Sau khi nhận số tiền bồi thường hơn 7 tỷ đồng, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết, cuộc sống của gia đình không có gì thay đổi nhiều.
Trao đổi với PV Báo Giao Thông sau khi nhận được hơn 7 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai cho 10 năm ngồi tù, ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho hay, hàng ngày, công việc chính của ông vẫn xoay quanh vườn tược, chăn nuôi gà, lợn. Chiếc máy xát gạo tại nhà để không trong suốt 10 năm ông ngồi tù oan nay cũng được khởi động lại để ông tiếp tục công việc.
Ông Chấn trở về đời thường bên chiếc máy xát gạo.
Đòi lại quần áo, thùng đựng nước để… làm kỷ niệm
Khi được hỏi có cảm thấy thỏa đáng khi nhận số tiền hơn 7 tỷ đồng cho 10 năm trời đằng đẵng ngồi tù oan, ông Chấn nói: “Số tiền đó coi như cũng bù đắp một phần cho những mất mát của tôi và gia đình. 10 năm trong tù giống như 10 năm “ăn sương nằm đất” nên giờ sức khỏe của tôi rất yếu, nhiều bệnh tật chứ không được như xưa nữa. Tôi cũng sẽ dùng một phần số tiền đó chi trả cho việc chữa bệnh”.
Cũng theo ông Chấn, dù đã nhận đủ tiền bồi thường, nhưng vẫn còn một vướng mắc về vấn đề về pháp lý mà ông phải giải quyết. Đó là việc đòi lại những tài sản mà công an khi đó có lập biên bản nhưng lại không bàn giao sang VKS và tòa án, gồm một chiếc xe đạp cũ, một bộ quần áo cộc, một đôi thùng nhựa đựng nước.
Trước thắc mắc của PV liệu có phải ông đang cố tình làm khó cơ quan chức năng, bởi trước đó cơ quan chức năng cũng đã đề nghị định giá số tài sản trên để tính luôn vào tiền bồi thường nhưng ông không chịu, ông Chấn cho rằng, ông không hề làm khó cơ quan chức năng mà chỉ muốn đòi lại công bằng, bởi đó là những tài sản mà công an đã thu giữ trái phép của ông.
“Tôi đòi số tài sản đó không phải muốn làm khó cơ quan chức năng, cũng không phải đòi vì tiền, mà cái quan trọng nhất tôi muốn đòi là công bằng. Tôi muốn lấy lại những thứ là của tôi, dù giờ có khi không còn sử dụng được nữa, nhưng tôi muốn giữ lại những vật đó như đồ kỷ niệm”, ông Chấn chia sẻ.
Thực hư việc phủ nhận đã nhận tiền
Hỏi ông Chấn về số nợ mà gia đình đã vay mượn trong suốt thời gian đi kêu oan cho ông và kế hoạch dùng số tiền bồi thường ra sao, ông Chấn nói, cho đến giờ, ông vẫn không biết gia đình còn nợ bao nhiêu tiền. Số tiền bồi thường hiện vẫn gửi trong ngân hàng, cũng chưa có kế hoạch chi tiêu cụ thể.
“Nhưng chắc chắn tôi sẽ dùng số tiền đó để chi trả nợ nần, chữa bệnh và gây dựng lại kinh tế gia đình. Giờ đây, cuộc sống của tôi đã thanh thản hơn. Hằng ngày tôi lo công việc đồng áng, vườn tược, chăn nuôi, chiều thì đi đón cháu về và hưởng niềm vui bên vợ con, gia đình”, ông Chấn tâm sự.
Giữa tháng 10 vừa qua, sau khi có thông tin từ về việc tòa án đã trả toàn bộ số tiền bồi thường oan sai, rất nhiều PV đã liên lạc với ông Chấn để hỏi về thông tin này. Tuy nhiên, ông Chấn khi ấy vẫn khẳng định, chưa nhận được tiền bồi thường. Trong khi đó, bà Thân Thị Hải (người giúp gia đình ông Chấn đi kêu oan) và con gái ông Chấn lại xác nhận thông tin đã nhận được toàn bộ số tiền bồi thường, số tiền đó được chuyển vào tài khoản của bà Thân Thị Hải và đã được bà Hải bàn giao cho gia đình ông Chấn. Điều này khiến báo chí rất khó hiểu, bởi trước đó cách cư xử với báo chí của ông và gia đình hoàn toàn khác.
Lý giải về việc này, ông Chấn cho hay: “Khi đó tôi đang đi chữa bệnh và đến nhà anh em ở xa nên không biết đã nhận được số tiền bồi thường vì toàn bộ số tiền đó được chuyển vào tài khoản của bà Hải. Chỉ sau khi các phóng viên gọi điện tôi mới biết. Do tôi không biết đã nhận được nên tôi trả lời là chưa nhận được chứ không có ý gì cả”.
Ông Chấn cho biết thêm, sở dĩ gia đình ông nhờ tài khoản của bà Hải để chuyển tiền vì ông không có tài khoản, mặt khác bà Hải cũng là người hiểu biết, lại cùng gia đình ông kêu oan trong suốt 10 năm nên gia đình ông rất tin tưởng. Đến nay, bà Hải đã bàn giao lại toàn bộ số tiền cho gia đình ông Chấn.
Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra vào năm 2003. Khi đó tại thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, Bắc Giang xảy ra vụ án mạng, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan, chủ một cửa hàng tạp hóa. Cơ quan CSĐT đã bắt giữ ông Chấn và cho rằng, ông chính là hung thủ của vụ án. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó, mặc dù ông Chấn kêu oan nhưng vẫn bị quy tội “Giết người” và chịu mức án chung thân. Cuối năm 2013, khi hung thủ gây án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, ông Chấn chính thức được minh oan. Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Thanh Chấn tại địa phương. Sau khi được minh oan, gia đình và người thân ông Chấn bắt đầu hành trình đòi bồi thường án oan sai. Ban đầu, gia đình ông Chấn đòi 9,3 tỷ đồng, nhưng sau khi thỏa thuận, các bên thống nhất mức bồi thường 7,2 tỷ đồng. |