Từ một nô tì hầu hạ trong cung, cô gái này đã trở thành hoàng phi được vua yêu chiều và sủng ái.
Thời phong kiến, tầng lớp thấp kém nhất xã hội chính là nô tì. Họ bị coi thường, lệ thuộc vào chủ và gần như không có quyền cơ bản của con người. Vậy mà trong lịch sử vẫn có một nô tì được phong làm hoàng phi gây chấn động đất nước thời bấy giờ. Đó là bà Lê thị - phi tần rất được sủng ái của Lê Uy Mục - vị hoàng đế thứ 8 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam.
Bà Lê phi (hay còn có tên Lê Thị Thanh) là người xã Sa Lung, châu Minh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Sách sử chép do gia đình mắc trọng tội nên bà bị sung làm nô tì trong cung. Lúc ấy, Lê Tuấn (tức vua Lê Uy Mục) được một thầy giáo dạy về lễ nghĩa và tình cờ bà Lê thị có tham gia lớp học này.
Tranh vẽ bà Lê thị.
Lê Tuấn vừa nhìn thấy nô tì này thì rất ưng. Theo sách Ô Châu cận lục chép:"Vương thấy bà lấy làm vừa ý. Hai bên trở nên quyến luyến nhau. Một hôm, vương dùng chân khèo chân bà. Khi về bà đem chuyện ấy kể lại với sư mẫu, sư mẫu nói rằng: “Vậy là vương thử lòng con, sau này nếu con thấy vương làm như thế thì dùng hai tay che chân của vương lại để tỏ ý thân”. Hôm sau bà làm đúng như kế của sư mẫu đã bày. Vương rất vừa lòng, từ đó về sau không cố ý chọc ghẹo nữa. Riêng bà cũng giữ kín mối tình đẹp chẳng hề lộ ra".
Năm 1504, vua Lê Túc Tông qua đời. Một năm sau, hoàng tử Lê Tuấn kế vị ngai vàng, lấy niên hiệu là Lê Uy Mục. Không lâu sau ông nhớ lại người xưa đã cảm mến liền cho người rước Lê thị vào hậu cung.
Với bản tính thông minh, nhanh nhẹn cùng sắc đẹp "không ai bì nổi", bà đã được vua Lê Uy Mực hết lòng yêu thương và chiều chuộng. Thậm chí vua còn phong bà làm hoàng phi khiến triều thần và dân chúng ngỡ ngàng.
Cả nhà Lê thị cũng được hưởng phú quý. Anh trai bà là Ông Phủ họ Lê được phong Hiệu lệnh Xá nhân Tư mã chỉ huy sứ, sau làm Cai tri bản châu Minh Linh rồi Tấn Trung Tử. Còn em trai bà làm Kinh lược sứ, chuyên lo việc khẩn hoang lập làng mới.
Chân dung vua Lê Uy Mục.
Cuộc sống chốn hậu cung của Lê phi hầu như lúc nào cũng mặn nồng bởi bà được hoàng đế sủng ái. Nhưng niềm hạnh phúc ấy chỉ tồn tại vỏn vẹn 4 năm ngắn ngủi. Năm 1509, vua Lê Uy Mục không chịu trị nước làm mất lòng dân nên quan thần đã dấy binh khởi loạn rồi dùng súng công thần bắn cho tan xác. Vũ Tá hầu Phùng Dị vào cung cưỡng bức bà.
Ô châu cận lục viết: “Khi Kiến vương (thực ra ở đây phải viết là Lê Tương Dực (1509 - 1516), bởi Kiến vương chính là cha của vua Lê Tương Dực, nhưng chưa làm vua bao giờ) lên thay, kẻ bề tôi là Vũ Tá hầu tên Phùng Dị cưỡng bức đem bà về làm thiếp".
Sau khi Lê phi qua đời, nhân dân nhớ ơn anh em bà có công khai hoang lập ấp nên đã lập đền thờ ở nhiều nơi. Các triều đại đều có sắc phong, vật tặng cho bà chúa tại miếu thờ như mũ cửu phụng gắn rồng vàng, áo bào gắn mặt rồng vàng, nhất là một vỏ trấu màu đen - kỷ vật vô giá dành cho một vương phi có công lớn với dân.
Hiện phần lớn đền miếu thờ đã hoang phế, chỉ còn ngôi miếu chính thờ bà ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn được giữ nguyên. Hàng năm, nhân dân trong vùng lại tổ chức tế lễ vương phi họ Lê tại miếu bà vào ngày 27/3 Âm lịch.