Phải dùng “mưu kế” đưa trẻ nhiễm HIV đến trường

Ngày 02/12/2014 08:16 AM (GMT+7)

Có phụ huynh biết con mình “đang ngồi chung lớp với đứa nhiễm HIV” đã phản ứng dữ dội, nhất quyết đòi chuyển lớp cho con, mặc dù thế giới chưa từng ghi nhận trường hợp lây nhau nào từ trẻ sang trẻ.

Mặc dù nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai nhưng vẫn còn đó những kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Đặc biệt con đường đến trường của những đứa trẻ này vẫn còn rất nhiều gập ghềnh trắc trở.

Phải dùng “mưu kế” đưa trẻ nhiễm HIV đến trường - 1

Trẻ nhiễm HIV đang được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Linh Xuân (TPHCM)

Trẻ nhiễm HIV bị từ chối quyền đến trường

Theo mục tiêu được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, phấn đấu 90% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định;

Phấn đấu 90% cơ sở trợ giúp, chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Bên cạnh đó, 100% trường học tạo cơ hội cho trẻ em được đi học theo nhu cầu.

Thế nhưng, qua các số liệu của nghiên cứu về chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam do Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam thực hiện cho thấy, người nhiễm HIV đang phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

Có khoảng 3% người nhiễm HIV và 4% trẻ em là con của người nhiễm HIV đã bị từ chối không được đi học.

BS Đào Thị Huê, Phó giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Linh Xuân, nơi tiếp nhận trẻ mồ côi, bỏ rơi nhiễm HIV tại TPHCM chia sẻ, hiện Trung tâm đang chăm sóc 127 trẻ nhiễm HIV, trong đó trẻ lớn nhất đã được 17 tuổi.

Các cháu đến tuổi đến trường đều được học tại trung tâm từ lớp 1 đến lớp 3, từ lớp 4 trở lên các cháu sẽ được học hòa nhập ở các trường công lập. Thế nhưng, để đưa được các cháu có thể học hòa nhập tại trường là cả một chặng đường gian nan.

Dùng "mưu kế" đưa trẻ nhiễm HIV đến trường

Lãnh đạo, nhân viên, giáo viên Trung tâm cùng với các em nhiễm HIV đã phải tốn bao công sức, nước mắt, thậm chí phải dùng “mưu kế” để đạt được mục đích cuối cùng là cho các em nhiễm HIV có quyền được đến trường.

Theo lãnh đạo Trung tâm, ban đầu việc vận động các trường bên ngoài chấp nhận các em là hết sức khó khăn, có lúc tưởng chừng thất bại. Đến khi nhà trường đồng ý tiếp nhận rồi thì Trung tâm phải phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương giữ kín hồ sơ về các em nhiễm HIV, tránh tâm lý hoang mang cho các em học sinh khác.

Thậm chí, các em trong Trung tâm còn phải giả vờ là có cha mẹ làm việc trong quận, các cô bảo mẫu trong Trung tâm đóng vai mẹ đưa đón các em đi học, đồng thời nghe ngóng dư luận và phản ứng của phụ huynh.

Đã có trường hợp phụ huynh biết là con mình “đang ngồi chung lớp với đứa nhiễm HIV” đã phản ứng dữ dội, nhất quyết đòi chuyển lớp cho con.

Không biết bao nhiêu ngày các chị trong Trung tâm phải lặn lội đi thuyết phục các trường phổ thông trên địa bàn, phối hợp cùng Trung tâm chỉ để giúp các cháu được tiếp tục đi học.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng nhóm Nắng Mai - nơi tập hợp các bạn tuyên truyền và giúp đỡ người nhiễm HIV cho biết, có trẻ nhiễm HIV phải trải qua ba lần đi xin học mới được tiếp nhận.

Nhiều trường đồng ý nhận nhưng khi biết được cha qua đời vì bệnh AIDS, họ đã trả bé về cho mẹ. Cho đến khi đến trường khác, gia đình phải khai cha bé qua đời vì bệnh lao mới được nhận vào học.

Mặc dù công tác truyền thông đã được làm rất tích cực nhưng vẫn còn không ít phụ huynh tồn tại những suy nghĩ: Không thể để con mình ở chung với trẻ nhiễm HIV vì sẽ bị lây.

Trong khi, kể từ khi phát hiện HIV/AIDS trên toàn thế giới đến nay, chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ em nào có nhiễm HIV lây cho trẻ em khác qua tiếp xúc hay sinh hoạt bình thường.

Ước mơ được đến trường của trẻ nhiễm HIV là chính đáng. Bản thân các em không có lỗi khi phải mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ do bố mẹ truyền sang. Tuy nhiên, vì những suy nghĩ sai lệch và kỳ thị, việc trẻ nhiễm HIV được đến trường vẫn còn quá vất vả.

TP.HCM: 4.000 trẻ nhập cư, khó khăn, bị ảnh hưởng bởi HIV được hỗ trợ

Để góp phần bảo vệ quyền của trẻ thuộc các gia đình nhập cư có hoàn cảnh khó khăn, Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM đã tổ chức lễ triển khai dự án “Quyền của trẻ em nhập cư có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM”.

Theo đó, dự án có tổng giá trị hơn 9,7 tỷ đồng với sự tài trợ của Hội Hữu nghị Đan Mạch - Việt Nam được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 1.2014 – 10.2017) tại 4 quận, huyện trên địa bàn thành phố có đông trẻ và gia đình nhập cư tại quận 7, 8, Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Dự án sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, cung cấp dịch vụ thực hiện các quyền của trẻ em nhập cư có hoàn cảnh khó khăn như giáo dục cơ bản và đào tạo nghề cho trẻ; thực hiện các hoạt động, cung cấp dịch vụ hỗ trợ phục hồi về mặt xã hội cho trẻ và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, dự án sẽ triển khai các hoạt động như: giáo dục cơ bản, đào tạo nghề, cung cấp dịch vụ hỗ trợ phục hồi về mặt xã hội, chăm sóc sức khỏe, cấp chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn…

Ngoài ra, dự án cũng thực hiện các hoạt động tham vấn, hỗ trợ cơ bản, tập huấn kiến thức cơ bản về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản vị thành niên và phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ.

Theo An Nhiên
Nguồn: Infonet

Tin liên quan