Mắc bệnh phụ khoa, nữ bác sĩ đã dùng thuốc giảm đau liên tục trong một thời gian dài và lâu dần trở thành “con nghiện”, lệ thuộc hoàn toàn vào loại thuốc ấy.
Chị Nguyễn Thị Hoa (32 tuổi, ở Thanh Hóa) có lẽ một bệnh nhân rất đặc biệt tại Trung tâm hỗ trợ cai nghiện (Bệnh viện Châm cứu Trung ương). Theo chia sẻ của Ths.BS Nguyễn Văn Thủy – Phó giám đốc Trung tâm, chị Hoa nhập viện trong tình trạng bị nghiện thuốc giảm đau morphine. Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trước đó chị Hoa đã tự sử dụng loại thuốc này để chữa bệnh phụ khoa.
Theo lời kể của chị Hoa, sau khi sinh con, chị mắc một căn bệnh liên quan đến vấn đề phụ khoa. Bản thân là bác sĩ nên mỗi khi lên cơn đau, chị Hoa lại sử dụng thuốc giảm đau morphine và tiếp tục làm việc.
Mỗi lần giảm đau như vậy, những cơn đau bụng của chị Hoa lại biến mất, nhưng sau khi hết thuốc, cơn đau lại xuất hiện. Cứ như vậy trong một thời gian dài, chị Hoa bị rơi vào tình trạng “nhờn thuốc” và cuối cùng là lệ thuộc hoàn toàn morphine. Ngày nào cũng phải dùng và dùng với liều lượng ngày càng tăng.
Cho tới khi nhận ra mình đã bị “nghiện” morphine, chị Hoa mới vội vàng tìm cách cai nghiện. Được biết, trước khi tìm đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị cai nghiện, nữ bác sĩ này đã từng dùng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng tất cả đều không có kết quả.
Mỗi lần bị đau, chị Nguyễn Thị Hoa lại sử dụng thuốc giảm đau morphine (Ảnh minh họa)
“Khi đến bệnh viện, bệnh nhân ở trong tình trạng nghiện nặng, người mệt mỏi và không thể sống nếu thiếu morphine. Ngay sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã đưa ra liệu trình cụ thể theo từng giai đoạn, kết hợp các phương pháp điện châm, thủy châm, bấm huyệt… Sau vài liệu trình điều trị, bệnh tình của nữ bác sĩ này đã giảm, có thể cắt được những cơn “nghiện” và thần sắc hồng hào hơn”, BS Thủy chia sẻ.
Theo BS Thủy, việc một nữ bác sĩ bị nghiện morphine là trường hợp khá hy hữu, khi bản thân biết sử dụng nhiều sẽ bị phụ thuộc, nhưng vẫn lạm dụng loại thuốc này.
Ngoài trường hợp hy hữu trên, trong quá trình điều trị BS Thủy cũng gặp một số trường hợp do môi trường công việc, sau đó bị dính vào ma túy mà không biết mình nghiện lúc nào.
Dẫn chúng tôi tới phòng bệnh, nơi đang có một nam bệnh nhân điều trị tại đây. BS Thủy cho biết, đây là trường hợp cũng khá hy hữu, bệnh nhân đã bị nghiện ma túy khoảng 30 năm nay, khi hoạt động tình báo ở nước ngoài.
Sau khi về hưu, nam bệnh nhân này đã được gia đình tìm mọi cách cai nghiện nhưng đều không có kết quả. Hiện bệnh nhân đang được điều trị cai nghiện tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương được hai tuần. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã cắt được cơn nghiện, nhưng vẫn còn mất ngủ, nên sẽ phải theo dõi thêm.
BS Thủy cho biết, đối với các bệnh nhân nghiện chất như trên, việc cai nghiện là rất cần thiết, trong đó phương pháp cai nghiện bằng y học cổ truyền vừa an toàn, vừa có hiệu quả cao, không có tác dụng phụ tới sức khỏe và đỡ tốn kém.
Tuy nhiên, BS Thủy cũng nhấn mạnh rằng, dù cai bằng phương pháp nào đi chăng nữa, muốn từ bỏ được các chất gây nghiện như: ma túy, thuốc lá, rượu bia,… thì ý thức của mỗi người là vô cùng quan trọng.
“Nhiều trường hợp dù đã cắt cơn, cai nghiện thành công ở cơ sở y tế, nhưng khi quay trở lại cộng đồng, do không vượt qua được cám dỗ nên vẫn nghiện lại và phải mất rất nhiều thời gian điều trị tiếp”, BS Thủy nói.