Do đặc thù công việc đã có không ít bác sĩ từng bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu, chữa trị cho bệnh nhân.
Mới đây, việc gần 37 người bị phơi nhiễm HIV khi sơ cứu và cấp cứu một nạn nhân nhiễm HIV trong vụ tai nạn giao thông ở Kon Tum khiến dư luận hoang mang.
Là một người đã từng bị phơi nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ, BS Hoàng Hải Hà (Khoa Nội, Bệnh viện 09 Hà Nội) rất chia sẻ với những gì mà các cán bộ y tế và người dân đang đối mặt.
“Hiện giờ tôi chỉ có một lời khuyên dành cho các đồng nghiệp và những người dân bị phơi nhiễm HIV là phải thật bình tĩnh, tin tưởng vào phác đồ điều trị và luôn hy vọng những điều tốt đẹp phía trước”, BS Hà nói.
Ngoài ra, sự quan tâm, chia sẻ của người thân, bạn bè cũng là “liều thuốc” quan trọng để những người đang bị phơi nhiễm HIV có thể vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này.
“Tôi là người đã từng trải qua, nên tôi rất hiểu tâm trạng lúc này mọi người bị phơi nhiễm HIV đang phải đối mặt. Thật sự, chẳng ai vui vẻ và yên tâm được khi chưa có kết luận cuối cùng (sau 3 lần xét nghiệm) rằng mình đã âm tính với HIV”, BS Hà chia sẻ.
BS Hoàng Hải Hà, người đã từng bị phơi nhiễm HIV vì lĩnh trọn một xilanh dính máu có HIV.
Nhớ lại thời điểm cách đây gần chục năm về trước, khi làm nhiệm vụ cùng các chiến sĩ công an, chính BS Hà là người đã lĩnh trọng một xilanh có kim tiêm vẫn còn dính máu của người nhiễm HIV, BS Hà cũng đã rất hoang mang.
Ở thời điểm đó, BS Hà còn phải gánh chịu sự kỳ thị rất lớn của người đời, thậm chí ngay bản thân BS Hà cũng nghĩ, chắc chắn mình đã nhiễm HIV. “Cũng đã có lúc tôi tuyệt vọng, thậm chí viết sẵn cả di chúc để đó rồi. Nhưng may mắn là tôi vẫn có vợ, con, gia đình ở bên động viên và kết quả cuối cùng tôi đã “thoát án” mang tên HIV”, BS Hà nhớ lại.
Cũng là một bác sĩ đã từng bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu cho một sản phụ bị nhiễm HIV tại bệnh viên, BS Lưu Quốc Khải (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cũng bày tỏ sự cảm thông đối với các đồng nghiệp ở Kon Tum.
Đồng thời BS Khải cho rằng, căn bệnh HIV không phải dễ lây nhiễm, hơn nữa các bác sĩ đã được tư vấn và điều trị bằng thuốc dự phòng ARV nên khả năng lây nhiễm là không cao. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan mà cần phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị.
Cũng giống như BS Khải và BS Hà, BS Nguyễn Ngọc Hưng (Bệnh viện 09 Hà Nội), cũng là người từng bị phơi nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ chia sẻ, điều quan trọng nhất khi biết mình bị phơi nhiễm HIV đó là phải tự biết cách vượt qua chính mình.
Theo BS Hưng, đối với những người ngoài xã hội họ luôn nhìn HIV là cái gì đó rất ghê gớm, thậm chí coi đó là chết chóc, nhưng những người làm trong ngành y tế phải hiểu được khả năng lây nhiễm của bệnh như thế nào.
“Nếu mình cũng bi quan, cũng lo lắng một cách thoái quá, không tin tưởng vào phác đồ điều trị thì có khi mình đổ bệnh vì sự sợ hãi, trước cả HIV”, BS Hưng chia sẻ.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, chiều ngày 30/6 tại Km 1522, đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đắc Hrinh, huyện Đắc Hà, Kon Tum xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 16 người thương vong. Trong số các nạn nhân tử vong, có trường hợp bệnh nhân Trần Thị M., 51 tuổi, trú tại huyện Ngọc Hồi là bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.
Tuy nhiên, khi tham gia cứu hộ, giúp đỡ các nạn nhân vụ tai nạn, người dân cũng như lực lượng y bác sĩ không hề biết nạn nhân nhiễm HIV và đã bị phơi nhiễm. Tính đến thời điểm này đã có 37 trường hợp bị phơi nhiễm HIV sau vụ việc, hiện tất cả đang được điều trị bằng thuốc ARV.