Sinh năm 1998, có con từ năm 2015 nhưng số phận nghiệt ngã khiến ông bố này phải để lại vợ dại, con thơ ở vùng quê nghèo khó Sơn La, một mình xuống Thủ đô chữa bệnh.
Một buổi chiều u ám, với những đám mây đen đang kéo về, báo hiệu những cơn mưa giông đầu mùa xuất hiện, chúng tôi đang định rời khỏi Bệnh viện K Cơ sở Tân Triều để “chạy mưa”, nhưng lòng vòng mãi vẫn chưa về được. Có lẽ những sự cố bất ngờ đó đã “sắp xếp” cho chúng tôi gặp được em Hờ A Da, người dân tộc Mông ở Lóng Luông – Vân Hồ - Sơn La.
Cuộc gặp mặt cũng rất tình cờ, đó là khi ra cổng chúng tôi gặp một bà chủ nhà trọ đã từng nói chuyện trước đó, đi cùng bà chủ nhà trọ này là một cậu thanh niên với nét mặt hiền lành, lúc đầu mới gặp chúng tôi cứ ngỡ đó là con trai của bà chủ trọ này. Chỉ đến khi giới thiệu: “Các em chẳng phải viết cao xa làm gì, đây nhân vật đây, đã phẫu thuật ung thư 2 lần, vẫn đang vật vờ ngoại trú để hàng ngày vào viện theo dõi thăm khám”.
Em Hờ A Da nghỉ ngơi sau lần phẫu thuật thứ 2.
Nếu chỉ nói như vậy thì cũng chẳng có gì đáng bàn, vì trong khoa Nhi – Bệnh viện K Trung ương có muôn vàn trường hợp chỉ nhìn bề ngoài thôi đã thấy thương tâm hơn nhiều. Mới thoáng qua suy nghĩ đó ở trong đầu, bà chủ trọ tiếp lời: “Khổ thân thằng cháu này lắm, lần nào xuống cũng chẳng có tiền, chị đang cho nó ở nhờ đấy chứ. Chưa đầy 18 tuổi mà một nách vợ, một nách con, nhà bán hết cả tài sản để xuống đây chữa bệnh”.
Câu chuyện kể đến đó chúng tôi mới “chột dạ” và tò mò về chàng thanh niên tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu” này. Đúng lúc đó cơn mưa trút xuống và chúng tôi vội vàng theo em về khu nhà nơi em đang ở nhờ cách đó không xa.
Ngồi nép trong căn phòng trọ chỉ khoàng 6m2, em Hờ A Da bắt đầu kể về câu chuyện và “con đường” bệnh tật của mình. “Em cũng chẳng biết là bị ung thư từ năm nào, chỉ biết năm đó khi nổi hạch ở sau mang tai, em vẫn đi làm sinh hoạt bình thường, cũng chẳng thấy đau đớn gì cả.
Tưởng bình thường, bẵng đi một thời gian không để ý tới, tự dưng một hôm em thấy nhói đau, sờ ra sau tai thì cái hạch đã lớn gấp đôi lần đầu phát hiện. Lo sợ, gia đình cho em xuống bệnh viện huyện khám, những cũng không phát hiện ra bệnh gì, sau đó em lên tỉnh và được chuyển xuống Hà Nội để khám. Tại đây, các bác sĩ nói em bị ung thư phần mềm và cần được phẫu thuật ngay nếu không khối u to dần sẽ ảnh hưởng, chèn ép thần kinh...”.
Da đi chữa ung thư chỉ với một balo quần áo mang theo.
Em Da cũng cho biết, từ khi phát hiện bệnh đến nay em đã phải phẫu thuật 2 lần, lần này em mới phẫu thuật xong và được chỉ định ở lại để theo dõi hàng ngày, do viện quá đông nên phải điều trị ngoại trú. Nhưng trớ trêu là do gia đình quá nghèo, em vật vờ qua ngày ở xóm trọ trước cửa bệnh viện, cũng may được các bác thương tình cho ở nhờ.
Nói về hoàn cảnh gia đình, em Hờ A Da nói trong nỗi buồn: “Giờ gia đình em chẳng còn gì cả, chỉ còn ít đất nương trồng ngô ăn qua ngày, năm ngoái em bị bệnh nặng, nhà có bao nhiêu trâu bò đã bán hết mà vẫn chưa đủ tiền để đi chữa bệnh”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về gia đình nhỏ của Da, em xúc động nói: “Em nhớ con lắm, năm ngoài cháu được 6 tháng cũng đã xuống đây thăm bố 1 lần, nhưng năm nay không có tiền nên vợ và con không bắt xe xuống được”.
Theo lời kể của Da, mặc dù năm nay chưa đầy 18 tuổi, nhưng con đã được gần 1 tuổi, dù kinh tế khó khăn nhưng phong tục trên quê là vậy, nên giờ đành phải chấp nhận. “Dù nhớ con lắm nhưng em cố gắng chịu và chữa trị theo hướng dẫn bác sĩ, chỉ mong sao nhanh khỏi bệnh để về quê làm nương, làm rẫy, kéo cày trả nợ”, em nín lại cảm xúc và chia sẻ.
Sau khi nghe xong câu chuyện của chàng thanh niên người dân tộc Mông, chúng tôi rời khỏi xóm trọ đặc biệt này, nhưng trong đầu vẫn còn canh cánh: Rồi mai đây em khỏi bệnh, về nhà với 3 miệng ăn và với kinh tế ở vùng quê Vân Hồ như em kể thì kiếm đủ ăn cho 3 người đã khó, còn việc trả nợ chưa biết đến bao giờ.