Vẫn là khu quán nhỏ của gia đình chị Lệ trên phố Bảo Khánh phục vụ người dân và du khách, nhưng nay có thêm 1 món rất ý nghĩa - phở treo. Ai đến ăn phở đều có thể “treo” yêu thương bằng những bát phở dành cho người có hoàn cảnh khó khăn đến sau.
Quán bánh cuốn nóng & phở Tuệ An nằm ở quận Hoàn Kiếm từ lâu đã trở thành quán quen của nhiều người dân ở Hà Nội và du khách thập phương. Chủ quán là chị Nguyễn Thị Cát Lệ (47 tuổi), 2 món ăn mang đậm hương vị Hà Thành này chính là nghề gia truyền của gia đình chị suốt 30 năm nay.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, tấm biển gỗ đề dòng chữ "Phở Treo" đặt ngay trước quán chị Lệ đã thu hút sự chú ý của mọi người. Theo chia sẻ của chị Lệ, tấm bảng ghi như vậy là để thông báo cho những người dân muốn ăn phở nhưng không đủ điều kiện kinh tế có thể đến quán, nhận và thưởng thức phần "phở treo" được quán và những vị khách xa lạ gửi tặng.
Những bát phở treo luôn đầy đặn hơn suất thường
Chị Lệ chia sẻ, chị đã có ý tưởng về mô hình phở treo này từ rất lâu. Đó là khoảng 2, 3 năm trước, khi chị tình cờ xem được một chương trình nước ngoài về mô hình cà phê treo, táo treo. Càng theo dõi, chị càng bị thuyết phục bởi cách làm từ thiện ý nghĩa ấy. Chị tìm hiểu thêm thì thấy ở Việt Nam cũng có nhiều quán thực hiện hình thức “treo” đồ ăn thức uống để dành cho những người khó khăn.
Điều này đã truyền cảm hứng cho chị Lệ để biến quán của mình thành nơi làm thiện nguyện từ những món ăn bình dị. Chị Lệ may mắn khi được gia đình và họ hàng hết lòng ủng hộ trong mọi việc, nhất là công việc thiện nguyện nên quán ăn của cả nhà đã nhanh chóng gắn thêm tấm biển "Phở Treo" đặc biệt.
Hiện tại, quán thực hiện tự "treo" 30 bát mỗi ngày. Theo đó, khách đến đây bắt đầu "treo" từ số 31 trở đi. Những suất "treo" còn lại của ngày hôm trước chưa được dùng sẽ được quán cộng dồn sang ngày hôm sau.
Chị Lệ cho biết thêm, những bát phở treo tại quán thường có phần lớn hơn so với bát phở thông thường vì chị biết, những người lao động cần nhiều năng lượng hơn. “Có khi khách ăn xong mà quên không hạ số xuống, nhà chị vẫn giữ nguyên số suất treo đó để phục vụ khách sau chứ không tự tay hạ xuống. Chị muốn mọi người vào ăn thoải mái chứ chẳng giàu nghèo gì ở mấy bát phở”, chị Lệ tâm sự.
Đối với chị, tấm biển treo ấy là để những người khó khăn đi qua nhìn thấy và có thể thoải mái vào ăn mà không cần dò hỏi xem hôm nay còn phở miễn phí hay không. Đôi khi, những người có hoàn cảnh khó khăn còn xin mang phở "treo" về nhà cho người thân, chị Lệ vẫn sẵn sàng đáp ứng.
Những vị khách đặc biệt đến quán của chị Lệ ăn phở treo thường là người lao động nghèo, công nhân dọn vệ sinh, nhặt ve chai,... Ban đầu, nhiều người cũng đắn đo về suất ăn miễn phí này, nhưng khi được chủ quán giải thích tận tình, họ đã yên tâm ngồi ăn. Những bát phở đầy đặn, thơm ngon của quán chị Lệ đã giúp nhiều người khó khăn được “ấm bụng” trước khi lên đường mưu sinh.
14 năm dành tâm huyết cho công việc thiện nguyện
Gia đình chị Lệ từng trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn với điều kiện sống thiếu thốn. Nhờ đó mà chị rất thấu hiểu, cảm thông cho những mảnh đời bất hạnh. Chị Lệ chia sẻ, mô hình phở treo mà chị đang thực hiện chỉ là một phần nhỏ trong công việc thiện nguyện mà chị đã theo đuổi suốt 14 năm nay.
Được biết, chị Lệ đang triển khai song song hai dự án từ thiện là Bát cơm nhân ái và Tủ thuốc miễn phí. Toàn bộ số tiền ủng hộ của khách ăn ở quán sẽ được dùng vào việc chuẩn bị những suất cơm cho các bệnh nhân đang điều trị ở một số bệnh viện lớn, người già neo đơn hoặc người có hoàn cảnh khó khăn.
“Gia đình chị chung tay làm việc thiện nhiều năm nay nhưng không kêu gọi hay nhận tiền mặt từ người lạ. Những ai biết đến sẽ cùng chị thực hiện. Ngoài việc góp công sức, các mạnh thường quân có thể ủng hộ bằng hiện vật như gạo, rau, thức ăn, gia vị,… để có nhiều suất ăn tình nghĩa hơn nữa”, chị Lệ cho biết thêm.
Hiện tại, gia đình chị rất tâm huyết với quán phở treo đặc biệt trên phố Bảo Khánh, vì qua đó, nhiều người sẽ có cơ hội làm việc thiện chỉ với một suất ăn nhỏ bé.
“Tên quán là Tuệ An, nhưng phần lớn khách đến quán thời gian gần đây đều tìm địa chỉ là quán phở treo Bảo Khánh. Chị thấy như vậy càng đặc biệt, gia đình chị đã giúp đỡ nhiều người khó khăn và thực khách đến ủng hộ ngày càng đông. Tự nhiên mình lại có thương hiệu riêng mà rất ý nghĩa”, chị Lệ tươi cười.
Có lẽ trong nhịp sống hối hả, những bát phở treo ngoài việc giúp cho những người lao động nghèo có được một bữa ăn ngon, nó còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần để mọi người cùng nhau cố gắng. Đôi khi chỉ cần một nụ cười, một cử chỉ thân thiện hay một hành động chia sẻ nhỏ cũng đủ để làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.
Người Việt Nam là vậy, chỉ cần một bàn tay xoè ra, một bàn tay khác sẽ nắm lấy, cùng nhau lan toả những điều tốt đẹp nhất đến với mọi người. Cảm ơn quán phở treo cô Lệ, cảm ơn những vị khách tốt bụng đã để lại những phần phở treo đầy ắp tình thương, sự sẻ chia sẻ dành người khó khăn.