Mẹ bỏ đi khi biết Anh Tú mắc phải “bệnh nhà giàu” – bệnh tan máu bẩm sinh. Để duy trì sự sống, hơn 7 năm qua, Tú thường xuyên phải theo bà đến bệnh viện để truyền máu và thải sắt.
Vì thương cháu, bà Nông Thị Chiếu (57 tuổi, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) vượt hàng trăm km để đến tham dự hội nghị về bệnh tan máu bẩm sinh. Bà Chiếu nói, bà đến để mong có thêm kiến thức để về chăm sóc cháu mình.
Giá như tôi có thể bị bệnh thay cháu”
Kể về những bất hạnh của gia đình, bà Chiếu cho biết, cháu bà tên Hoàng Anh Tú (8 tuổi) bị bệnh tan máu bẩm sinh đã 7 năm.
Năm Tú 1 tuổi, cơ thể bỗng nhiên xanh xao, da vàng và chậm lớn. Gia đình đưa em đi khám. Ai cũng chết đứng khi các bác sĩ cho biết, Tú mắc phải "căn bệnh nhà giàu" - bệnh tan máu bẩm sinh. Theo đó, muốn duy trì được sự sống, hằng tháng Tú phải được đưa đến bệnh viện để truyền máu và thải sắt.
Gia đình vốn rất khó khăn, cuộc sống chỉ trông chờ vào những đồng tiền đi làm thuê của cha Tú. Nay lại thêm con cái bệnh tật... Cả nhà rối như tơ vò. Rồi không rõ lý do gì, sau vài ngày đưa con đi khám, mẹ Tú bỏ nhà đi biệt tăm.
“Cũng 7 năm rồi, mẹ nó bỏ đi chẳng thấy có tin tức gì. Tội nghiệp thằng bé, lúc ấy vừa đói sữa lại mắc bệnh nên cơ thể yếu lắm”, bà Chiếu kể.
Vài năm sau không thấy vợ quay về, cha Tú cũng đi xây tổ ấm riêng. Tú ở với bà nội, 2 bà cháu rau cháo nuôi nhau.
Cuộc sống của Tú và bà gần như gắn liền với bệnh viện. Mỗi tháng đôi lần, hai bà cháu lại ôm nhau đến bệnh viện để truyền máu và thải sắt.
“Có lần tôi nấn ná vì chưa vay được tiền hoặc cũng đang ốm nên chưa kịp đưa cháu đi bệnh viện, Tú phải cấp cứu vì thiếu máu nặng. Tôi nghe bác sĩ nói, đến kỳ phải đưa Tú đi truyền máu. Nếu không, Tú sẽ rất mệt mỏi và khó thở. Sau một lần như thế, cứ đúng kỳ tôi phải đưa cháu đi bệnh viện”, bà Chiếu nói.
Vì bệnh ở thể nặng nên Tú còn bị loãng xương khiến xương rất giòn. Bà Chiếu cho biết, cả 2 tay Tú đều từng bị gãy. Tú đi học, bà phải đưa đi đón về. Làm bất cứ việc gì, bà cũng phải để mắt tới cháu vì lo cháu nghịch ngợm, lỡ lại gãy xương.
Để có tiền điều trị cho cháu, bà Chiếu phải đi vay lãi ngân hàng. Bà bảo, hiện số tiền vay đã lên tới 40 triệu đồng.
“Hồi đầu tôi còn vay mượn tiền họ hàng, bà con xung quanh. Nhưng bệnh thường kỳ như vậy, dù có thương đến mấy cũng chẳng ai có thể giúp đỡ. Tôi đành thế chấp nhà đất để vay tiền cho cháu đi chữa bệnh. Bố nó sẽ lo làm để trả tiền lãi. Sắp tới kỳ phải trả nợ, tôi chưa biết xoay xở thế nào”, bà Chiến nói.
Bà kể, nhiều lúc Tú đặt câu hỏi khiến bà phải rơi nước mắt. Tú hỏi bà đến khi nào thì không phải truyền máu nữa? Rồi tại sao mặt Tú lại xấu xí, bụng to khiến các bạn chê cười? Thậm chí có lần, Tú mệt mỏi quá đã buột miệng nói: “Cháu chết được không bà”…
Đối với bệnh nhân tan máu bẩm sinh, việc truyền máu quyết định mọi thứ trong cuộc sống.
Mỗi lần nhìn cháu côi cút, lủi thủi một mình bà lại cầu mong có phép lạ đến với hai bà cháu. Bà bảo, giá như có thể hoán đổi được bệnh tật, bà sẵn sàng chấp nhận.
“Nó tội quá. Thiếu hơi ấm của mẹ, lại bệnh tật đầy mình. Bây giờ còn chút sức khỏe, tôi còn lo cho cháu được. Lỡ mai này, tôi có mệnh hệ gì, cháu nó sẽ ra sao. Hàng trăm lần tôi thắp hương cầu khấn, tôi mong căn bệnh quái ác kia có thể truyền hết sang cơ thể mình để cháu được sống”, bà Chiếu sụt sùi kể.
Bà bảo, bà đến tham dự hội nghị tan máu bẩm sinh với hi vọng có ai đó có thể chữa được khỏi bệnh cho cháu mình…
Bệnh nhân tan máu bẩm sinh phải điều trị suốt đời Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Chủ tịch Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam cho biết Thalassemia – tan máu bẩm sinh là bệnh thiếu máu do tan máu, di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Đến nay chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh triệt để mà chỉ điều trị triệu chứng, do vậy bệnh nhân sẽ phải điều trị suốt đời. Một bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh ở mức độ nặng, để nuôi sống, chăm sóc và điều trị cho họ đến 30 tuổi thì chi phí điều trị lên tới khoảng 3 tỷ đồng” |