Phạt nặng 2 cửa hàng tăng giá bán khẩu trang, nếu đầu cơ bị phạt tù lên đến 7 năm

Ngày 01/02/2020 10:30 AM (GMT+7)

Việc bán tăng giá khẩu trang khi có dịch là vi phạm pháp luật, thậm chí nếu tăng giá có tổ chức còn phạm tội hình sự và phải đi tù.

Hai cửa hàng bị phạt nặng, thu giữ hàng trăm chiếc khẩu trang

Trước tình trạng tăng giá bán bán khẩu trang vì dịch bệnh do virus corona có diễn biến phức tạp, tối 31/1, Phòng Cảnh sát kinh tế (CA TP Hà Nội), phối hợp với Quản lý thị trường đã kiểm tra 1 số cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế có dấu hiệu đẩy giá khẩu trang nhằm trục lợi.

Tại cửa hành kinh doanh thiết bị y tế tại 120 Ngọc Khánh, tổ công tác đã phát hiện cửa hàng này bán khẩu trang với giá 130.000-220.000 đồng/hộp (giá bình thường là 50.000/hộp). Sau khi kiểm tra, tổ công tác đã tạm giữ gần 700 chiếc khẩu trang chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Còn tại cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế số 118 Ngọc Khánh, đại diện cửa hàng khai báo nhận trong ngày 31/1 đã bán ra 134 hộp khẩu trang y tế với giá cao gấp 6-7 lần bình thường (khoảng 300.000 -350.000 đồng/hộp). Đây cũng là loại khẩu trang bình thường được bán với giá 50.000 đồng/hộp. Sau khi kiểm tra cửa hàng, tổ công tác đã thu giữ 266 chiếc khẩu trang chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ.

Phạt nặng 2 cửa hàng tăng giá bán khẩu trang, nếu đầu cơ bị phạt tù lên đến 7 năm - 1

Cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện việc bán khẩu trang tăng giá tại cửa hàng 118 Ngọc Khánh.

Sau khi kiểm tra, tổ công tác xác định chủ hai cơ sở kinh doanh thiết bị y tế số 118 và 120 phố Ngọc Khánh đã có hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường... để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý được quy định tại Điều 17, Nghị định 109 của Chính phủ.

Tổ công tác liên ngành đã lập biên bản, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hai cơ sở này. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 109 - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, chủ cửa hàng còn phải nộp vào ngân sách số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán bất hợp lý.

Được biết, không chỉ có 2 cửa hàng trên, tại nhiều địa phương trên cả nước các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, quầy thuốc đều đẩy giá khẩu trang, thậm chí ém hàng khiến mặt hàng này khan hiếm, nhiều người dân không thể mua được.

Bán khẩu trang trong trường hợp nào sẽ phải đi tù

Cũng liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng LS Tinh Thông Luật (Hà Nội) cho biết, khẩu trang y tế được xem là mặt hàng cơ bản, thiết yếu để người dân phòng chống dịch bệnh Corona. Hiện nay, tại các nơi bán với giá rất cao gấp chục lần so với bình thường gây hoang mang xã hội. Việc làm này đã vi phạm Luật giá năm 2012.

Phạt nặng 2 cửa hàng tăng giá bán khẩu trang, nếu đầu cơ bị phạt tù lên đến 7 năm - 2

Việc đầu cơ khẩu trang y tế khi có dịch bệnh còn bị phạt tù.

Luật giá năm 2012 nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các hành vi: Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý…

Ngoài ra, việc bán khẩu trang tăng giá còn vi phạm Điều 17, Nghị định 109 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn xử phạt đối với Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Với vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000. Biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Về hình sự, theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với Tội đầu cơ, việc lợi dụng dịch bệnh đầu cơ hàng hóa nhằm bán lại thu lời bất chính có thể bị phạt lên đến hàng tỷ đồng, hoặc có thể bị đi tù.

Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với Tội đầu cơ:

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b)Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Cập nhật virus Corona: Đã có gần 12.000 ca nhiễm, thêm 45 người tử vong trong 1 ngày
Dịch viêm phổi do virus Corona được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Đến nay đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố và gần 20 quốc gia...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19