Chuyên gia cảnh báo, người Việt có rất nhiều thói quen xấu khi dùng điện thoại, có thể gây bị thương thậm chí phải trả giá bằng tính mạng.
Mới đây, một nữ sinh lớp 9 (ở xã Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh) không may bị điện giật dẫn tới tử vong khi đang cắm sạc pin điện thoại khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa.
Thực tế, đây không phải trường hợp đầu tiên. Trước đó đã ghi nhận một số người bị tử vong hay nổ nát tay khi vừa sạc pin vừa tranh thủ dùng điện thoại. Tuy nhiên, những vụ tai nạn đó vẫn chưa đủ cảnh tỉnh người dùng ở Việt Nam.
Dưới đây là một số thói quen xấu cần loại bỏ khi dùng điện thoại nếu bạn không muốn phải trả giá đắt:
Dùng sạc không chính hãng
TS Khải cho rằng, đa số các vụ nổ, điện giật khi sạc điện thoại là do chập điện.
TS Nguyễn Văn Khải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá điện hoá) cho rằng, nếu dây sạc, củ sạc tốt đảm bảo đúng quy chuẩn chất lượng thì việc sạc điện thoại, hay thậm chí là vừa sạc vừa nghe không gây cháy nổ hay điện giật được.
Những vụ tai nạn trong lúc sạc thời gian gần đây thực chất là do dây sạc không đảm bảo chất lượng, thông thường là bị đoản mạch, dẫn đến chập điện.
“Nhiều người mua dây sạc trôi nổi ngoài thị trường, hay khi dùng dây sạc không bảo quản đúng cách dẫn đến bị đứt gãy ngầm phía trong và khi cắm điện sẽ chập điện dẫn đến nổ và điện giật”, TS Khải lý giải.
TS Khải cho biết, thông thường quả pin điện thoại có hiệu điện thế rất nhỏ (thường là dưới 5V), nhưng khi đoản mạch dẫn đến chập điện nó tạo ra cường độ dòng điện rất lớn phóng thẳng tới điện thoại dẫn đến việc người dùng bị điện giật, phát nổ điện thoại ngay trên tay.
Sạc luôn cắm vào ổ điện
Chủ quan không rút các loại dây sạc điện thoại là rất nguy hiểm với trẻ.
Nhiều gia đình sau khi sử dụng sạc xong thường để luôn ở ổ cắm điện, đúng tầm với của trẻ. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì trẻ nhỏ thường tay chân hay ra mồ hôi, bẩn, người dính nước. Khả năng xử lý tình huống của trẻ cũng không như người lớn nên dễ xảy ra tai nạn bị điện giật.
Không chỉ có vậy, nhiều gia đình có trẻ đang ở độ tuổi tập bò, mới biết đi có thể cho bất cứ thứ gì vào miệng. Nếu sạc pin vẫn cắm ở ổ điện, trẻ dễ cho vào miệng cắn dây, từ đó dẫn đến chập điện và khiến trẻ bị điện giật hoặc bỏng điện.
Để hạn chế rủi do, TS Khải khuyến cáo người dân cần phải sử dụng sạc điện thoại chính hãng, đúng theo quy chuẩn công bố, không sử dụng các loại sạc trôi nổi ngoài thị trường.
Sau khi sạc xong nên cất để dây sạc cẩn thận, xa tầm tay trẻ em, tốt nhất không sử dụng điện thoại khi đang trong quá trình sạc pin. Khi thấy dây sạc có dấu hiệu hỏng, cần phải kiểm tra và thay thế bằng dây sạc mới để đảm bảo an toàn.
>> Xem thêm: Bị điện giật chết vì nghe điện thoại khi đang sạc pin