Sau khoảng 3 tháng điều trị ung thư máu, nữ sinh Nguyễn Hồng Hạnh (14 tuổi, ở TP Bắc Kạn) vẫn đang tiếp tục hành trình “giành giật” sự sống bằng đợt điều trị hoá chất lần thứ 2, tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ.
Khớp khởi mừng trong vô vàn lo lắng
Như đã thông tin, sau 6 ngày sử dụng một loại thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân, nữ sinh Nguyễn Hồng Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi- PV), 14 tuổi, trú tại TP Bắc Kạn, đã phải nhập viện trong tình trạng người mệt lả, ngất xỉu.
Theo hồ sơ bệnh lý của Viện Huyết học – Truyền máu TƯ kết luận, có đến 81% tế bào bất thường trong máu của bệnh nhân, đây chính là tế bào ung thư máu. Đến nay, sau khoảng 3 tháng được các bác sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tích cực điều trị, nữ sinh Nguyễn Hồng Hạnh đã kết thúc đợt truyền hoá chất lần 2.
Gặp lại trong một ngày nắng nóng oi ả, bên hành lang Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, bà T.V (mẹ Nguyễn Hồng Hạnh) không giấu được niềm xúc động về kết quả tích cực sau 2 đợt điều trị hoá chất của con gái. Song, xen lẫn là sự lo lắng khôn xiết về thể trạng của Hạnh, trên con đường “giành giật” sự sống, với những lần điều trị bằng hoá chất kế tiếp.
Bệnh nhân Nguyễn Hồng Hạnh trên hành trình “giành giật” sự sống. Ảnh: Bảo Loan
Chia sẻ với PV, bà T.V vui mừng cho biết: “Sau đợt truyền hoá chất lần 1, cháu Hạnh đẩy lui bệnh rất tốt, bác sĩ báo chỉ còn 2% tế bào bất thường trong máu, theo bác sĩ thì đây là tỷ lệ chung của tất cả bệnh nhân đẩy lùi được bệnh. Mặc dù bác sĩ không tiên lượng cụ thể bệnh của cháu nhưng từ kết quả tích cực của đợt 1, tôi có niềm tin là con gái mình sẽ vượt qua được cửa tử. Vừa rồi được ra viện về nhà nghỉ ngơi, tâm trạng tôi và con gái rất vui vẻ”.
Bà T.V cũng còn lo lắng: “Từ đợt truyền hoá chất lần 1, Hạnh phải chống chọi với nhiều tác dụng phụ của hoá chất, nặng nhất là tuần thứ 4 của đợt truyền 1, cháu ngấm thuốc và tóc bắt đầu rụng nhiều. Bây giờ, sau 10 ngày điều trị hoá chất lần 2 thì đạt được kết quả đẩy lui bệnh, nhưng cháu lại gặp vấn đề về phổi, mệt mỏi, thường xuyên nôn trớ, đau xương khớp.
Về phần da thì khắp cơ thể xuất hiện các hắc sắc tố da tối màu. Đẩy lui được bệnh như vậy là chiều hướng tích cực, nhưng không biết thời gian tới cháu sẽ ra sao, tôi lo lắng về sự chịu đựng của cháu trước những tác dụng phụ của hoá chất. Vì nếu phải chống chọi với hoá chất thì sức đề kháng của cháu sẽ càng giảm, thuốc vào người thì mệt mỏi”.
“Bệnh ung thư máu không chừa một ai, có những người mới đẻ ra đã phải triền miên sống trong bệnh viện. Còn Hạnh thì bây giờ chỉ biết theo liệu trình điều trị của bác sĩ. Để xem tình hình của Hạnh ra sao, nếu ổn định các chỉ số hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu trở về như người thường và cắt hoàn toàn các cơn sốt thì sẽ được ra viện”.
Bà V nghẹn ngào. Cũng theo bà T.V, sau đợt điều trị các tác dụng phụ của thuốc này, cháu Hồng Hạnh sẽ được xuất viện về quê nghỉ dưỡng, để chuẩn bị tinh thần cho đợt điều trị hoá chất lần kế tiếp. Nhận lời hỏi thăm từ PV, em Nguyễn Hồng Hạnh không giấu được sự mệt mỏi: “Lúc nào em cũng cảm thấy mình mệt, đau nhức xương khớp và hay sốt, có những đêm em sốt lên đến 39, 40 độ C.
Em thèm ngủ và lúc nào cũng buồn ngủ, nhưng cứ đặt lưng xuống giường là lại bị cơn nhức xương khớp hành hạ. Bây giờ, lúc nào em cũng thấy khó thở, ho nhiều, ho ra đờm và hay nôn trớ khi ăn”.
Chỉ ước mong sớm được đoàn tụ với gia đình
Trò chuyện với PV, em Nguyễn Hồng Hạnh không giấu được niềm mong mỏi về những ngày được nghỉ dưỡng ở quê nhà. Có lẽ, tạm xa nơi này, Hạnh sẽ rất nhớ, rất lưu luyến những em nhỏ ở căn phòng trong khoa Bệnh máu này. Sự mong mỏi cùng nhau đẩy lui được bệnh và trở về đoàn tụ với gia đình không chỉ của riêng Nguyễn Hồng Hạnh, mà tất cả các em nhỏ và những người nhà chăm sóc tại đây, đều có chung ước muốn đó.
Là người có thời gian khá dài chăm sóc con trai bị ung thư máu đang được điều trị tại đây, bà T.P.T (43 tuổi, ở Lạng Sơn) cho biết: “Bất cứ lúc nào, bệnh nhân mắc ung thư máu cũng có thể ra đi. Nếu bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, không bị nhiễm khuẩn, thì mới có thể “bước ra” bệnh viện một cách “ngoạn mục”. Để có được kết quả đó, thì chỉ cần bệnh nhân tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ”.
Trước đó, trong buổi làm việc với PV, Th.S, Bác sĩ Hoàng Thị Hồng, Phó Trưởng khoa Bệnh máu & Trẻ em, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, trải qua các xét nghiệm sau khi tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hồng Hạnh, kết quả cho thấy, có đến 81% tế bào bất thường trong máu của bệnh nhân Hạnh, đây chính là tế bào ung thư máu. Đây là một dạng ung thư lơ-xê-mi cấp dòng tuỷ.
Theo Th.S, Bác sĩ Hoàng Thị Hồng, bệnh nhân Nguyễn Hồng Hạnh phải điều trị bằng hoá chất để đạt được lui bệnh, sau đó, căn cứ theo tình hình đẩy lui bệnh, bệnh nhân sẽ được hướng đến việc ghép tế bào gốc. Nếu tiên lượng tích cực thì lộ trình điều trị cho bệnh nhân Hạnh sẽ khoảng 1 năm, qua 4 đợt truyền hoá chất. Trường hợp không đẩy được lui bệnh thì bệnh nhân sẽ được thay đổi phác đồ điều trị.
Cũng trong buổi làm việc trước đó, Th.S, Bác sĩ Hoàng Thị Hồng khẳng định, đến nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chưa có bất kỳ nghiên cứu hay kết luận nào về sự liên quan giữa ung thư máu với thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân. Đặc biệt, cũng chưa có kết luận nào về sự khởi nguyên của bệnh máu là từ thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân. |