“Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là các bệnh nhiễm trùng cấp tính và mạn tính, ví dụ viêm gan B, viêm gan C gây viêm gan mạn tính, ung thư gan. Như vậy, không có căn cứ để nói số người chết vì ung thư là do thực phẩm không an toàn. Nói vậy dân lại hoang mang, ăn gì cũng sợ”.
Mỗi năm 70 nghìn người chết vì ung thư
Chiều 20/4, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, đoàn đã làm việc với 21 tỉnh, thành đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam với 210 cơ sở sản xuất. Đoàn cũng làm việc với ba Bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương và nghe Chính phủ báo cáo. Kết quả giám sát cho thấy, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Riêng bệnh ung thư, mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
Trước thông tin này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã mời chuyên gia trong và ngoài nước làm việc. “Bộ Y tế đã thông báo, hiện nay nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là các bệnh nhiễm trùng cấp tính và mạn tính, ví dụ viêm gan B, viên gan C gây viêm gan mạn tính, ung thư gan. Như vậy là không có căn cứ để nói số người chết vì ung thư là do thực phẩm không an toàn. Nói vậy dân lại hoang mang, ăn gì cũng sợ”, bà Tiến cho hay.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, không có căn cứ để nói chết vì ung thư là do thực phẩm không an toàn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hạn chế yếu kém nhất ở đây là việc xử phạt không nghiêm minh, để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất chế biến. Kèm theo đó là việc chấp hành quy định của các nhà sản xuất kinh doanh, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Bộ trưởng Tiến cũng chỉ ra nguyên nhân do thiếu nguồn nhân lực, tài chính. Bộ trưởng Y tế đề nghị, phải hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo và nâng mức xử phạt về hình sự cao hơn.
“Chỗ này để ăn, chỗ kia để bán”
Đoàn giám sát cho biết: Kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy, tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là gần 8,5%. Trong số hơn 54.700 hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra thì hơn 9 nghìn vụ vi phạm. Ở một số địa phương, đoàn đến giám sát, các tiểu thương không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, cái khó trong xử lý hình sự các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm là hành vi vi phạm gây hậu quả, nhưng đồng thời phải liên quan đến giám định chất đó thế nào. Nếu hậu quả dẫn đến chết người thì việc xác định nguyên nhân có phải do thức ăn, đồ uống hay không là khó khăn. “Bình thường xác định hóa chất độc tố có khi hậu quả không xảy ra ngay, uống rượu vài ngày mới gây phản ứng, đây là vấn đề cần quan tâm, ở Hà Giang vừa qua là như vậy. Công tác giám định rất quan trọng”, ông Vương nhấn mạnh.
Nhắc đến thực trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, chỗ này để ăn, chỗ kia để bán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc “phân luồng trong sản xuất” như vậy là cố ý vi phạm, chứ không phải nhận thức chưa tới. Rồi cứ mở tivi ra lại thấy tai nạn giao thông, thấy cuộc sống của dân không yên bình, quá nhiều rủi ro, nguy hiểm rình rập. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn.
Nhắc đến thực trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, chỗ này để ăn, chỗ kia để bán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc “phân luồng trong sản xuất” như vậy là cố ý vi phạm, chứ không phải nhận thức chưa tới. |