Người dân nơi đây cho phép nam nữ trưởng thành được thoải mái quan hệ tình dục với nhau vì tin rằng việc này sẽ giúp hạn chế việc ly hôn hoặc không hạnh phúc trong hôn nhân.
Ấn Độ vốn nổi tiếng là một đất nước bảo thủ và coi trọng vấn đề hôn nhân và tình dục, luôn cấm kỵ và tránh tình dục trước hôn nhân. Thế nhưng có một bộ lạc kỳ lạ tại Ấn Độ lại cho phép nam nữ được thoải mái yêu nhau, thậm chí là làm "chuyện ấy" dù chưa kết hôn. Đó chính là bộ lạc Muria, sinh sống tại lang Devgaon, thuộc bang Madhya Pradesh, Ấn Độ.
Bộ lạc bí ẩn trong rừng sâu
Giống như nhiều bộ lạc khác trên thế giới, bộ lạc Muria sống trong vùng núi, vùng sâu vùng xa, chủ yếu dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Mọi thứ tại đây đều rất nguyên sơ, gần như không có tác động của xã hội hiện đại. Người Muria trồng trọt, săn bắt và chăn nuôi để nuôi sống bản thân và gia đình, cuộc sống tự cung tự cấp.
Phụ nữ ở bộ lạc Muria.
Trước đây, từng có một nhóm phiến quân tên là Naxalite cư trú quanh ngôi làng mà người Muria sinh sống. Nhóm phiến quân này rất dữ tợn và độc ác, bất cứ ai tới gần khu vực này đều bị bắt giữ hoặc giết chết. Chính vì vậy trong suốt nhiều năm, không có bất cứ ai dám tới khu vực này, bộ tộc Muria cũng vì thế mà trở nên bí ẩn và khác biệt với thế giới bên ngoài.
Mãi sau đó, hai nhà khoa học và nhân chủng học người Anh là Verrier Elwin (1902 - 1964) và David Orr đã may mắn tới được nơi đây để nghiên cứu và tìm hiểu lối sống, những phong tục tập quán hết sức đặc biệt của bộ lạc Muria.
Nơi nam nữ thoải mái "ân ái", cứ 7 ngày phải đổi người khác
Ban ngày, người Muria đi săn bắt và trồng trọt để mưu sinh nhưng khi màn đêm buông xuống, thế giới của họ hoàn toàn khác với những gì mọi người nghĩ. Đó là thế giới của lễ hội, ca hát nhảy múa và hoan lạc.
Bộ lạc Muria cho phép trai gái trưởng thành được thoải mái quan hệ tình dục với người mình thích mà không bị bất cứ ai can ngăn, chỉ trích. Họ tin rằng việc quan hệ trước hôn nhân sẽ làm nảy sinh lòng trắc ẩn và sự đoàn kết, giúp hạn chế tỷ lệ ly hôn hoặc không hạnh phúc trong hôn nhân. Phong tục này hoàn toàn không bắt buộc, người nào chưa sẵn sàng có thể không tham gia.
Trai gái đến tuổi trưởng thành ở Muria được phép thoải mái quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Cứ đến 10h đêm, người Muria sẽ tụ tập tại một nơi gọi là Ghotul, có thể coi là ký túc xá của làng. Nơi này giống như một chiếc lều đơn sơ, được dựng bằng gỗ, lá khô và phân bò. Trai gái sẽ tụ tập quanh Ghotul để nhảy múa, ca hát, sau đó chọn một người mình thích để quan hệ tình dục. Những người lớn tuổi trong làng sẽ dạy người trẻ cách hành xử cùng như kinh nghiệm trong "chuyện ấy".
Tuy nhiên, phong tục này của người Muria không phải bừa bãi hay tự do như nhiều người vẫn nghĩ, họ có một số quy tắc riêng. Các chàng trai (được gọi là "chelik") và các cô gái (được gọi là "motiari") sẽ phải dùng tên khác khi đến Ghotul. Họ được tự do chọn bạn tình nhưng không được quan hệ với một người quá 3 lần liên tiếp, và tối đa sau 7 ngày phải đổi một đối tượng khác.
Người Muria cũng rất coi trọng vấn đề sức khỏe. Họ biết cách sử dụng thảo dược để làm thuốc tránh thai cũng như điều trị các bệnh liên quan đến tình dục.
Những tác động tích cực và tiêu cực
Những nam nữ thanh niên từng trải qua phong tục trên đều cho rằng đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời họ. Việc quan hệ tình dục trước hôn nhân giúp họ có thái độ lành mạnh và bình đẳng, tránh ghen tuông mà thay vào đó là lòng tốt và tình yêu.
Phong tục của người Muria cũng để lại nhiều hậu quả khó lường.
Tuy nhiên, phong tục này cũng có nhiều mặt trái, nhất là một vài thanh niên trong bộ lạc bắt đầu biết tới khái niệm quan hệ trước hôn nhân là không lành mạnh. Anh Somaruram Dugga, một giáo viên trung học trong làng chia sẻ: "Chúng tôi không phản đối việc ca hát hay nhảy múa nhưng chúng tôi phản đối việc quan hệ bừa bãi trước hôn nhân. Thử tưởng tượng một chàng trai phải chứng kiến cô gái mình thích "lên giường" với anh em ruột của mình mà xem. Tôi rất buồn vì phong tục này đang dần tha hóa, chẳng khác gì ổ mại dâm, khiến bệnh tình dục lây lan và nhiều người trở thành mẹ bất đắc dĩ".
Tuy nhiên, những quan điểm mới này chưa thể làm thay đổi suy nghĩ của người Muria được. Nếu muốn thay đổi, nó sẽ là một quá trình dài và cần có sự can thiệp của nhiều yếu tố. Một cụ ông 70 tuổi trong làng chia sẻ: "Những người ngoài cuộc nói phong tục của chúng tôi là xấu xa nhưng chúng tôi chỉ đang bảo vệ di sản của chính mình".