Nếu như ở Việt Nam, những loại rau quả này có giá rẻ, thậm chí mọc hoang ở bờ bụi thì ở nước ngoài, những thứ này lại có giá cao ngất ngưởng.
Xương rồng lê gai
Xương rồng lê gai, còn gọi là xương rồng tai thỏ là loại cây thường thấy ở những vùng nắng gió như Ninh Thuận, Bình Thuận. Loại cây này mọc dại và được trồng làm hàng rào. Ở đây nó là thứ quả gắn với tuổi thơ của nhiều người, trẻ con thường hái và bóc ra ăn ngon lành.
Cây xương rồng lê gai trong điều kiện lý tưởng có thể cao tới 1m, quả mọc ở rìa lá gai đón ánh sáng. Vỏ của quả này có rất nhiều gai, khi chín phần ruột mát và ngọt, hương vị giống với quả thanh long hoặc quả kiwi (nhưng không chua bằng). Trong quá trình quả chín, xương rồng lê "đổi màu" rõ rệt, khi chín rộ nhất sẽ chuyển sang màu tím đậm. Những quả có phần thịt bên trong màu tím đậm thường được cho là ngọt nhất.
Thế nhưng khi sang nước ngoài, đây là loại trái cây cao cấp, được trồng để thu hoạch và bày bán sang chảnh trong siêu thị.
Trong tiếng Anh, quả xương rồng lê gai được gọi là "Nopal" hay "Prickly Pear Cactus". Loại cây này được trồng nhiều ở các nước châu Phi, Ấn Độ, miền Tây Nam nước Mỹ hay miền Bắc Mexico, Trung Quốc....
Theo thông tin trên trang Amazon, giá trung bình cho hộp 6 quả là 13 đô (khoảng 300.000 đồng). Không chỉ là hoa quả tráng miệng, làm mứt, thạch... xương rồng lê gai còn được chế biến làm dược phẩm, mỹ phẩm. Tại châu Phi, đây còn được coi là thức ăn cứu đói qua các mùa hạn.
Ngoài ra, trong quả xương rồng có hàm lượng flavonoid, polyphenol và betalain cao. Những chất hữu cơ này đều có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người.
Quả sim
Sim là quả mọc dại ở đồi núi, trong rừng tự nhiên, nơi có độ ẩm cao, phân bổ chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, loại quả này gắn với tuổi thơ của nhiều người. Cây sim mọc thành từng lùm, hoa nở vào đầu mùa hè và giữa tháng 7 những quả sim rừng bắt đầu chín. Sim rừng chín có màu tím, vị ngọt mát. Ngoài ăn trực tiếp, sim còn được người dân ngâm làm siro, ngâm rượu.
Trước đây sim có được bán ở chợ nhưng với giá rất rẻ, 5.000 - 10.000 đồng/kg, trẻ em ở vùng nông thôn thường rủ nhau lên đồi hái sim rồi đem bán ở chợ, kiếm tiền ăn quà vặt. Bây giờ, sim được bán trên chợ mạng với giá không hề rẻ, khoảng 100.000 đồng/kg.
Thế nhưng, đối với người Trung Quốc, sim được xem là "kho báu", có thể bán với giá 60 tệ/0.5kg (khoảng 200.000 đồng). Nó còn có những tên gọi khác như đào kim cương, cương nhẫm, dương lê…, không chỉ là loại quả “ăn cho vui” mà nó còn có giá trị dược liệu rất cao.
Chanh leo
Chanh leo là loại quả gần gũi, thân thuộc, nó được bày bán từ ngoài chợ đến siêu thị phù hợp để làm nước uống, làm bánh hoặc sữa chua. Trước đây, ở Việt Nam loại cây này mọc khắp nơi, người dân có thể trồng làm hàng rào. Còn ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, chúng có giá đắt và được săn lùng vì công dụng của nó với sức khỏe.
Một nghiên cứu đăng tải trên Hàng Châu Nhật báo (Trung Quốc) so sánh rằng một quả chanh leo có giá trị tương đương với 10 quả táo., trong chúng có chứa các loại axit amin tốt cho sức khỏe, vitamin và caroten. Chúng tốt cho cả người lớn và trẻ nhỏ, góp phần chống lão hóa nhờ lượng vitamin C dồi dào.
