Phía sau cánh cổng BV 09 Hà Nội (tại Tân Triều, Thanh Trì), nơi điều trị cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối luôn vắng vẻ người qua lại. Bởi nơi đây chỉ có bác sĩ và bệnh nhân, những người ngày đêm sống chung với HIV.
Cả ngày hầu như không có bước chân ra, vào, ngoài mấy bóng áo trắng của các thầy thuốc. Chỉ một bức tường đơn ngăn cách bên ngoài, thế nhưng sự cách biệt mong manh ấy đủ tạo ra một môi trường hoàn toàn khác.
Nỗi lòng người bác sĩ
Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS của những bác sĩ nơi đây mới thấy, đó là công việc không phải ai cũng làm, cũng gắn bó được. Hiện vẫn có đến gần 80% cán bộ, nhân viên BV phải đi thuê nhà ở. Tuy nhiên, buồn vì điều này thì ít, mà đau lòng vì cảnh nhiều gia đình ngược đãi, kỳ thị với bệnh nhân, kỳ thị "oan" sang cả bác sĩ thì nhiều.
Những y bác sĩ đang làm việc tại đây, ngày đêm tận tụy, chăm sóc để nạn nhân của những căn bệnh thế kỷ vơi bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần. Đến BV 09, tận mắt chứng kiến công việc của các cán bộ, nhân viên y tế mới hiểu được sự vất vả, hiểm nguy và những cống hiến thầm lặng của các y, bác sĩ nơi đây.
Họ làm việc không ngơi nghỉ, không đòi hỏi, để phục vụ bệnh nhân, nhưng mấy ai cảm thông và hiểu thấu nỗi lòng của họ? Đâu đó vẫn còn những ánh mắt coi thường thậm chí kỳ thị với những người làm công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân AIDS.
Được coi là có thâm niên làm việc lâu nhất tại BV 09, Ths. BS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Nội tâm sự, làm việc ở đây có nhiều khó khăn vất vả. Đầu tiên khó khăn là kể đến việc bệnh nhân không hợp tác cùng bác sĩ trong việc điều trị bệnh, bên cạnh đó làm việc trong môi trường này cả bệnh nhân và bác sĩ đều bị xã hội và cộng đồng kỳ thị phân biệt.
Bác sĩ làm việc ở đây luôn chịu áp lực, có bệnh nhân còn đuổi dọa đánh cả bác sĩ, trước những sự việc như vậy người bác sĩ chỉ biết động viên, an ủi. Ngoài ra, các y bác sĩ làm việc tại đây đều gặp phải khó khăn về đời sống, về nhà ở, về các chế độ, cơ sở vật chất đều chật hẹp. Tất cả những khó khăn đó đã tạo ra áp lực trong công việc đối với y bác sĩ.
Nơi bệnh nhân HIV ngày ngày được các y bác sĩ chưa bệnh tận tình
Theo Ths. BS Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc bệnh viện 09 cho biết, khi các y bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân không may gặp tại nạn nghê nghiệp, bị phơi nhiễm thì bệnh viện đã sơ cứu ban đầu và cho uống thuốc chống phơi nhiễm theo đúng quy trình của Bộ y tế. Còn về chế độ thì tùy từng thời gian mà bệnh viện có quan tâm như bồi dưỡng cho các cán bộ.
Mỗi bệnh nhân là một số phận
Ai cũng có số phận, hoàn cảnh riêng của mình, đối với 70 bệnh nhân ở đây thì có 70 hoàn cảnh sống khác nhau. Thế nhưng, trong thâm tâm, suy nghĩ của bệnh nhân thì họ coi đây là ngôi nhà chung, là nơi nương tựa trong những ngày cuối đời của mình.
