Ngày mới ra tù, ông chết đứng khi biết được thông tin gia đình ly tán, không còn nhà cửa nên ông trở thành người vô gia cư, không gia đình...
Ông Trương Bá Nhàn (52 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) bùi ngùi cho biết, ông là em của chồng bà con bạn dì với bà Nguyễn Thị Kim A. Tình cảm giữa Nhàn với gia đình bà A. khá thân thiết. Ngày 12/12/2001, bà A. được con gái phát hiện bị sát hại ngay trong nhà và bị cướp khoảng 60 đến 80 triệu đồng cùng một số trang sức bằng vàng. Qua quá trình điều tra, dấu vân tay của ông trùng với dấu vân tay trong hộc tủ đựng tiền nên bị bắt giữ.
Bao nhiêu lần lấy lời khai là bấy nhiêu lần ông khẳng định mình vô tội. Ông chợt nhớ, cách một tuần trước khi vụ án xảy ra, vợ chồng bà A. có nhờ sang bưng bê giường, tủ lại. Và, cũng có thể, dấu vân tay để lại từ hôm đó.
Thậm chí, ông còn khai, hôm xảy ra vụ án, có chứng cứ ngoại phạm. Sau khi đi bỏ mối khẩu trang với một người bạn, ông trở về nhà. Rồi, ông đến một phòng nha khoa tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) để làm răng. Về sau, hai nhân viên của phòng khám cũng xác minh trưa đó, ông có đến làm răng. Thế nhưng, những lời khai này của ông, cơ quan công an cho rằng không có cơ sở.
Ông Nhàn đã trở về tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục công việc làm thuê
Ông ra tòa ba lần. Lần nào cũng run rẩy, lo sợ. Ông hy vọng và tin tưởng mình sẽ được minh oan. Nhưng, suốt bốn năm ngồi trong tù, nhiều khi, niềm tin bị xói mòn. Ông nghĩ tương lai sao mờ mịt vô cùng. Ở trong tù, ông khóc rất nhiều. Đến bây giờ, ông nghĩ mình đã cạn nước mắt nên không thể khóc dù có chuyện đau buồn như thế nào diễn ra.
Thế rồi, ngày 8/6/2006, ông nhận được quyết định được tại ngoại của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM với lý do đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ, chứng minh vi phạm, phạm tội. Hôm ấy, ông bất ngờ nhưng không thể khóc nổi.
Ngày mới ra tù, ông chết đứng khi biết được thông tin gia đình ly tán. Trước đây, vợ chồng ông từng có một vườn trồng cà phê khá lớn ở tỉnh Đắk Lắk. Khi ông vướng vào tù tội, vợ buồn, lại xảy ra mâu thuẫn nên bán, bồng con cái trở về nhà cha mẹ ruột để ở. Ông tìm đến, nhưng vợ con ông vẫn tránh mặt. Ông bước chân ra đi mà lòng mặn chát. Kể từ đó, ông trở thành một người vô gia cư, không gia đình…
Ông trở lại tỉnh Đắk Lắk xin đi làm thuê. Tháng năm ở tù, nghĩ suy nhiều, hao tổn sức khỏe. Do đó, khi trở lại làm việc, ông hay mệt, thở dốc và đến bây giờ cũng vậy. Khi rẫy hết việc, ông lại tìm đến nhà một người quen ở tỉnh Quảng Ngãi làm thuê trong một gara. Tiền công, ông chi một phần nhỏ để chi tiêu cá nhân. Ông chỉ chi tiêu những thứ cần thiết. Còn lại, ông cất để làm lộ phí đi đòi lại sự công bằng cho mình.
Tám năm trôi qua, ông không nhớ mình đã gửi bao nhiêu lá đơn lên cơ quan chức năng đòi bồi thường oan sai. Thỉnh thoảng, những lá đơn ấy cũng có hồi đáp nhưng không có kết quả gì. Rồi, ông nghe một vài người nhắc đến Văn phòng luật sư Người Nghèo (TP.HCM) tư vấn pháp lý miến phí. Ông lặn lội tìm đến và được luật sư ở đây tận tình hướng dẫn. Từ đó, hành trình tìm công lý của ông bước sang một trang mới.
Ngày 19/1/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã có quyết định chấp nhận bồi thường 296 triệu đồng. Trong đó, 225 triệu là tiền bồi thường tổn thất tinh thần, còn lại là tiền bồi thường thu nhập hàng tháng.
Ông Nhàn bảo, suốt 8 năm dài đi đòi công lý, số tiền lộ phí bỏ ra còn nhiều hơn tổng số được bồi thường. Tuy nhiên, ông tạm hài lòng không phải vì số tiền ấy mà vì cơ quan chức năng chấp nhận xin lỗi ở nơi ông cư trú và xin lỗi ở trên báo. “Từ đây tiếng oan của tôi được gột sạch”, ông nói.
Mặc dù vậy, ông vẫn không biết dùng số tiền được bồi thường để làm gì. Bởi, sau vụ án, gia đình đã tan nát. Ngẫm nghĩ trong giây lát, ông chia sẻ: “Có lẽ tôi sẽ dùng số tiền này để gầy dựng lại cuộc đời”. Ngoài ra, ông cũng mong vợ và con sẽ không lạnh nhạt với mình như thời gian qua.
Đến sáng 20/1/2015, ông Nhàn gọi điện với chúng tôi cho biết: “Tôi đã bắt xe về tỉnh Quảng Ngãi để làm thuê tiếp. Hy vọng, sau chuyện này sẽ không còn một ai phải rơi vào bi kịch giống tôi”.