Quyết định miễn tố cho cảnh sát kẹp chết người đã khiến người dân Mỹ rất tức giận.
Ngày 4/12, nước Mỹ lại một phen sôi sục khi bồi thẩm đoàn của thành phố New York tuyên bố miễn tố cho một cảnh sát liên quan đến vụ kẹp cổ một người Mỹ gốc Phi khiến người này thiệt mạng, chỉ một thời gian ngắn sau khi xảy ra vụ bạo động kinh hoàng vì cảnh sát bắn chết người ở thành phố Ferguson.
Người dân New York xuống đường tuần hành phản đối bạo lực cảnh sát
Quyết định miễn tố của bồi thẩm đoàn đã khiến người dân New York tức giận kéo nhau tuần hành qua khu Manhattan để đòi công lý cho Eric Garner, 43 tuổi, người đã bị cảnh sát khống chế bằng cách kẹp cổ vào ngày 17/7 khiến ông này tử vong tại khu Staten Island.
Những người chứng kiến cho biết trong những giây phút cuối cùng, ông Garner đã bị viên cảnh sát da trắng Daniel Pantaleo dùng tay kẹp chặt quanh cổ và vật ông xuống đất để khống chế, bắt giữ sau khi cáo buộc ông này bán thuốc lá trốn thuế.
Người biểu tình phong tỏa nhiều tuyến phố trung tâm New York
Ông Garner đã cố gắng nói với viên cảnh sát: “Tôi không thử được”, nhưng viên cảnh sát vẫn kẹp chặt cổ ông này cho đến khi ông thôi giẫy giụa. Trước phản ứng của dư luận, Sở Cảnh sát New York giải thích rằng hành động kẹp cổ của cảnh sát mặc dù bị cấm nhưng không phải là phạm pháp.
Quyết định miễn tố cho cảnh sát Pantaleo đã khiến người dân thành phố New York nổi giận trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang sôi sục với những cuộc biểu tình sau khi bồi thẩm đoàn bang Missouri quyết định miễn tố cho viên cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown hồi tháng Tám.
Đông đảo cảnh sát được huy động để kiểm soát biểu tình
Sau quyết định miễn tố của bồi thẩm đoàn bang Missouri, những cuộc bạo động đã bùng lên dữ dội ở thành phố Ferguson với những vụ đụng độ, cướp bóc, đốt phá suốt nhiều ngày liền.
Tại New York, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập trên đường phố, hô vang khẩu hiệu “Tôi không thể thở được” và tìm cách phá rối lễ treo đèn cây thông Noel thường niên của Trung tâm Rockefeller ở khu Manhattan. Cảnh sát đã bắt giữ 32 người biểu tình có hành vi quá khích.
Người biểu tình nằm trên đường phố và hô "Tôi không thở được"
Cuộc biểu tình đã khiến đường cao tốc West Side phải đóng cửa, gây ra tình trạng giao thông hỗn loạn tại khu nhà ga trung tâm của thành phố.
Tại Washington, D.C., nhiều người biểu tình cũng đã phong tỏa đại lộ Conneticut và hô vang khẩu hiệu “Dân chủ là thế này đây”, trong khi một lực lượng đông đảo cảnh sát lặng lẽ bám sát theo sau.
Đoàn xe của cảnh sát bám theo người biểu tình
Quyết định miễn tố của thành phố New York cũng đã gây sự chú ý của Tổng thống Barack Obama, khi ông tuyên bố rằng cái chết của Garner “nói lên những vấn đề lớn hơn” về lòng tin giữa cảnh sát và người dân.
Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định vào cuộc khi Bộ trưởng Eric Holder tuyên bố cơ quan này sẽ mở một cuộc điều tra “độc lập, toàn diện, công bằng và khẩn trương” đối với trường hợp tử vong của ông Garner.
Một phụ nữ ngồi trên đường cao tốc bị cảnh sát bắt giữ
Bộ trưởng Holder nói: “Cái chết của ông Garner rõ ràng là một thảm kịch. Mọi mạng sống đều đáng quý, thế nên nhiều người đã thất vọng và giận dữ với quyết định của bồi thẩm đoàn”. Trong thời gian tới, ông Holder sẽ đi tới 5 thành phố để tìm cách hàn gắn quan hệ vốn đã nhiều sứt mẻ giữa lực lượng cảnh sát với các cộng đồng thiểu số.