Chia sẻ với phóng viên, bệnh nhân Vũ Văn M (57 tuổi) cho biết mình vào đây được hơn 2 năm do lây nhiễm qua người cháu. “Trước đây tôi làm nghề khảm ve chai, do chơi bời đua đòi theo đám bạn nên tôi đi vào con đường nghiện ngập. Một lần tôi tiêm cho thằng cháu không may máu dính vào tay tôi, sau đó tôi đi xét nghiệm mới biết mình mắc HIV. Giờ đây tôi chỉ muốn được về nhà thôi, người thân đều bỏ rơi tôi ở đây một mình, tôi gọi nhưng cũng chẳng ai vào”, giọng trầm buồn bệnh nhân M cho biết.
Khu vực nhà đại thể, nơi đặt xác bệnh nhân khi qua đời
Tâm sự với phóng viên về cuộc đời tủi nhục của mình, chị Nguyễn Thị H (28 tuổi) cho biết chị mắc bệnh là do lây qua người chồng đã mất của mình. “Cách đây hơn hai năm, chồng em mất do nghiện ngập, tiêm chích em mới biết mình mắc bệnh HIV. Sau đó em đưa con em đi xét nghiệm, may mắn là con em không bị mắc bệnh. Lúc đầu khi em biết mình mắc bệnh, em suy sụp tinh thần vì mình còn quá trẻ, còn nhiều thứ chưa làm được, trong khi đó con em còn quá nhỏ. Nhiều lúc, nằm nghĩ về con mà thương nó, em chỉ muốn mình được chữa khỏi để được về với gia đình, về với con”, nước mắt ngấn lệ chị H cho biết.
70 bệnh nhân là những người mắc bệnh qua các đường khác nhau, có người lây bệnh qua bạn gái, người yêu của mình, có người do tiêm chích ma túy mang lại… Thế nhưng, khi gia đình mọi người phân biệt, bỏ rơi thì với họ bệnh viện 09 lại là ngôi nhà chung cho họ. Ở đây học được ăn uống, sinh hoạt và được chữa bệnh như những bệnh nhân ở bệnh viện khác.
Phong bì... đi ngược!
Trong khi hầu hết các bệnh viện đều nhận phong bì thì tại BV 09, lại có những câu chuyện ngược lại. Đối với bác sĩ ở đây việc vì trách nhiệm làm việc của mình. Bên cạnh đó, các y bác sĩ ở đây không vì phong bì mà đánh mất mình, hơn nữa những bệnh nhân ở đây lại là những người không nơi nương tựa, cô đơn.
Hàng trăm tử thi đã nằm ở đây để xử lý.
Theo bác sĩ Hưng chia sẻ, nếu để nói không bao giờ nhìn thấy thầy thuốc ở đây không nhận phong bì là không đúng, chắc chắn sẽ có bệnh nhân mà gia đình quan tâm, nhưng không bao giờ người ta đưa phong bì cho thầy thuốc ngay. Chỉ trong trường hợp là thầy thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân ổn định, kéo dài, ví dụ như bênh nhân đang 35kg mà sau khi chữa thì bệnh nhân lên khoảng 50kg. Những trường hợp đó, thì gia đình bệnh nhân quay lại cảm ơn bác sĩ, hoặc là người nhà bệnh nhân nhân cơ hội có dịp nào đó để tặng quà kèm theo phong bì.
Tại đây, cũng không ít người trong những ngày ngắn ngủi còn lại của mình đã phát điên thật sự bởi bị chính người thân sao nhãng, bỏ quên, coi như họ chưa từng tồn tại trên thế gian này. Bởi thế, bác sĩ không chỉ là người điều trị, mà còn kiêm luôn vai "chuyên gia tâm lý" để động viên, an ủi bệnh nhân. Liều thuốc tinh thần nhiều khi còn có giá trị hơn cả thuốc giảm đau, kháng khuẩn.
Rời BV 09, tôi đã bị ám ảnh bởi lời tâm sự của các bác sĩ, ở đây, cứ 10 đám tang thì 8 -9 đám không có người thân tới dự, không tiếng khóc xót thương, có chăng chỉ là những giọt nước mắt của người thầy thuốc.