Tuổi 17 – thời thanh xuân đẹp đẽ với bao hoài bão, vậy mà Huyền Trang lại phải chịu đựng bao đớn đau thể xác lẫn tinh thần sau tai nạn thảm khốc.
Gần 1 tháng nay, Cao Thị Huyền Trang (17 tuổi, Hưng Yên) nằm điều trị tại khoa Châm cứu dưỡng sinh – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương với hi vọng có thể “cứu vớt” phần nào cơ thể. Em bị cắt bỏ cánh tay trái và nửa người phía dưới liệt hoàn toàn.
Bị xe container cán qua người và kéo lê 100m
Thấy con gái mếu máo: “Vai con đau lắm”, chị Đỗ Thị Huyền (42 tuổi) cố bặm chặt môi rồi đưa đôi bàn tay gầy guộc lật mình con nghiêng qua phải. Sau đó chị nhẹ nhàng vỗ về: “Gắng lên con! Mai trời nắng vết thương sẽ bớt nhức”.
Sau khi giúp con trở mình, chị Huyền nhẹ nhàng lấy cánh tay áo trái xếp gọn một chỗ
Có lẽ chị Huyền đã cố nuốt bao nước mắt vào trong để có thể giữ được vẻ bên ngoài bình tĩnh, làm chỗ dựa cho đứa con gái nhỏ. Nhưng khi nhắc đến vụ tai nạn của Trang hồi đầu năm, chị đã bật khóc nức nở. “Con bé đang trên đường đến trường thì bất ngờ bị chiếc xe container cán qua người và kéo lê 100m. Mọi người phát hiện thì chiếc áo đồng phục đã nhuốm máu đỏ, cánh tay bên trái lột toàn bộ da và dập gãy,…
Hôm đó, tôi ở xưởng may nghe tin con gặp nạn mà bủn rủn chân tay. Tôi vội nhờ người làm cùng chở xuống chỗ xảy ra tai nạn thì con bé đã được đưa đi cấp cứu. Nhìn chiếc xe đạp điện hư hỏng nằm bên đường, tôi liền khóc ngất vì biết con bị thương rất nặng”, chị Huyền tâm sự.
Do mất máu quá nhiều, Huyền Trang được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh lên Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán em bị đa chấn thương nặng: tổn thương gan phổi, phía tay trái sát đến tận nách bị hoại tử nặng, nửa người phía dưới liệt hoàn toàn,... Vì vậy bác sĩ đã quyết định cắt bỏ cánh tay trái của em để tránh tình trạng tổn thương xuống phần ngực.
Thi thoảng, cô bé 17 tuổi lại gắng chợp mắt ngủ bù đêm do qua cơn đau hành hạ
Sau một thời gian, Huyền Trang tiếp tục được chuyển qua Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương điều trị tích cực. Chị Huyền kể: “Hồi mới tháo khớp tay trái, con bé khóc nhiều lắm. Nó sợ sau này không được đến trường hoặc trở thành người tàn tật. Vợ chồng tôi động viên con tay phải lành lặn có nghĩa vẫn còn viết được, riêng tay trái có thể lắp tay giả.
Đến lúc nó đòi về nhà đi học tiếp thì đôi chân không thể bước được. Tôi đành ngậm ngùi ôm con an ủi ở viện châm cứu thêm vài ngày rồi sẽ được đến trường sớm. Nhiều lúc tôi mệt mỏi muốn buông xuôi nhưng thấy con nằm bất động một chỗ lại gắng gượng “đứng dậy” đồng hành cùng con”.
Nuôi con bao năm, vợ chồng chị Huyền chỉ mong ngày Trang tốt nghiệp cấp 3 rồi đậu Đại học. Vậy mà mới 17 tuổi em đã phải gánh chịu những di chứng nặng nề vì tai nạn giao thông. Nuối tiếc lớn nhất của em chính là tạm gác chuyện học hành.
“Em sẽ chăm chỉ luyện tập để đôi chân cử động được dù chỉ 1 chút…”
Nằm trên giường bệnh, Huyền Trang khẽ lật giở từng trang trong cuốn “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” của Nick Vujicic bằng cánh tay còn lại. Đó là một phần động lực để bản thân em cố gắng điều trị bệnh và thực hiện ước mơ sau này.
“Em luôn ước mình học giỏi tiếng Nhật để khi tốt nghiệm cấp III sẽ qua đó vừa học vừa làm. Tai nạn xảy ra, mọi dự định của em đã tan biến. Em tuyệt vọng và khóc nhiều lắm!
Em đã từng có ý định tự tử để bố mẹ bớt cực khổ vì mình nhưng không có đủ can đảm. Và chính cuốn sách ấy đã tiếp thêm sức mạnh để em vượt qua quãng thời gian đau đớn, chấp nhận mình là một đứa tàn nhưng sẽ không phế. Em sẽ chăm chỉ luyện tập để đôi chân cử động được dù chỉ 1 chút rồi có thể ngồi xe lăn và đi học trở lại…”, Huyền Trang tâm sự.
Dù đôi chân không thể bước nhưng cô bé 17 tuổi vẫn tha thiết được đi học để vẽ nốt ước mơ còn dang dở. Em xứng đáng là một “chiến binh” dũng cảm sẵn sàng đối diện với số phận nghiệt ngã.
Dù đôi chân không thể bước nhưng cô bé 17 tuổi vẫn tha thiết được đi học để vẽ nốt ước mơ còn dang dở
Từ ngày sống lạc quan, Trang đã biết nén chịu từng cơn đau, không cáu gắt để gia đình bớt lo lắng. Chị Huyền kể giờ đây khi châm cứu lưng, con gái không còn gào khóc như trước. Bởi chị biết Trang luôn tự nhủ phải thật mạnh mẽ để bố mẹ có niềm tin em sớm bình phục. “Lưng vẫn còn cảm giác nên khi châm cứu sẽ rất đau. Riêng phần hông kéo dài xuống phía dưới đã tê liệt hoàn toàn, vì vậy con bé không có chút cảm giác nào nhưng đang bị lóet những mảng lớn do tì đè nhiều”, chị xót xa.
Thấy con cố chịu đựng những cơn đau, người mẹ ấy chỉ ước người nằm đó là mình nhưng sự thật mãi không thay đổi. Do đó chị luôn mong có một phép màu diệu kỳ đến với cô con gái bé bỏng – đôi chân Trang có cảm giác!
Bác sĩ Trần Đăng Khoa (khoa Châm cứu dưỡng sinh, Bệnh viện Y học cổ truyên Trung ương) – người trực tiếp điều trị cho Huyền Trang cho biết tình trạng hiện tại của em bị liệt 2 chân, không tự chủ được đại tiểu tiện nên rất khó khăn. Ngoài ra em còn bị viêm đường tiết niệu, dù đã được dùng thuốc nhưng do bị dị ứng nên đã dừng lại để cho thuốc khác.
“Đối với điều trị tích cực, bệnh viện đã cố gắng và mong bệnh nhân có thể cử động chân hoặc ngồi dậy để đi xe lăn. Tuy nhiên việc này sẽ rất lâu dài và gia đình phải chuẩn bị kinh tế tốt”, bác sĩ Khoa nói.