Các bệnh nhân ở khoa Chống đau (Bệnh viện K) đều đã mắc ung thư ở giai đoạn cuối, vì thế mong muốn lớn nhất của họ là giảm sự đau đớn của bệnh tật, còn việc chữa khỏi với họ là dường như không thể.
Ung thư đang là căn bệnh “giết người” đứng thứ 2, chỉ sau bệnh tim mạch. Tuy nhiên, hầu hết các căn bệnh ung thư hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh, mà chỉ xác định được các yếu tố nguy cơ. Bởi vậy, việc trang bị những kiến thức phòng bệnh ung thư là vô cùng quan trọng. Nhằm giúp độc giả phòng, chống được căn bệnh nguy hiểm này, chúng tôi đăng tải loạt bài viết về các căn bệnh ung thư hiện đang có nhiều người mắc nhất hiện nay. Mời quý độc giả đón đọc. >> Ung thư không có nghĩa là “bản án tử hình” >> Ung thư phổi gia tăng, số người mắc bệnh ngày càng trẻ hóa |
Có mặt tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ (Chống đau) – Bệnh viện K (cơ sở Tam Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội), đúng lúc các bác sĩ đang “đi buồng” (thăm khám, tiếp thuốc cho bệnh nhân) và tận mắt chứng kiến những cảnh bệnh nhân rúm ró, co người lại vì “sợ” thuốc khiến bất kể ai chứng kiến cũng không thể cầm nước mắt.
Theo đó, tất cả bệnh nhân đang được điều trị ở đây đều đã ở giai đoạn cuối, họ đã trải qua tất cả các liệu trình điều trị với những đợt xạ trị và truyền hóa chất vào cơ thể. Bởi vậy họ rất “sợ” hóa chất, nhưng giữa những sự lựa chọn: “Giảm đau và đau đớn” hay “sự sống và cái chết” thì dù sợ mấy các bệnh nhân ở cũng vẫn phải làm.
Một bệnh nhân cho biết: “Cứ 20 ngày tôi lại vào chăm sóc giảm đau một lần, mỗi lần vào được được các bác sĩ ân cần hỏi về bệnh tình, tuy nhiên các câu hỏi chỉ là: “bác còn đau lắm không”, “lần này về bác có ăn được nhiều hơn không?”, chứ tuyệt nhiên không có bất kỳ câu nào hỏi về việc bác đã đỡ hay khỏi bệnh chưa”.
Thắc mắc, vì sao lại có hiện tượng lạ như vậy, bệnh nhân này cho hay: “Chúng tôi ở đây biết chắc là sẽ ra đi bất cứ lúc nào, giờ đây chỉ mong làm sao cho đỡ đau đớn là hạnh phúc lắm rồi, chứ chú bảo ung thư vú di căn sang hết cả xương cột sống và ở giai đoạn cuối rồi thì khỏi làm sao”.
Đó là chắc hẳn là suy nghĩ chung của khoảng 700 bệnh nhân đang được khoa Chống đau quản lý, bởi với họ khi đã đến với bệnh viện K (Tam Hiệp) đến với khoa Chống đau thì đã không còn cơ hội chữa khỏi mà chỉ mong muốn làm sao cho bớt đau đớn mà thôi.
Tâm sự với phóng viên, bác Thanh đang chăm đứa con gái mới ngoài 20 tuổi bị ung thư xương di căn cho biết, có những đêm con đau đớn nằm rên khóc mình phải lặng câm, nuốt nước mắt vào trong, trấn tĩnh lại tinh thần để động viên con.
“Biết làm sao được chú ơi, ở đây ai cũng vậy, đã mang căn bệnh này mà lại ở giai đoạn cuối thì chẳng có hy vọng gì, nhưng trong những ngày còn lại của cuộc đời, mình đừng bỏ rơi họ, đừng để họ phải sống trong đau đớn, mà hãy chăm sóc và làm tất cả những gì có thể để quãng đời còn lại của họ được thấy niềm vui và hạnh phúc bên người thân”, bác Thanh chia sẻ.
Hy vọng, với sự tận tâm của các bác sĩ tuyến cuối chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh ung thư, và với sự chăm sóc quan tâm của những người thân trong gia đình, những bệnh nhân ở khoa Chống đau – Bệnh viện K (cở sở Tam Hiệp) sẽ có thêm niềm tin để sống và chiến thắng bệnh tật.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại được tại khoa Chống đau – Bệnh viện K (Cơ sở Tam Hiệp) sáng 12/11:
Đối với các bệnh nhân ung thư ở khoa Chống đau, ống truyền và giường bệnh dường như là vật bất ly thân.
Những giọt hóa chất được truyền vào cơ thể, sẽ giúp các bệnh nhân chống chọi lại sự đau đớn của bệnh tật.
Tuy nhiên, những chai hóa chất vơi dần, cũng đồng nghĩa với việc cơ thể họ sẽ gầy mòn hơn.
Những bệnh nhân tại đây luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng.
Các nhân viên y tế tại đây cũng rất đặc thù, khi hàng ngày phải chứng kiến những bệnh nhân đang cận kề sự sống và cái chết.
Sự quan tâm, chăm sóc của người thân sẽ là động lực giúp các bệnh nhân chiến thắng bệnh tật và chiến thắng chính mình.