Bằng những nỗ lực phi thường, cô học trò nghèo bị khuyết tật 2 chân luôn cố gắng học hành và mơ ước sớm trở thành kỹ sư Công nghệ thông tin.
Thuỳ sinh ra trong một gia đình nghèo ở ven biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) với dị tật bẩm sinh ở đôi chân. Cuộc sống hàng ngày của cô gái ven biển tưởng chừng chỉ dừng lại sau cánh cửa ngõ nhưng với nỗ lực, chịu khó học hành, Thuỳ đã bước vào cánh cửa giảng đường.
Nữ sinh Nguyễn Thị Thuỳ
Từ lớp tình thương
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp quay về vùng đất biển Ngư Lộc - nơi được “mệnh danh” là vùng đất có “mật độ dân số đông nhất thế giới - khi mà chưa đầy 1km đã có hơn 18.000 dân ở”.
Men theo triền đê nối dài về phía thôn Nam Vượng, không khó để hỏi thăm đến nhà nữ sinh Nguyễn Thị Thuỳ (SN 2005). Bởi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa diễn ra, hình ảnh nữ sinh Thuỳ được các bạn đoàn viên, lực lượng Bộ đội cõng đến điểm thi được chia sẻ rộng rãi, gây xôn xao dư luận.
Căn nhà nhỏ của gia đình Nguyễn Thị Thuỳ nằm sâu trong con hẻm ở thôn Nam Vượng (xã đảo Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) rộng chưa đầy 50 m2, là nơi sinh hoạt của năm thành viên, song luôn gọn gàng, ngăn nắp dù không có nhiều tài sản đáng giá. Thuỳ là con gái út trong gia đình ba anh em. Từ khi sinh ra, đôi chân của Thuỳ không lành lặn như bao người, cô bé muốn đi lại phải có người khác bế hoặc cõng.
Trong những ngày chờ nhập học, Thuỳ tự trau dồi kiến thức tiếng Anh tại nhà
"Em sinh ra không lành lặn như các bạn cùng trang lứa, chẳng thể giúp mẹ làm thêm việc nặng kiếm tiền nên mỗi khi bố mẹ đi làm, em ở nhà học bài, lúc rảnh rỗi thì phụ đỡ việc vặt cho mẹ", Thuỳ chia sẻ.
"Con bé khuyết tật từ trong bụng mẹ. Ngày ấy bác sĩ bảo cháu bị nhau thai quấn chân khiến sinh ra không thể phát triển bình thường", bà Bùi Thị Tới (52 tuổi, mẹ nữ sinh) chia sẻ.
Theo như nhưng gì bà Tới kể, tuổi thơ của Thuỳ lớn lên quanh quẩn trong bốn bức tường nhà. Cô bé không được ra ngõ nô đùa cùng đám bạn, chỉ ngước nhìn qua cánh cửa trước nhà.
Gia cảnh nghèo khó, chồng quanh năm đi biển đánh cá thuê, đôi ba tháng mới trở về. Bà Tới không có nghề nghiệp ổn định, thường đi bóc vỏ tôm hay xẻ cá thuê cho các đại lý chế biến hải sản quanh vùng kiếm đồng thù lao nuôi ba con đang tuổi ăn tuổi lớn. Tuổi thơ của Thuỳ vì thế không được tới trường như chúng bạn.
Khi Thuỳ lên 8 tuổi, bà Tới đã chở con gái đến lớp học tình thương của cô giáo Nguyễn Thị Thông xin học với mong muốn chỉ cần “biết đọc, biết viết”. Và cũng tại “cơ duyên” này, cuộc đời của Thuỳ bước sang một trang mới.
Trong ba năm theo học lớp "xoá mù", cô giáo Thông nhận thấy cô học trò Nguyễn Thị Thuỳ chịu khó học tập, rèn luyện và có tố chất nên sau khi đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học, cô giáo Thông đã giới thiệu cô học trò khuyết tật sang Trường THCS Ngư Lộc. Sau khi kiểm tra kiến thức đầu vào, Ban giám hiệu nhà trường đồng ý tiếp nhận Thuỳ, được bỏ qua chương trình tiểu học chính quy dù kém các bạn trong lớp một tuổi.
Thời gian qua từ lúc đi học cho đến thi "vượt cấp", Thùy được bạn bè, người thân và lực lượng chức năng cõng đi
Đến cánh cửa đại học
Từ khi đặt chân trên ngôi trường mới, ngày ngày bà Tới đạp xe chở con gái ra trường rồi lại về làm thuê làm mướn. Cô bé cứ thế dần lớn lên và vượt qua từng lớp học mà không gặp áp lực gì. Năm nào Thuỳ cũng đạt học sinh khá, giỏi của nhà trường.
Năm học vừa qua, Thuỳ tốt nghiệp THPT tại trường Hậu Lộc 4. Nữ sinh đăng ký khối C với dự định theo nghề sư phạm như mơ ước tuổi thơ.
Hàng ngày, Thuỳ phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn
"Ngày báo điểm thi em thức trắng đêm, vỡ oà sung sướng khi số điểm số khá cao với tổng 25,5 điểm (Văn 8,75, Lịch sử 8,5 và Địa lý 8,25).
Dù đăng ký khối C nhưng Thuỳ cũng có sở trường Toán học và các môn khoa học tự nhiên nên sau khi được thầy cô tư vấn và nhiều ngày tìm hiểu, Thuỳ quyết định theo học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Hà Nội. Cô gửi hồ sơ xét tuyển và nhận thông báo trúng tuyển thẳng vào trường bằng phương thức xét học bạ.
“Em chọn ngành công nghệ thông tin với mơ ước sau này trở thành kỹ sư công nghệ hay lập trình viên máy tính. Nghề này ít phải di chuyển, thường ngồi máy tính nhiều nên em nghĩ nó sẽ phù hợp với hoàn cảnh và khiếm khuyết cơ thể của em", Thuỳ tâm sự.
Trong thời gian chờ nhập học, Thuỳ cảm thấy lo lắng cho bản thân và gia đình nhiều hơn. Gia đình dự kiến, khi Thuỳ nhập học, bà Tới sẽ theo con lên giảng đường hỗ trợ thời gian đầu. Sau khi con gái làm quen và tự lập ở môi trường mới, người mẹ sẽ trở về quê làm lụng lấy tiền chu cấp, đóng học phí cho con gái trong hành trình kéo dài bốn năm tới.
Ông Nguyễn Thành Luân, Trưởng thôn Nam Vượng cho hay, gia đình nữ sinh Nguyễn Thị Thuỳ thuộc hộ khó khăn nhất trong thôn, nhiều năm trong diện nghèo hoặc cận nghèo.
"Cuộc sống khó khăn thiếu thốn và là trẻ khuyết tật nhưng Thuỳ rất chăm ngoan, luôn nỗ lực vươn lên, đạt thành tích học tập cao", ông Luân nói.
Ông Nguyễn Hải Năm, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: "Đối với hoàn cảnh nhà em Thuỳ, chính quyền địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện, những cơ chế chính sách nào có, xã luôn ưu tiên cho gia đình em. Mặc dù gia đình khó khăn, bản thân có khuyết tật nhưng em Thuỳ vẫn vươn lên trong học tập, là một tấm gương tiêu biểu, đáng khen ngợi".