PGS Văn Như Cương kể chuyện từng bị 'ăn' roi

Ngày 26/06/2015 11:54 AM (GMT+7)

Gần đây, nhiều bậc phụ huynh “tá hỏa” trước hiện tượng con trẻ không nghe lời, vi phạm kỷ luật nhà trường, nói tục, chửi bậy… Không ít phụ huynh đã phải tăng cường rèn tính kỷ luật cho con, thậm chí mang đi “gửi” ở các chương trình, trại hè quân đội.

Tuy nhiên, theo chuyên gia giáo dục, dạy trẻ tính kỷ luật nên bắt đầu từ giai đoạn còn nhỏ.

PGS Văn Như Cương kể chuyện từng bị ăn roi - 1

Theo PGS Văn Như Cương, cần dạy tính kỷ luật cho trẻ từ sớm. Ảnh: Chí Cường

Rèn kỷ luật cho trẻ ngay từ nhỏ

Trẻ em cần được dạy dỗ, rèn luyện tính kỷ luật nhưng việc dạy trẻ tính kỷ luật thế nào, áp dụng ra sao mà không quá khắt khe và làm tổn thương trẻ... là mong muốn của không ít các bậc làm cha, làm mẹ hiện nay. Để tạo cho con tính kỷ luật, chấp hành các quy định của gia đình, nhà trường không phải là việc đơn giản, đây là vấn đề nhiều phụ huynh “loay hoay” đi tìm lời giải đáp. Nhất là trong bối cảnh học sinh hiện nay có ý thức kỷ luật chưa cao.

Lấy kinh nghiệm từ thực tiễn dạy con, cháu cũng như từ công tác quản lý nhà trường về tính kỷ luật, PGS Văn Như Cương cho rằng, nhà trường và gia đình chính là môi trường tốt nhất để giáo dục, uốn nắn con trẻ. Trong đó, gia đình là nền tảng tốt nhất, hình thành phẩm chất, nhân cách cho trẻ nên cần phải chú trọng giáo dục trẻ ngay từ trong gia đình. Cha mẹ phải làm chuẩn mực, làm gương cho các con để các con có thói quen tốt. Trẻ trong giai đoạn còn nhỏ sẽ chủ yếu học, làm theo người khác, chưa có ý thức phân biệt.

Vì vậy, rèn tính kỷ luật trong gia đình thực hiện càng sớm càng tốt, từ lúc trẻ mới hình thành hiểu biết. Lúc trẻ còn nhỏ cần phải dạy trẻ ăn, ngủ đúng giờ, biết đi, biết nói. Nếu trẻ thấy khát thì đòi uống nước hoặc tự đi lấy nước, rồi để cốc vào đúng vị trí… giai đoạn đầu tiên, vai trò của bố mẹ, gia đình hết sức quan trọng. Những điều nhỏ phải dạy trẻ từ nhỏ, bằng ngôn từ nhẹ nhàng, chắc chắn sẽ giúp trẻ hình thành một nhân cách trong sáng, đúng đắn. Nếu cha mẹ dùng roi vọt, hay chửi bới con thì sẽ chỉ tạo ra những đứa trẻ lệch lạc về nhân cách mà thôi.

“Khi trẻ lớn hơn một chút, trẻ sẽ được đi học mẫu giáo. Tại đây các cô dạy nhiều hơn về tính kỷ luật và tập thể. Trẻ sẽ biết đến lớp phải bỏ dép, bỏ ba lô đúng chỗ, biết chào cô, chào bố mẹ và ngồi đúng chỗ của mình. Tuy nhiên, nếp sinh hoạt có tính kỷ luật này lại thường bị bố mẹ lúc đón con về không duy trì ở nhà, mà để trẻ vứt dép, vứt đồ chơi tùy tiện. Thậm chí, có nhiều phụ huynh phó mặc cho người giúp việc ra sức chiều chuộng muốn làm gì thì làm. Giai đoạn này giữa gia đình, nhà trường thường không có sự tương đồng về giáo dục ý thức kỷ luật cho trẻ”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.

Nên hạn chế hình thức đuổi học

Cũng trong giai đoạn trẻ nhỏ, theo PGS Văn Như Cương, cần phải giáo dục ý thức cộng đồng, không vứt rác bừa bãi, không chơi đùa những nơi nguy hiểm, nói tục chửi bậy. Trên thực tế, môi trường giáo dục ở nhà trường hiện nay rất tốt, trẻ ít khi nói tục, chửi bậy trong phạm vi nhà trường vì sẽ bị nhắc nhở, thậm chí phạt. Thế nhưng, khi ra ngoài nhà trường học sinh lại nói tục một cách “vô tư”, tôi thấy điều này trẻ học được ở môi trường sống, thậm chí từ chính bố, mẹ mỗi lần con vi phạm điều gì đó là đánh chửi, cũng có nhiều phụ huynh trong bữa cơm còn cãi cọ, chửi nhau trước mặt con cái.

Thực tế hiện nay, đó là các ông bố, bà mẹ vì chiều chuộng con cái dẫn đến trẻ thiếu tính kỷ luật, PGS Văn Như Cương chia sẻ: Tôi không hiểu nổi vì sao mà ngày càng nhiều học sinh dùng đồ đắt tiền, có em dùng điện thoại đời mới mà tôi hỏi ra thì mới biết là nó trị giá cả chục triệu đồng. Nhiều phụ huynh có quan niệm trước đây mình khổ rồi nên bây giờ phải để con được sướng, chỉ cần con học bài là mọi thứ bố mẹ làm hết, bàn học cũng không cần để gọn gàng… thậm chí nhiều phụ huynh lo con mệt, con ốm mà không bắt con làm việc gì từ quét nhà, rửa bát cũng không biết.

Sự chiều chuộng thái quá của các bậc phụ huynh chỉ khiến con trẻ không bị “gò” vào kỷ luật, tùy tiện trong sinh hoạt, giờ giấc. Phụ huynh đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay, đụng chân làm bất kì việc gì, làm thế đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, lớn lên sẽ lười biếng, xem thường lao động.

Bàn về câu chuyện kỷ luật trong các nhà trường, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Hiện nay trong các nhà trường đều có những quy định đối với từng học sinh, nhờ đó mà các em có thêm ý thức chấp hành kỷ luật của nhà trường. Đối với những em vi phạm, tùy theo mức độ có thể là nhắc nhở, viết kiểm điểm, hay thậm chí đình chỉ học tập. Tuy nhiên, với các hình thức kỷ luật cần phải được xem xét thấu đáo, đúng tình huống, bản chất của sự việc ở mức độ nào. Nên hạn chế hình thức đuổi học, vì trẻ còn nhỏ vô tình đẩy ra ngoài xã hội sẽ dễ vướng vào tệ nạn xã hội. Cần giáo dục các em nhận thức khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm để trở thành một học sinh tốt, không tái phạm”.

“Ngày xưa, bố tôi cũng là nhà giáo nên cụ rất nghiêm khắc. Với những nguyên tắc từ cụ, tôi đã có những nguyên tắc cho con cái trong gia đình. Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ có lần tôi bị cụ bắt nằm sấp xuống giường, cho mấy roi, đồng thời cụ nói về lý do vì sao mà bị phạt, để tôi không tái phạm. Tuy nhiên, tới thời tôi thì không thể làm thế, tôi dạy các con nghiêm khắc theo những nguyên tắc nhất định. Ngay từ nhỏ, các con của tôi đã được dạy tính tiết kiệm, tránh lãng phí, phải có ý chí trong học tập, rèn luyện bản thân”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.

Theo Quang Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự