Ngày cầm trên tay tờ giấy xét nghiệm kết luận mình nhiễm HIV, chị Nguyễn Thị Điệp (Long Biên, Hà Nội) khóc không cất nên lời. Hiện tại, chị đã rắn rỏi hơn, nỗi đau của chị giờ trở thành sức mạnh để bản thân sống có ý nghĩa.
Chua xót vì con trai không biết nói
Căn nhà của ông Phúc (bố chị Điệp) ngổn ngang đồ chơi trẻ em, nền gạch phủ một lớp bụi dày. Năm người, ba thế hệ trong một gia đình đang chơi đùa với nhau.Chị Điệp đi chân đất, bộ quần áo ở nhà ngả màu cũ kỹ, lâu lâu chị đưa tay vuốt nhẹ mái đầu của cậu con trai tội nghiệp.
Đang chơi đùa với nhau, bỗng bé Nguyễn Hữu Hiếu (con chị Điệp) đứng phắt dậy, kêu ú ớ. “Cầm dây xích vào thôi con ạ. Đến giờ trưa rồi, bận bịu cơm nước không ai trông được nó đâu”, ông Phúc nhẹ nhàng nói.
Còn bà Nguyễn Thị Lộc (mẹ chị Điệp) thì chạy ra ngoài quán tạp hóa gần nhà mua mấy chai nước giải khát, gói kẹo. Bà bảo: “Cứ có kẹo, nước ngọt uống là cháu sẽ ngoan. Từ bé, thương nó thiệt thòi nhiều thứ nên nhà có gì ngon cũng ưu tiên cho cháu”.
Bé Hữu Hiếu có vấn đề về tâm thần, thỉnh thoảng lại lên cơn tăng động. Những lúc ổn định thì Hiếu ngồi yên vần vò một món đồ nào đó như chai nước, quả bóng, ô tô đồ chơi…
Gia đình chị Nguyễn Thị Điệp. Ảnh: Ngọc Thi
Trước đó, gia đình cũng cho Hiếu đi học tại lớp dành cho trẻ tăng động. Nhưng không giáo viên nào đủ kiên nhẫn với Hiếu. Đến lớp ngoài việc chạy nhảy thì cậu bé phá hoại, xé sách, xé vở. Nhiều năm theo học, bé Hiếu không viết nổi tên mình nên gia đình quyết định cho nghỉ hẳn ở nhà. Trong cuốn vở của Hiếu là những dòng nguệch ngoạc, không ý nghĩa.
Trước đây, chị Điệp mang thai bé Hiếu mà không hay biết. Trong một lần cảm cúm, chị đã uống thuốc kháng sinh để chữa. Gia đình chị cho rằng, có thể đó là nguyên nhân khiến Hiếu bị tăng động như bây giờ.
Có lẽ, với một người mẹ, sinh ra đứa con không trọn vẹn là một nỗi đau không diễn tả được bằng lời. Nỗi đau đó còn lớn hơn hơn việc chị biết trong huyết mạch của mình đã tồn tại hàng tỉ con virut HIV.
Dặn mình nghĩ tích cực, sống ý nghĩa
Ngày biết mình nhiễm HIV, chị Điệp chưa hiểu hết được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Nhìn ánh mắt đau thương của bố mẹ dành cho mình, chị biết đó là một vấn đề khó nói.
Gạt đi những giọt nước mắt tuyệt vọng, chị Điệp tiếp tục sống cuộc sống chìm nổi của mình. Người mẹ trẻ lo chăm con, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. May mắn lớn nhất là cháu Hiếu không bị lây nhiễm HIV. Biết hoàn cảnh của chị, các bác sĩ đã kêu gọi hỗ trợ thuốc thacho chị uống.
Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, biết hoàn cảnh của chị, bà con chòm xóm có người thương xót nhưng cũng có người xa lánh. Chị không trách họ nhưng vẫn không tránh khỏi những phút chạnh lòng. 10 năm qua, mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng chị chưa bao giờ ngừngi làm việc, trừ lúc ốm đau.
Kể về người chồng của mình, chị bảo: “Nhiều người bảo có lẽ tôi bị lây nhiễm HIV từ chồng. Với tôi, bây giờ nguyên nhân từ đâu không còn quan trọng. Tôi không thể thay đổi được sự thật đó nữa. Nếu có như vậy thì thôi cũng không trách, không hận. Bố tôi là người căn dặn, động viên tôi rất nhiều. Giờ đây, nếu còn ngày mai, tôi luôn dặn mình phải nghĩ tích cực, sống ý nghĩa.
Tôi nghĩ chồng tôi về quê và không quay trở lại chắc hẳn có nỗi khổ riêng. Thời gian chung sống với nhau tuy ngắn nhưng mọi người đều rất vui vẻ. Anh ấy chăm chỉ việc nhà, việc xóm, những ai biết anh đều khen ngợi”.
Những lúc không có người trông, ông bà ngoại sẽ xích bé Hiếu lại. Ảnh: Ngọc Thi
Trước đây, chị Điệp trắng trẻo, xinh xắn. Thời điểm hiện tại, sức khỏe chị suy giảm bởi sự tàn phá của virut HIV. Chị không còn ăn được nhiều. Thân hình chị nhỏ thó, đôi mắt thăm thẳm buồn. Cũng bởi sức khỏe yếu nên chị phải nghỉ làm thường xuyên.
Do đầu óc lúc nhớ lúc quên nên nhiều khi chị lỡ việc uống thuốc dành cho người nhiễm HIV. “Dặn con uống thuốc nhưng nó cứ nhớ nhớ quên quên lẫn lộn. Khi tôi hỏi thì nó chẳng nhớ mình đã uống chưa, lên phòng kiểm tra thì thấy lọ thuốc vẫn còn nguyên”, ông Phúc cho biết.
Muốn mình hiểu biết thêm về căn bệnh thế kỷ, hòa nhập với cuộc sống bên ngoài chị Điệp tham gia nhóm Tự lực sống chung với HIV. Trong nhóm, chị Điệp là người có hoàn cảnh đặc biệt bởi mắc chứng thiểu năng về trí tuệ, bố mẹ lại già yếu nên không thể đưa chị đi thăm khám thường xuyên. Cũng vì vậy, chị được trưởng nhóm quan tâm, động viên nhiều nhất.
Khó khăn vẫn hằn trên khuôn mặt của người phụ nữ luôn phải gồng mình đối mặt với bệnh tật. Nhưng, thay vì ngồi than trách, né tránh, chị Điệp đã mạnh mẽ đối diện và tập làm quen với nó. Hy vọng, trong tương lai, mẹ con chị sẽ được hạnh phúc, dù đó chỉ là một hạnh phúc nhỏ nhoi giữa bề bộn khó khăn.