Tính đến 15h chiều 12/10, tại Hà Nội, TP.HCM và Quảng Bình, từng đoàn người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dài bất tận, không lúc nào ngơi. Nhiều người dân sau khi vào viếng đã ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình về tướng trong cuốn sổ tang. Không ít trang giấy đã thấm đẫm nước mắt.
Tại Hà Nội. Đại diện các cơ quan, bộ ngành, đoàn, cá nhân vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đều ghi lên sổ tang nội dung tỏ lòng thành, kính nghiêng mình trước vị tướng tài ba của dân tộc.
Bác sĩ Đào Đức Uý – Viện trưởng về hưu bệnh viện Bộ Công nghiệp đến ghi sổ tang trong lễ viếng: Ông Uý nói: “Trong sổ tang, tôi ghi kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả gia đình tôi và nhân dân đều thương tiếc người, vị tướng tài ba của dân tộc”.
Nguyễn Duy Cù – Tiểu đội trưởng bảo vệ Đại tướng ở chiến khu ATK Định Hóa- Thái Nguyên ghi trong sổ tang: “Đoàn chiến sĩ Việt Bắc vô cùng thương tiếc Đại tướng. Sống với Đại tướng suốt chặng đường kháng chiến ở Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ ngọt bùi với Đại tướng nhiều điều. Nay không nhìn thấy Đại tướng chúng tôi vô cùng đau xót. Trước vong linh Đại tướng, chúng tôi mong người về nơi an nghỉ ngàn thu”.
Những dòng đầy cảm động trước sự mất mát quá lớn của dân tộc, một vị tướng được nhân dân yêu mến.
Mái tóc bạc trắng, Giáo sư Đặng Hữu – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ khi đến viếng Đại tướng đã ghi lên sổ tang nội dung: “Chúng tôi ghi vô cùng thương tiếc Đại tướng huyền thoại cách mạng Việt Nam, học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng là người văn võ song toàn, hết sức quan tâm tới sự phát triển của đất nước, một vị tướng luôn vì dân, đoàn kết, hòa bình”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đến viếng Đại tướng. Ông ghi trên sổ tang dòng chữ: “Đoàn Bộ Công thương chúng tôi xin gửi tới gia đình Đại tướng lời chia buồn sâu sắc nhất. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước vong linh Đại tướng văn võ song toàn, đức tài trọn vẹn”.
“Đại tướng từ trần chúng tôi rất bàng hoàng, đây là tổn thất rất to lớn của Đảng, nhân dân cả nước, lực lượng vũ trang. Để xứng đáng với công lao của Đại tướng, Đảng viên tôi hứa học tập theo tấm gương Đại tướng, tất cả vì sự nghiệp cách mạng, toàn dân toàn ý”, Bộ trưởng Công thương chia sẻ cảm xúc khi đến viếng Đại tướng.
Thiếu tướng Phạm Khắc Hy, 87 tuổi, nguyên Phó Tư lệnh Trường Sơn đường HCM viết lên sổ tang nội dung “Tiếc thương người con vĩ đại của tổ quốc Việt Nam, vị tướng tài của mọi thời đại. Tôi vô cùng tự hào về Đại tướng bởi sự ngưỡng mộ của bạn bè thế giới đối với Đại tướng vĩ đại của Việt Nam.
Thiếu tướng Khắc cho hay, biết thế nào Đại tướng cũng về với cụ Hồ, nhưng khi bản thân ông biết tin vô cùng xúc động. Từ năm 1945, ông vào lính nên cũng thường xuyên gặp bác Giáp. Tất cả các hoạt động của Đại tướng từ đơn vị này sang đơn vị khác ông đều có mặt.
“Bác Giáp khi nói chuyện với bộ đội ở các hội nghị tổng kết đều đưa đến cho cán bộ một niềm tin sâu sắc. Đại tướng lĩnh hội được những tư tưởng đúng đắng nên chỉ đạo rất sáng tạo giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ khi chiến đấu với địch. Bác mất chúng tôi vô cùng đau buồn”, Thiếu tướng Khắc nói.
Có mặt tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM, được vào viếng Đại tướng, cô Nguyễn Thị Thanh Hà, viết những dòng tâm sự đầy xúc động trong cuốn sổ tang: "Người con của một đất nước anh hùng, một huyền thoại, một bản anh hùng ca bất diệt. Người đã trở về cõi vĩnh hằng. Cám ơn người, con sẽ nguyện làm những gì có ích nhất cho đất nước này, đất nước Việt Nam ngàn đời bền vững, một dân tộc không chịu khuất phục dưới mọi hành động xâm chiếm của kẻ thù”.
Ông Hoàng Trần Phong, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Văn khoa ra trường năm 1957 ghi lại những hồi ức về Đại tướng: “Chúng tôi mãi mãi không quên những ngày sau buổi học, Đại tướng đến cửa đại giảng đường để đón chị Đặng Bích Hà. Thật là một hình ảnh đẹp đẽ, ấm áp và vinh hạnh cho bạn bè chúng tôi…”.“
Nỗi buồn và cả những giọt nước mắt trong những dòng chia sẻ tiễn đưa Đại tướng
Một bạn trẻ bật khóc khi xếp hàng đợi đến lượt ghi sổ tang
Nước mắt tuôn rơi khi ngồi viết lời tri ân Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Những dòng tri ân Đại tướng
"Đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam đang trải qua nỗi đau, sự mất mát vô cùng to lớn. Toàn thể người Việt Nam tỏ lòng biết ơn vộ hạn công lao như trời biển của Đại tướng. Nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh, tấm lòng yêu nước thương dân của Đại tướng sẽ luôn được người đời khắc ghi, người thế hệ sau tiếp bước” – bạn trẻ Nguyễn Đức Anh chia sẻ trong sổ tang.
Tại Quảng Bình, Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường bật khóc khi ngồi vào bàn viết sổ tang. Ông Cường cũng là nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình xúc động rơi nước mắt khóc khi ghi vào sổ tang viếng Đại tướng.
“Kính thưa Bác, với cháu, một vinh dự lớn lao khi được gắn bó với quê hương Quảng Bình gần 4 năm rưỡi, được đón, tháp tùng Bác khi về thăm quê nhà lần cuối, được nghe bác dặn dò chỉ bảo...”, Bộ trưởng viết trong cuốn sổ tang. Những lời cuối viết trong sổ tang, Bộ trưởng viết: “Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Bác! Xin Bác an nghỉ nơi vĩnh hằng! Vĩnh biệt Bác kính yêu! ”.
Ông Nguyễn Tấn Lực (ở TP Đồng Hới) gửi tới Đại tướng bài thơ "Sống mãi hoài" thay lời vĩnh biệt: "Đại tướng "đi" trời, người rơi nước mắt/Đảng mất người con, tướng giỏi kiên cường/Quân đội mất người anh cả kính thương/Vợ mất người chồng thủy chung mẫu mực/Con cháu mất người cha, ông cậy nhờ/Linh hồn Đại tướng về phương trời phật/Với tổ tiên và theo gót Bác Hồ/Sống mãi hoài với lịch sử văn thơ".
Bài thơ của ông Lực trong sổ tang
Chúng con kính cẩn nghiêng mình trước anh Linh của Đại tướng vĩ nhân của thời đại.