Thí sinh lớn tuổi nhất trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay có lẽ là ông Nguyễn Huy Kỳ, sinh năm 1940 (82 tuổi). Ông dự thi tại điểm THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Với mong muốn có được tấm bằng để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình, là được học chuyên ngành Y học cổ truyền, thí sinh đặc biệt này đã miệt mài học tập, dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”.
82 tuổi ông Kỳ tự chống nạng, lái xe đi thi tốt nghiệp 2022. Ông mặc sơ mi trắng chỉnh tề, dự kỳ thi.
Trưa nay, sau khi hoàn thành 2 môn thi Lịch sử, Địa lý trong tổ hợp môn Khoa học xã hội, ông Kỳ rời phòng thi khá muộn bởi chân đi tập tễnh, phải chống nạng. Buộc chặt cây nạng phía sau xe, túi đựng đồ cá nhân phía trước ông cụ vui vẻ rời điểm thi, hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp với 4 môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý để xét tốt nghiệp. Trước khi ra về, ông không quên ôm chầm bác bảo vệ điểm thi để nói lời cảm ơn vì trong những ngày thi đã chia sẻ, động viên sĩ tử già vượt qua kỳ thi.
“Đề thi môn Toán khó, tôi làm hết nhưng không chắc đúng được nhiều. Riêng Lịch sử và Địa lý, đề thi có độ khó trung bình, tôi hoàn thành 100%”. Nếu đỗ tốt nghiệp, sắp tới tôi học tiếp lên Trung cấp y học Cổ truyền để theo đuổi nghề gia truyền của gia đình”, ông nói.
Buộc chặt cây nạng phía sau xe, túi đựng đồ cá nhân phía trước ông cụ vui vẻ rời điểm thi.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông cho biết, từng đi bộ đội bị thương, phải cắt cụt một chân. Chỗ chân bị cụt nay đã được lắp chân giả để đi lại tuy nhiên di chuyển ông vẫn phải nhờ sự hỗ trợ của nạng. Để dự kỳ thi, ông thức dậy từ 4 giờ sáng, ôn lại bài vở, mặc chiếc áo sơ mi trắng chỉnh tề, ăn sáng rồi một mình lái xe 3 bánh đến điểm thi. “Lo bố già, thi cử mệt mỏi, con cái có ngỏ ý đưa đi thi nhưng tôi từ chối. Thường ngày, tôi vẫn đi được, thì đi thi vẫn sẽ tự đi”, ông Kỳ nói.
Thí sinh nhiều tuổi chống nạng nên phải mất rất lâu mới rời khỏi điểm thi. (ảnh: Trọng Tài).
Trước khi ra về, ông không quên ôm chầm bác bảo vệ ở điểm thi để nói lời cảm ơn vì trong những ngày thi đã chia sẻ, động viên sĩ tử già vượt qua kỳ thi.
Trong suốt thời gian học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, ông luôn đi học đúng giờ, để không chỉ hoàn thành năm học mà còn mong muốn thu nhận kiến thức. Lắm lúc mắt kém, đọc chữ thầy cô viết bằng phấn trên bảng mờ nhoà cả đi nhưng ông vẫn không bỏ cuộc. Bởi ông quan niệm, chỉ có học mới không bị tụt hậu. Trước đó, làm công tác xã hội, nhiều lần tiếp xúc với khách nước ngoài nhưng vì không biết tiếng, nhờ người khác dịch cũng chỉ được một hai câu càng khiến cho ông có động lực đến trường học được chữ nào hay chữ đó.
Được học là vinh dự, tri thức là sức mạnh
Ông quan niệm, bây giờ được đi học trong điều kiện đầy đủ là rất vinh dự. Ngoài ra, tri thức là sức mạnh, nên còn sống trên đời nào ngày nào phải đi học ngày đó. Năm 1958, ông tốt nghiệp THCS, không có điều kiện học lên lớp 10, rồi đi bộ đội. Sau này trở về làm nghề truyền thống của gia đình.
Hằng ngày, ông vẫn luôn nghe đài, đọc sách để nắm bắt, mở rộng vốn hiểu biết.
Ông nhắn nhủ người trẻ: “Tuổi trẻ càng phải học, chú trọng học để phát triển khoa học kỹ thuật. Bây giờ thế giới bên ngoài khoa học kỹ thuật tiến lên rất nhiều, nước Nhật chỉ dùng 4km vuông bằng lưới kinh mặt trời mà giúp cho 1000 gia đình thoải mái dùng điện, họ đã làm được. Dù trong thời bình hay thời chiến, khoa học kỹ thuật rất cần, phục vụ cho con người, bảo vệ tổ quốc. Nếu tuổi trẻ mà lười học, dừng việc học là rất lãng phí”, ông trăn trở.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay ở địa phương có 2 thí sinh lớn tuổi đăng ký dự thi, trong đó có cụ ông 82 tuổi.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn thành phố có gần 98.000 thí sinh đăng ký dự thi, bao gồm cả học sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 và thí sinh tự do.
Trong đó đáng chú ý có 2 thí sinh cao tuổi đăng ký dự thi gồm: Cụ ông sinh năm 1940 (82 tuổi) và cụ bà sinh năm 1969 (53 tuổi).
Theo ông Cương, 2 thí sinh ở độ tuổi rất cao nhưng vẫn học tập và đăng ký dự thi để lấy bằng xét tốt nghiệp là những tấm gương về tinh thần hiếu học, học tập suốt đời.
Bà Tô Thị Trà Ly, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân chia sẻ: “Tuy tuổi cao nhưng 2 cụ đều học tập nghiêm túc, đăng ký dự thi với mục tiêu xét tốt nghiệp trong kỳ thi năm nay”.