Nữ giám đốc đắng lòng trong cuộc chiến giành con

Ngày 08/05/2014 08:46 AM (GMT+7)

Để quyết tâm đòi lại con từ tay chồng cũ, chị Trâm đã phải phấn đấu từ một người 'chân đất mắt toét' thành một nữ giám đốc thành đạt.

“Mất” con vì nghèo

Ngồi trong phòng xử của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM, chị Trịnh Mai Trâm (quận 10, TP.HCM) lặng người, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện chủ tọa sẽ tuyên đứa con trai thuộc về mình và có thể trực tiếp nuôi con. Chị bỗng giật mình khi có người đến bên hỏi chuyện. Giọng trầm buồn, chị cho biết, cách đây gần mười năm, chị quen với anh Nguyễn Văn Th.. Sau một vài lần gặp gỡ, anh Th. và chị đã yêu nhau.

Chị đến với anh Th. trọn tình, trọn nghĩa, không chút vụ lợi. Lắm khi, chị cũng tự ngẫm về cuộc đời mình nghèo khó, mà gia đình anh lại quá giàu sang. Chị sợ sự cách biệt giàu nghèo sẽ khiến tình cảm này nhanh chóng đỗ vỡ. Mỗi lần như thế, anh lại ôm chị vào lòng khuyên: “Không sao đâu”. Trước những câu vỗ về ấy, chị cảm thấy an lòng hơn.

Nữ giám đốc đắng lòng trong cuộc chiến giành con - 1

Hình minh họa

Rồi chị mang bầu khi chưa kịp cưới anh. Ngày anh đưa chị về ra mắt với gia đình, chị không ngờ được gia đình anh chào đón trong sự hờ hững chỉ vì một lẽ chị thuộc hàng "chân đất mắt toét", không tương xứng với thân thế giàu có của nhà anh. 

Mặc dù vậy, chị vẫn tin rằng, đứa con mình đang mang sẽ là lá bùa hộ mệnh để bước vào căn nhà của anh Th.. Tuy nhiên, chị sinh con, một mình phải về tỉnh Cà Mau sống. Lúc này, anh Th. thỉnh thoảng vẫn từ tỉnh Bạc Liêu sang thăm. Anh vẫn khuyên chị cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Khi đứa trẻ đến tháng thứ hai, anh Th. ngỏ ý muốn bồng con về nhà nội cúng tổ tiên. Chị thấy ý anh đúng nên chấp nhận. Tuy nhiên, chị không thể ngờ, anh bồng về nhà và không đưa con trở lại. Nhiều lần, chị xin anh bồng con về lại cho mình nhưng không được đồng ý. Thế rồi, chỉ một khoảng thời gian ngắn, anh sang Thụy Sĩ định cư và để đứa trẻ lại cho vợ chồng chị gái nuôi.

Khi đứa bé tròn 6 tháng, chị Trâm phải từ rời Cà Mau lên TP.HCM mưu sinh. Chị làm đủ nghề chỉ với hy vọng tích cóp được ít tiền về thăm con. Mỗi khi có tiền, chị lại về tỉnh Bạc Liêu thăm con. Thời gian gần đây, đứa bé đã được 10 tuổi. Phía gia đình anh Th. sợ đứa bé gần gũi mẹ sẽ nảy sinh tình cảm nhiều nên tìm cách ngăn cấm mẹ con chị Trâm gặp nhau. Nhiều lần, chị về nhưng đều không được tiếp đón. Chị đành tìm đến trường học thì cũng bị người nhà anh Th. xua đuổi.

Cuộc chiến giành con

Chính những vấp ngã trong cuộc tình với anh Th. đã khiến chị Trâm phải quyết tâm bước ra khỏi cảnh nghèo khó. Chị cố gắng hơn mọi người hàng trăm lần. Sau cùng, chị đã mua được nhà riêng và trở thành một nữ giám đốc của doanh nghiệp tư nhân.

Vào năm 2011, qua tìm hiểu, chị Trâm được biết, vợ chồng chị gái anh Th. đã làm lại giấy khai sinh cho con trai, đổi tên và để tên họ là cha mẹ ruột. Chị hỏi ý kiến luật sư, không đồng tình với những điều vợ chồng chị gái anh Th. làm nên quyết định kiện đòi con.

Nhận được đơn khởi kiện, nhiều lần hòa giải không thành nên tháng 8/2013, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa sơ thẩm. HĐXX nhận định tờ thỏa thuận anh Th. giao con cho vợ chồng chị gái làm con vĩnh viễn không có sự đồng ý của người mẹ là chị Trâm. Ngoài ra, việc vợ chồng chị gái anh Th. đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu và đổi họ cho đứa trẻ chưa được sự đồng ý của mẹ ruột. Bên cạnh đó, thủ tục nhận con nuôi của hai người cũng không đúng pháp luật. Từ đó, Tòa quyết định đứa trẻ là con ruột của chị Trâm và chị có quyền nuôi con.

Nữ giám đốc đắng lòng trong cuộc chiến giành con - 2

Hình minh họa

Ngay sau đó, vợ chồng chị gái anh Th. viết đơn kháng cáo, yêu cầu hủy bỏ quyết định của tòa sơ thẩm. Trong phiên tòa phúc thẩm, cả hai bên đều thể hiện mong muốn được nuôi đứa trẻ và không đả động gì đến việc cháu bé có cùng lúc hai giấy khai sinh. Cả hai đều cố gắng đưa ra rất nhiều lý lẽ với mục đích được nuôi đứa trẻ. Chị Trâm nghẹn ngào: “Ra tòa là đường cuối cùng rồi. Tôi không biết phải làm sao nữa hết”.

Sau một khoảng thời gian dài nghị án, sáng 7/5/2014, Tòa phúc thẩm quyết định mở lại phiên tòa. Chị Trâm không thôi lẩm nhầm cầu nguyện đứa con thuộc về phần mình. Sau cùng, khi chủ tọa tuyên án, phán quyết bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm chị mới nở nụ cười. Chị hạnh phúc: “Từ đây, mẹ con tôi có nhau rồi”.

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan