Sau khi phát hiện trên tay, chân con xuất hiện những nốt bầm thâm tím to bằng đồng tiền xu, người bố vội vàng đưa con đi khám thì bác sĩ thông báo con đã mắc căn bệnh ung thư máu.
Bé L.T.T (5 tuổi) con gái anh Lê Ngọc Thành (41 tuổi, ở Bắc Ninh), phát hiện bị ung thư máu một cách rất tình cờ khi xuất hiện một nốt bầm tím to bằng đồng tiền xu trên tay.
Anh Thành cho biết, hôm mùng 6 Tết anh thấy trên tay con có nốt bầm tím lạ. Ngay sau đó, anh đưa con đi khám và phát hiện con bị giảm tiểu cầu.
Linh tính có chuyện chẳng lành, anh Thành chuyển con về Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, lúc này anh như chết lặng khi bệnh viện kết luận con gái anh bị ung thư máu và phải điều trị hóa chất ngay, với tiên lượng khả năng sống chỉ khoảng 10%.
Vết bầm tím dưới da cảnh báo các bệnh nguy hiểm về máu.
Qua quá trình khám và điều trị, TS Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nhi – Bệnh viện K Trung ương) cho biết trong thực tế những trường hợp như con gái anh Lê Ngọc Thành không phải là hiếm gặp.
Điển hình như trường hợp của bé Vũ Văn M., 11 tuổi, trú tại Quảng Ninh cũng bị vết bầm tím trên da. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, gia đình lại cho rằng cháu đi học bị ngã nên không chú ý. Cho đến khi vết bầm tím xuất hiện nhiều hơn, và mỗi khi chạm nhẹ vào bàn ghế là chân, tay cháu M. cũng bị tím lại. Ngoài ra, cháu M. xuất hiện hạch dưới da, nhưng không có biểu hiện đau. Đến lúc đó gia đình mới đưa cháu M. đi kiểm tra và phát hiện con bị ung thư máu.
Hay như trường hợp bé Vũ Quỳnh C. (3 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội) cũng bị ung thư máu với những vết bầm tím trên da. Mẹ của C. kể lại, khi bé 2 tuổi bị các vết bầm trên da kèm theo chảy máu chân răng, chảy máu cam. Khi đi khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bạch cầu cấp – một bệnh ung thư máu.
TS Phạm Thị Việt Hương cho biết, ung thư máu là bệnh lý ác tính nhưng nếu phát hiện sớm bệnh vẫn có thể chữa khỏi được. Triệu chứng phổ biến nhất là dễ bị bầm tím và chảy máu không kiểm soát. Điều này xảy ra bởi vì các tế bào máu bình thường liên tục bị thay thế bằng các tế bào bạch cầu non bất thường, khiến cho các tiểu cầu (yếu tố làm đông máu) bị mất đi, và máu không thể đông lại.
BS Tường cho biết hiện có không ít người còn chủ quan với những biểu hiện bệnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Ths. BS Lê Quang Tường (Trưởng khoa Khám bệnh Viện Huyết học Truyền máu Trung ương), thông thường những trường hợp xuất hiện vết bầm có hình tròn trên da là dấu hiệu cảnh báo đang mắc các bệnh về máu như: ung thư máu, xuất huyết giảm tiểu cầu…Tuy nhiên, thiện có không ít người vẫn chưa hiểu và nhận thức đúng những dấu hiệu cảnh báo sớm này. Thậm chí, nhiều người khi thấy những dấu hiệu ban đầu nhưng lại chủ quan không đi khám. Đến khi phát hiện thì bệnh đã gây biến chứng nguy hiểm.
BS Tường khuyến cáo mọi người cần hết sức chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo trước như xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, máu chân răng, chảy máu kinh nguyệt kéo dài. Trong đó, biểu hiện sớm và dễ nhận biết nhất là tình trạng xuất hiện các vết bầm trên da.
“Khác với sốt xuất huyết, các vết bầm của căn bệnh này đa hình thái như nốt, chấm, mảng và rải rác ở tay chân hay lan rộng toàn thân. Các vết xuất huyết ban đầu có màu đỏ, sau đó chuyển sang vàng nhạt và thâm”, BS Tường chỉ dẫn.