Ở Việt Nam, các mô hình trồng chanh leo không hiếm, chỉ 40-60 ngày từ khi trồng đã có thể thu hoạch. Chanh leo có thể ra hoa quanh năm, hiện nay chúng được xuất khẩu sang cả châu Âu. Loại cây này dễ trồng, chỉ cần một hạt giống, chanh leo đã mọc mầm.
Quả tầm bóp
Vốn là một loại cây dại mọc lan ở khắp các ruộng lúa ở nông thôn Việt Nam nhưng vì giờ đây người tiêu dùng yêu thích các loại rau sạch và lành nên tầm bóp đang đứng đầu trong danh sách các loại "rau quả nhà giàu" được nhiều người săn lùng. Loài cây này có xuất phát từ châu Mỹ, tên khoa học là Physalis angulata, một số nơi gọi là bùm bụp, lồng đèn hay bôm bốp...
Năm 2018, nhiều người tròn mắt khi cư dân mạng chia sẻ hình ảnh về quả thù lù được bán trong siêu thị ở Nhật Bản. Theo đó, một khay tầm bóp khoảng 100g được bán với giá 388 yên, khoảng 70.000 đồng, tức 1 kg quả tầm bóp có giá bán lên tới 700.000 đồng, thậm chí còn đắt hơn quả cherry nhập về Việt Nam.
Tầm bóp được người Nhật mua về làm thuốc hoặc dành cho những người ăn kiêng. Theo đó, quả tầm bóp vị chua, tính bình tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm... vì thế đây còn được dùng như một vị thuốc Nam.
Mới đây, ở các siêu thị và cửa hàng trái cây cao cấp ở Việt Nam cũng xuất hiện quả tầm bóp với giá lên đến 400.000 đồng/kg khiến nhiều người giật mình. Thực chất đây là quả tầm bóp giống Nam Mỹ, được trồng ở Việt Nam chứ không phải quả dại. So với quả tầm bóp mọc dại, tầm bóp Nam Mỹ có kích thước lớn hơn, tròn căng, khi chín quả vàng mọng trông rất bắt mắt.
Về mùi vị, tầm bóp Nam Mỹ vị ngọt hơn, thơm hơn so với tầm bóp mọc dại, giàu vitamin như A, C và các khoáng chất. Riêng vitamin A ở trái tầm bóp có thể cao gấp 10 lần quả cherry, gấp 3 lần quả việt quất, gấp 13 lần quả phúc bồn tử và gấp 60 lần quả dâu…. Đường kính quả dao động trong khoảng 1,5 cm đến 2,5 cm và có khối lượng khoảng 6g - 10g.
Trái bần
Ở miền Tây có câu ca dao "Muốn ăn mắm sặc bần chua. Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm". Qua câu ca dao này có thể thấy trái bần là một đặc sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Ở đâu có sông, có vàm, cù lao là ở đó cây bần sinh sôi nảy nở thành rừng. Hoa bần màu trắng pha chút hồng phấn, trái bần có vị chua. Bần mọc ven sông, trái to tròn, hơi dẹt như cái dĩa nên người Tây Nam Bộ gọi là bần dĩa. Ngoài bần dĩa, còn có loại mọc ở vườn thì trái nhỏ hơn, cỡ chỉ như trái ổi, gọi là bần ổi.
Người miền Tây thường tận dụng cả hoa và trái bần để chế biến thành những món ăn dân dã, phổ biến nhất là sự xuất hiện của bần trong nồi canh chua, tô cá kho hay nước lẩu đậm đà. Hương vị đặc trưng nhất của trái bần là chua chua, bùi bùi, hơi chát, lúc chín tới thì vừa chua, vừa thơm, vừa ngọt. Đối với trẻ con nơi đây, cứ mỗi khi buồn miệng lại hái xuống rồi chấm cùng muối ớt, mắm ruốc ăn chơi như một loại quà vặt.
Từ loại cây bần mọc hoang, người dân lấy trái nấu các món ăn hàng ngày, trái bần được xuất khẩu sang nhiều nước Canada, Đức, Úc... Cốt bần là sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao và được ưa chuộng nhiều nhất, đây là một loại gia vị có thể sử dụng trong nhiều món ăn.