Nửa đêm, nghe thấy tiếng ho của con, người mẹ trẻ vội chạy đến phòng con và vô cùng hoảng sợ khi thấy thằng bé bị ngập trong bãi nôn, trong đó có cả chiếc ti giả.
Núm vú giả hay ti giả là một trong những sản phẩm phổ biến dành cho trẻ nhỏ được nhiều bà mẹ ưa chuộng vì nó có thể giúp trẻ ngủ ngon và cai sữa tốt.
Nắm bắt được nhu cầu, hiện nay tại các cửa hàng sản phẩm cho bé, nhiều loại núm vú (ti giả) với kiểu dáng, chất lượng, chất liệu khác nhau được bày bán rộng rãi. Tuy nhiên, sản phẩm tưởng chừng hữu ích này cũng được xem là một trong những “thủ phạm” gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ.
Cô Nancy DeVault, một cây bút tự do, biên tập viên và chuyên gia PR, đã gặp phải tình huống không mong đợi khi cho con trai 2 tuổi của mình sử dụng ti giả. Cậu bé nôn trớ vì nuốt phải núm ti giả cắn rách.
May mắn đứa trẻ không gặp nguy hiểm gì vì núm ti silicone không độc hại. Thông qua sự cố của con trai, bà mẹ trẻ khuyên các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi cho con sử dụng núm vú giả.
Nancy DeVault và con trai
Dưới đây là chia sẻ của cô Nancy khi nói sự cố dùng ti giả của con trai:
" Con trai nôn trớ vì nuốt phải núm ti giả cắn rách"
Con trai tôi, Finn, sẽ tròn 2 tuổi vào tháng 8 tới đây, vì vậy, tôi đã tìm kiếm những lời khuyên về việc cai ti giả cho con từ bác sĩ nhi, các trang web y khoa và hội nhóm các bà mẹ trên Facebook. Lời khuyên mà tôi nhận được là: Cắt phần đầu ti giả để loại bỏ cảm giác khao khát bú mút, nhờ thế dần dần bé sẽ bỏ được thói quen dùng ti giả.
Cố gắng cai từ từ cho con, chồng tôi châm một lỗ nhỏ xíu ở đầu ti giả và dần tiến tới một vết cắt lớn. Rồi một ngày kia, con trai tôi có triệu chứng cảm lạnh. Vào khoảng 2h30 sáng, khi nghe thấy tiếng ho của Finn, tôi vội chạy vào phòng con với lọ thuốc xịt ho trong tay.
Chạy đến phòng Finn, tôi choáng váng và sợ hãi khi thấy con bị ngập trong bãi nôn của mình, trong đó có cả chiếc ti giả. Finn đã cắn một miếng núm vú rồi nuốt vào trong miệng nên mới bị nôn.
Finn đã cắn một miếng núm vú rồi nuốt vào trong miệng nên mới bị nôn.
Tôi vô cùng hoảng loạn khi thấy Finn tiếp tục nôn. Khi ấy, tôi vội vàng gọi đường dây nóng về hỗ trợ kiểm soát độc cũng như gọi cho bác sĩ nhi khoa của con. May mắn, các chuyên gia khẳng định, Finn không gặp nguy hiểm gì vì núm ti silicone không độc hại.
Sau vụ mắc nghẹn của con, tôi quyết định tạm nghỉ vụ cai ti giả và cho con dùng một chiếc nguyên vẹn khác. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Finn lại cắn rách núm ti giả lần nữa.
Tôi vẫn cảm thấy có lỗi với con nhưng tôi thật biết ơn vì Finn vẫn an toàn và giờ đây đã cai được ti giả. Tôi không thể nói cho các bạn biết thương hiệu núm vú giả nào là an toàn, nhưng tôi khuyên các bạn nên tự mình tìm hiểu về ti giả và đặc biệt chú ý tới độ tuổi khuyến nghị khi dùng nó.
"Tôi cố gắng chọn loại núm vú có con thú nhồi bông đính kèm để giúp con tránh bị hóc, ngạt"
" Nên cai ti giả khi trẻ được 12 tháng tuổi"
Ti giả là sản phẩm được khuyến nghị bởi Hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP). Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng ty giả giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Vậy nên, tôi khuyến khích con trai mình dùng chúng.
Tôi cố gắng chọn loại núm vú có con thú nhồi bông đính kèm để giúp con tránh bị hóc, ngạt. Con trai tôi rất thích dùng chúng nhưng vì thằng bé đã lớn nên tôi buộc phải giúp con cai ti giả.
Chuyên gia y khoa và nha khoa đều khuyên các bậc phụ huynh nên cai ti giả cho trẻ tầm 2-4 tuổi. Gregory Gordon, một bác sĩ nhi ở Orlando cho biết sử dụng ti giả cho trẻ trên 4 tuổi có thể ảnh hưởng tới hàm răng vĩnh viễn của trẻ. Trong khi đó, bác sĩ Laura Jana, người phát ngôn của AAP cho rằng độ tuổi trẻ có thể dùng ti giả khá rộng và điều đó gây hoang mang cho các bậc phụ huynh.
Finn rất thích dùng núm ti giả nhưng vì thằng bé đã lớn, nên tôi buộc phải giúp con cai nó
Cả hai bác sĩ Gregory và Laura đều đồng ý rằng, việc sử dụng ti giả nên giảm dần khi trẻ 12 tháng tuổi để không gây hại cho khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Năm 2015, Kids in Danger (KID) - một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu bảo vệ trẻ em cho biết từ năm 2012 đến 2014, toàn nước Mỹ đã có 179 trường hợp phải tới phòng cấp cứu và ước tính có khoảng 7.500 sự cố liên quan đến núm vú giả. Phần lớn các trường hợp là hóc, ngạt, bị rách môi, bị ngộ độc và dị ứng.
Bác sĩ Gordon khuyến cáo các bậc phụ huynh nên thận trọng khi kiểm tra núm vú giả cho trẻ bởi theo thời gian, chúng có thể bị nứt và rách. AAP khuyến nghị người lớn nên chọn cho trẻ những loại ti giả an toàn, xuất sứ rõ ràng và có hướng dẫn về độ tuổi.