Ông chủ Facebook bị chỉ trích vì lòng tốt tỉ đô

Ngày 06/12/2015 16:09 PM (GMT+7)

Cuộc tranh cãi giữa “làm từ thiện hay làm chính trị” ngày càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Sau rất nhiều tỉ phú chi bộn tài sản làm từ thiện, mới đây ông chủ Facebook Mark Zuckerberg thông báo sẽ dành 99% cổ phần, khoảng 45 tỉ USD của hai vợ chồng để làm từ thiện nhằm phát triển “thế hệ tương lai” nhân dịp đón mừng sự chào đời của cô con gái đầu lòng. Bức thư của Zuckerberg gửi con gái làm xúc động hàng triệu người đọc, nhất là những chia sẻ của vị tỉ phú trẻ tuổi về thế hệ tương lai.

Công ty chứ không phải quỹ từ thiện

Tuy nhiên, sau tuyên bố của ông chủ Facebook, các hoài nghi về động cơ thiếu tích cực phía sau các quỹ từ thiện triệu đô như Bill & Melinda Gates Foundation (ra đời năm 2000 của tỉ phú Bill Gates) hay Chan Zuckerberg Initiative (ra đời năm 2015 của vợ chồng Zuckerberg) xuất hiện nhiều trên các diễn đàn tranh luận quốc tế. Jesse Eisinger, PV tờ ProPublica, người đồng thời góp mặt trên trang Wall Street and Finance, đã có bài xã luận nhan đề “How Mark Zuckerberg’s Altruism Helps Himself” (Tạm dịch: Sự nhân từ của Mark Zuckerberg đã giúp ích cho chính ông ấy như thế nào?). Jesse Eisinger khẳng định rằng: “Có thể bạn từng nghe Zuckerberg đã góp 45 tỉ USD để làm từ thiện  nhưng đó không phải là sự thật”.

Theo Jesse Eisinger, ông chủ Facebook đã dùng Chan Zuckerberg Initiative như một phương tiện đầu tư mang lại nhiều lợi ích cho chính bản thân ông ấy. Chan Zuckerberg Initiative (được tạo ra bởi 99% cổ phiếu mà cặp đôi tỉ phú đang sở hữu tại Facebook, trị giá gần 45 tỉ USD) không phải là một quỹ từ thiện phi lợi nhuận, theo Jesse Eisinger đó là một công ty TNHH - thứ sẽ giúp Zuckerberg thu về rất nhiều lợi ích to lớn, điển hình như hình ảnh ông chủ Facebook, các mối quan hệ xã hội… sẽ có lợi cho giá cổ phiếu Facebook.

Nhiều chuyên gia quốc tế giải thích Công ty Chan Zuckerberg Initiative có thể đầu tư vào những công ty lợi nhuận khác, hoạt động như thể các doanh nghiệp xã hội nhưng có thể cũng chỉ được bao bọc bởi lớp vỏ doanh nghiệp xã hội. Nếu tồn tại dưới hình thức một quỹ từ thiện, Chan Zuckerberg Initiative sẽ phải chịu giám sát bởi nhiều quy định, phải phân bổ một tỉ lệ nhất định tài sản của quỹ hằng năm. Trong khi một công ty TNHH Chan Zuckerberg Initiative vẫn sẽ do Zuckerberg toàn quyền quyết định tài sản, tính minh bạch. Nói cách khác, “về bản chất, tiền chỉ dịch chuyển từ túi này (Tập đoàn Facebook) sang túi khác (Công ty TNHH Chan Zuckerberg Initiative) của vợ chồng Zuckerberg mà thôi” - Jesse Eisinger nhấn mạnh.

Ông chủ Facebook bị chỉ trích vì lòng tốt tỉ đô - 1

Mark Zuckerberg và vợ vừa tuyên bố sẽ dành 99% cổ phần, khoảng 45 tỉ USD để làm từ thiện “cho thế hệ tương lai”. Ảnh: BLOOMBERG

Tranh luận nghĩa vụ đóng thuế

Có nhiều quan điểm tương đồng với Jesse Eisinger, cây bút John Cassidy của tờ The New Yorker có bài xã luận với nhan đề “Mark Zuckerberg and the Rise of Philanthrocapitalism” (tạm dịch: Mark Zuckerberg và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản từ thiện). Ngoài việc trình bày xu thế “tự thành lập quỹ từ thiện” của nhiều tỉ phú nổi tiếng trên thế giới trong những năm gần đây như Zuckerberg, Bill Gates, tác giả còn nhắc lại khái niệm Philanthrocapitalism vốn không phải quá xa lạ với những ai hoài nghi về bản chất của các “quỹ từ thiện” tỉ đô.

Theo đó, Jesse Eisinger hay John Cassidy và nhiều chuyên gia khác cho rằng thứ mà các tỉ phú tạo ra và gọi là quỹ từ thiện sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho chính bản thân họ về mặt chịu thuế, ví dụ các khoản thuế lãi vốn (capital gains tax), thuế gia tài (estate taxes) và các đóng góp nghĩa vụ khác với quốc gia. Jesse Eisinger dẫn lại nhận định của Victor Fleischer, một giáo sư luật và chuyên gia thuế tại ĐH San Diego School of Law, cho rằng nếu sau này Zuckerberg quy đổi cổ phiếu của họ trong công ty TNHH họ lập nên để lấy tiền (và tiêu xài) thay vì làm từ thiện, họ phải đóng thuế lãi vốn và thuế mua hàng lên đến hàng tỉ USD, nhất là khi cổ phiếu Facebook vẫn tăng giá. Lượng tiền thuế này sẽ được chuyển về ngân quỹ chính phủ phục vụ quốc gia.

