“Kể cả người dân hay Phó giám đốc sở... làm nhiệm vụ cứu dân, cứu nạn mà dũng cảm hy sinh đều xứng đáng được xem xét công nhận liệt sỹ".
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Bằng Toàn, Phó GĐ Sở LĐTBXH Nghệ An, trả lời PV sáng 2/10, về việc Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An tử nạn khi đưa hàng đi cứu trợ.
Như tin đã đưa, đêm 1/10, Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Nguyễn Tài Dũng dẫn đầu đoàn cứu trợ chuẩn bị 10 tấn mì tôm, 100 thùng nước khoáng đi ứng cứu khẩn cấp người dân bị ngập lũ ở thị xã Hoàng Mai. Tuy nhiên, trên đường đi, nước chảy xiết, xe bất ngờ chết máy và bị lũ cuốn trôi.
Đến 8 giờ 40 sáng nay (2/10), lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể ông Dũng cùng chiếc xe cách cầu Hoàng Mai gần 1 km.
Chiếc xe được cẩu lên cách cầu Hoàng Mai 1 km (Ảnh: Trần Thất)
Ông Nguyễn Bằng Toàn, Phó GĐ Sở LĐTBXH Nghệ An cho biết, có thông tin nói ông Dũng trên đường đi từ Hà Nội về bị nước cuốn trôi là không chính xác. Bởi ông Nguyễn Tài Dũng được Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An phân công đi cứu trợ tại vùng ngập lụt thị xã Hoàng Mai. Chiếc xe bị nước cuốn trôi vẫn còn mỳ tôm và nước uống mang đi cứu trợ.
“Chúng tôi sẽ xác minh nguyên nhân, địa điểm, thời gian tử nạn của Phó GĐ Sở Công Thương. Căn cứ vào cơ sở xác minh, nếu thấy đủ điều kiện, Sở sẽ hướng dẫn gia đình và cớ quan liên quan làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ với ông Dũng”, Phó GĐ Sở LĐTBXH Nghệ An nói.
Tuy nhiên, ông Toàn nhấn mạnh, đây chỉ là đề nghị xem xét công nhận, sau đó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và UBND tỉnh sẽ gửi hồ sơ đề nghị lên trung ương. Được công nhận hay không còn tùy vào các tiêu chí cụ thể do Bộ LĐTBXH và Chính phủ xem xét.
“Tôi nghĩ rằng, ai đi làm vụ cứu dân, cứu nạn cho dù là người dân hay Phó GĐ Sở... nếu dũng cảm hy sinh đều xứng đáng được đề nghị công nhân liệt sỹ”, ông Toàn bày tỏ.
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (2005) nêu: Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch; c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh; d) Làm nghĩa vụ quốc tế; đ) Đấu tranh chống tội phạm; e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; h) Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát. |