Vừa bước vào năm lớp 12 được một thời gian ngắn, nữ sinh đã có biểu hiện hay cáu gắt và tiếp tục hành vi cắt tay, hành hạ cơ thể.
Bác sĩ Trần Thị Sáu (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân là học sinh, năm nay lên lớp 12, nhập viện trong tình trạng lo âu, căng thẳng. Đáng chú ý, nữ sinh này còn dùng dao tự cắt vào tay mình.
Chia sẻ về lý do hành động gây tổn hại bản thân, nữ sinh 17 tuổi cho biết: “Mỗi lần làm như thế, em thấy thoải mái hơn nhiều”. Theo gia đình, đây không phải là lần đầu tiên nữ sinh này có hành động như vậy.
Năm học lớp 11, đã có lần nữ sinh này tự làm tổn thương tay bằng vật sắc nhọn. Sau đó, gia đình đã tham vấn ý kiến bác sĩ và được hướng dẫn tự điều trị tại nhà (do ảnh hưởng dịch bệnh). Trong suốt kỳ nghỉ hè, nữ sinh này đã trở về trạng thái bình thường.
Kỳ nghỉ hè kết thúc, Hà Nội giãn cách xã hội, học sinh toàn thành phố học online. Khi vào học được một thời gian, nữ sinh này lại bắt đầu xuất hiện tình trạng căng thẳng, lo âu, suy nghĩ tiêu cực…
Nữ sinh chia sẻ, khi học online, thời gian học liên tục cả sáng và chiều. Trong ít phút nghỉ giữa các tiết học, em cũng chỉ loanh quanh trong 4 bức tường, không được gặp gỡ bạn bè, cùng với đó khối lượng bài vở lớn khiến cho em bị stress. Bên cạnh đó, áp lực năm cuối cấp với nhiều kỳ vọng của bố mẹ cũng làm tăng mức độ căng thẳng. Nữ sinh đã có biểu hiện hay cáu gắt và tiếp tục hành vi cắt tay, hành hạ cơ thể khi chỉ mới bước vào năm học lớp 12 một thời gian ngắn.
Dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều người, sau khi hết giãn cách, số người nhập viện tâm thần cũng gia tăng.
Bác sĩ Sáu cho rằng, điều này là có thể bởi môi trường học online và tại trường khác nhau hoàn toàn. Tại trường, sau mỗi tiết học, học sinh được nghỉ giải lao, trò chuyện với bạn bè. Giờ ra chơi là thời điểm giải tỏa căng thẳng tốt nhất. Còn học online thì thiếu những điều kiện này. Do đó, khi con em tham gia học trực tuyến, sự quan tâm, chia sẻ của phụ huynh, người thân trong gia đình là vô cùng quan trọng.
Theo bác sĩ Sáu, áp lực học tập cùng với việc phải ở nhà quá lâu do dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của mọi người nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng. Với những trường hợp như nữ sinh trên, khi đang ở lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý, những tác động khách quan bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ, tâm lý và hành vi.
Bác sĩ Sáu cũng cho hay, việc học sinh bị ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh, học online kéo dài không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, để nặng tới mức tự hành hạ cơ thể mình như nữ sinh trên thì không nhiều. “Sau khi thăm khám, chúng tôi đã phải cho bệnh nhân dùng thuốc, kết hợp với gia đình dùng biện pháp điều trị tâm lý”, bác sĩ Sáu nói.
Trường hợp trẻ tìm đến những cách như rạch tay, hành hạ cơ thể nghĩa là đã ở tình trạng quá nặng.
Để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, vai trò của người thân trong gia đình là rất quan trọng. Bố mẹ cần thường xuyên quan tâm, giám sát các con để phát hiện những bất thường ở trẻ.
Ví dụ như trước đây con vui vẻ, hoạt bát, ngoan hiền nhưng bỗng nhiên thấy con có những thay đổi bất thường về hành vi, hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ thì cần đi khám chuyên khoa tâm thần sớm.
Với trường hợp trẻ tìm đến những cách như rạch tay, hành hạ cơ thể thì đã ở tình trạng quá nặng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.