Nếu vợ chồng Zuckerberg để tài sản của mình lại cho con cháu, người thân của họ thì sau khi họ qua đời, người thừa hưởng cũng phải chịu thuế gia tài. Nếu Zuckerberg bán cổ phiếu rồi hiến tặng số tiền đó cho một tổ chức từ thiện, ông ấy cũng sẽ phải chấp nhận một khoản khấu hao thuế lãi vốn như bất kỳ người nào. Tuy nhiên, Victor Fleischer cho rằng hành động khôn ngoan hơn của ông chủ Facebook có thể sẽ là tặng cổ phiếu của công ty mình đang ở mức giá cao để làm từ thiện. Điều này vừa giúp ông chủ Facebook tránh được thuế lãi vốn, vừa nhận được một khoản khấu hao thuế trên tổng giá trị cổ phiếu cho đi.

Chính Zuckerberg cũng thẳng thắn thừa nhận về hình thức Chan Zuckerberg Initiative là một công ty TNHH và chưa bao giờ cặp đôi tỉ phú nói rằng 45 tỉ USD sẽ được tặng làm từ thiện như cách hiểu khá truyền thống “từ thiện là của cho không”. Dù vậy, ông chủ Facebook phủ nhận các chỉ trích “né thuế”, đồng thời khẳng định vẫn sẽ đóng thuế khi bán cổ phiếu Facebook. Theo Zuckerberg, với thể thức là một công ty TNHH, Chan Zuckerberg Initiative sẽ có thể linh hoạt theo đuổi sứ mệnh từ thiện của mình; đồng thời hình thức công ty TNHH không mang lại lợi ích thuế cho ông chủ Facebook.

Hoài nghi động cơ chính trị

Quan điểm thứ ba của giới quan sát đó là Zuckerberg đang muốn thông qua Chan Zuckerberg Initiative để tạo ảnh hưởng chính trị, đặc biệt là khả năng tạo sức ép lên những nhà lập pháp. John Cassidy cho rằng các tổ chức như quỹ từ thiện Gates Foundation tự nhận rằng họ là tổ chức phi đảng phái, phi chính trị nhưng thực tế họ không hoàn toàn tách bạch khỏi chính trị. Với lượng tiền đóng góp lớn, nhiều chuyên gia bình luận quốc tế lo ngại những tỉ phú như Gates hay Zuckerberg sẽ tạo áp lực mạnh để có tiếng nói lớn hơn đối với việc hoạch định và thực thi chính sách nhà nước so với người bình dân.

Các thống kê của John Cassidy cũng cho thấy Gates hay Zuckerberg đã đổ nhiều tiền vào các trường công, trong đó điểm nhấn là các trường công theo cơ chế độc lập. Họ còn nỗ lực cải cách và đổi mới hệ thống trường học tại nhiều bang. Thế nên nhiều người hoài nghi tính định hướng chính sách của các tỉ phú đối với ngành giáo dục theo hướng có lợi cho họ. Đáp trả các nghi ngờ này, Zuckerberg thừa nhận Chan Zuckerberg Initiative sẽ tham gia vào các hoạt động tranh luận chính trị, tuy nhiên tất cả chỉ nhằm phục vụ mục đích tạo nên những tác động tích cực trong những lĩnh vực cần nhất mà người Mỹ quan tâm.

Còn nhớ hồi tháng 9-2015, trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Internet Mỹ-Trung lần thứ 8, Zuckerberg đã trò chuyện với người đứng đầu nền kinh tế thứ hai thế giới bằng tiếng Trung. Đặc biệt ông chủ Facebook còn mời ông Tập đặt tên cho đứa con đầu lòng nhưng ông Tập từ chối. Đây không phải là lần đầu Zuckerberg thể hiện thiện chí với lãnh đạo lẫn người dân Trung Quốc - thị trường béo bở mà Facebook cũng như bất kỳ mạng xã hội nào cũng mong muốn tìm đến (nhưng hiện bất thành). Điều đó cho thấy tham vọng của ông chủ Facebook không dừng ở những gì mà tập đoàn này đạt được hiện tại. Thế nên khi Zuckerberg định hướng Chan Zuckerberg Initiative tăng cường hoạt động trong lĩnh vực Internet, nhiều người lo lắng phía sau hoạt động từ thiện chính là việc mở rộng mạng lưới sử dụng Facebook.

Phải tỉnh táo và công bằng với ông chủ Facebook

Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của ông chủ Facebook với thế giới trong những năm qua. Zuckerberg đã quyên góp 100 triệu USD cho hệ thống trường học Newark; hiến tặng hàng trăm triệu USD để xóa bỏ đại dịch Ebola - hung thủ khiến hàng ngàn người chết ở châu Phi. Tuyên bố làm từ thiện của Zuckerberg đã đặt ra một tiêu chuẩn mới về việc làm từ thiện cho các tỉ phú, rằng việc đóng góp xây dựng xã hội không nhất thiết chỉ dành cho những người già mà đó là động lực thiện nguyện cho cả nhiều thế hệ. Dưới con mắt của những người làm chính trị hay có xu hướng chính trị, hành động của Zuckerberg còn quá nhiều hoài nghi. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng ở hoài nghi  và quá sớm để kết luận về Chan Zuckerberg Initiative. Giới quan sát vẫn cần thời gian để Chan Zuckerberg Initiative hoàn thiện, công bố cơ chế hoạt động và đóng góp của nó cũng như phải theo dõi sự phát triển của các dự án mà Zuckerberg “hứa sẽ làm”. Trong lúc đó, bằng cách nhìn lại những gì Zuckerberg đã làm cho xã hội, người ta vẫn có nhiều lý do hơn để tin vào một “thế hệ tương lai” được đầu tư đến nơi đến chốn như lời hứa của Zuckerberg với cô con gái đầu lòng.

Theo Thiên Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot