹn vang lên trong căn nhà nhỏ. Hôm sau, vợ chồng bà đến trường xin cho Tín nhập học.
Trường tiểu học cách nhà khoảng 3 km. Ngày ấy, đường đắp bằng đất núi. Mùa nắng bụi mù mịt. Mùa mưa, đất bết lại, dẻo quánh, trơn trượt. Lắm hôm, gió rít lớn, vợ chồng bà khuyên nghỉ một ngày, Tín không chịu, nằng nặc đòi đến trường. Suốt 12 năm qua, trừ những ngày nằm viện, cậu chưa một lần “cúp” học. Hôm nào quá bận rộn, bà lại chuẩn bị ca mèn, bới cơm cho con mang theo ở lại buổi trưa. Chiều muộn, xong công việc đến đón con về.
Ngày đầu đưa Tín đến trường, bậc cha mẹ chỉ với ý định “làm vui lòng con”. Nhưng, Tín siêng học đến lạ. Nằm viện, cũng mang sách vở vào. Cậu chỉ dừng học khi cha mẹ nghiêm khắc buộc nghỉ dưỡng. Vơi cơn đau, cậu lại lén cầm sách, cầm vở. Từ nhỏ đến lớn, cậu không đi học thêm, chỉ tự mày mò. Cậu học thông, tiếp thu bài vở nhanh, nhiều năm liền là học sinh xuất sắc, luôn nằm trong top đầu của lớp và trường. Thấy con tìm được niềm vui với con chữ, ông bà cũng tràn trề hạnh phúc.
Tín chia sẻ, mẹ suốt ngày vất vả bên lò tráng bánh, cha lại lầm lũi phụ thợ hồ, còn mình được ngồi trong bóng râm. Cậu cảm thấy bất lực vì không giúp đỡ được gì nên chỉ biết cố gắng học thật giỏi, làm món quà tặng đấng sinh thành. Và, cậu biết, nếu không học, chắc chắn mình sẽ không thể tự nuôi sống bản thân trong tương lai. Được tặng một chiếc máy vi tính cũ, cậu mày mò, tỏ ra thích thú và nuôi ước mở trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. “Đôi chân èo uột, chỉ có ngành này là phù hợp với em”, cậu nói.
Cuối cấp phổ thông, Tín dồn hết trí lực ôn tập. Ngày thi tốt nghiệp, cậu nương lưng cha ra Đà Nẵng. Nhận giấy báo điểm, cả gia đình vỡ òa vì trong các môn xét tuyển đại học khối A Toán 8,75; Hóa và Lý cùng 9,5; cộng 1 điểm ưu tiên, tổng điểm là 28,75. Trước đây, cậu có ý định nộp hồ sơ vào trường Đại học Công nghệ Thông tin vì số điểm ấy, có thể vô thẳng lớp tài năng và có một số chế độ miễn giảm học phí. Nhưng, ký túc xá khá xa cơ sở học, cậu quyết định chọn và đậu vào nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin của Đại học Bách Khoa TP HCM.
Tín bất ngờ được nhóm đoàn cán bộ của trường Đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng) vào tận nhà thăm hỏi và đề nghị tài trợ học bổng 100% giá trị 10.000 USD trong vòng bốn năm. Ngoài ra, trường hỗ trợ sinh hoạt tối đa 1,5 triệu đồng/tháng và chu cấp miễn phí chỗ ở nếu cậu đăng ký chương trình du học tại chỗ ngành Công nghệ thông tin hoặc 3 chuyên ngành khác do trường liên kết với một trường đại học ở Hoa Kỳ. Trường cũng sẵn sàng cấp học bổng và hỗ trợ tương tự cho Tín theo học các chương trình khác nếu đăng ký học ở đây.
Với gia đình Tín, những điều kiện trường Đại học Duy Tân đưa ra là quá lớn. Nếu đồng ý, cha mẹ cậu sẽ vơi bớt rất nhiều lo lắng về kinh phí cho con trai học đại học. Tuy nhiên, Tín chấp nhận chọn trường mình thích. Do đó, cậu nhập học trường Đại học Bách Khoa TP HCM.
Cha Tín lên kế hoạch, sẽ vào TP HCM để giúp con ăn học. Trước đây, Tín cũng từng nêu ý kiến, cho mình vào TP HCM một mình nhưng bố mẹ cậu không yên tâm. “Số phận Tín đã quá nhiều khiếm khuyết. Do đó, chúng tôi sẽ là động lực và tạo điều kiện tốt nhất cho con. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của con”, mẹ Tín chia sẻ.