Phải làm gì để trẻ không phải nhập viện khi nắng nóng?

Ngày 03/06/2016 00:13 AM (GMT+7)

Trước tình trạng trẻ nhập viện do năng nóng tăng cao, Bộ Y tế đã có khuyến cáo cho người dân nhằm phòng tránh các bệnh nguy hiểm mùa nắng nóng.

Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ  gây bị nhiễm lạnh; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp.

Ngoài ra, môi trường nắng nóng còn tạo điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…

Điển hình trong những ngày vừa qua, nắng nóng đã khiến trẻ nhập viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên nhanh chóng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 mỗi ngày có khoảng 6.500 đến hơn 7.000 trẻ được phụ huynh đưa đến. Trong đó, trẻ bị hô hấp khoảng 250 trẻ một ngày, trẻ bị tay chân miệng khoảng 148 trẻ một ngày. Riêng các bệnh nhi liên quan đến sốt xuất huyết khoảng 130 trẻ một ngày… Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại bệnh viện Nhi Đồng 1.

Phải làm gì để trẻ không phải nhập viện khi nắng nóng? - 1

(Ảnh minh họa)

Còn tại Hà Nội, hiện tại mới là thời điểm bắt đầu mùa nắng nóng, nên tại các bệnh viện và khoa nhi các bệnh viện số lượng trẻ chưa có biến đổi nhiều. Tuy nhiên, do thời tiết mưa, nắng thất thường nên số lượng trẻ nhập viện liên quan đến hô hấp và tiêu hóa gia tăng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, BS Nguyễn Văn Thường  -Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên thời điểm nắng nóng là số lượng bệnh nhi nhập viện bắt đầu gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.

“Bệnh về đường hô hấp chiếm tỷ lệ khá cao, vì ngoài thời tiết nắng nóng, nhiều phụ huynh còn sử dụng các thiết bị điện không đúng cách, như việc sử dụng điều hòa với mức nhiệt chênh lệch quá cao so với nhiệt độ bên ngoài, dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị bệnh về đường hô hấp, viêm phổi.

Ngoài ra, với điều kiện thời tiết nắng nóng, các loại đồ ăn, thực phẩm dễ bị ôi thiu, bởi vậy nếu không chú ý khi trẻ ăn vào sẽ mắc các bệnh về tiêu hóa, nhẹ thì rối loạn, nặng thì tiêu chảy cấp...”, BS Thường phân tích.

Trước thực trạng trên, đồng thời để người dân phòng tránh các căn bệnh khi thời tiết nắng nóng, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.

Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự