Lễ viếng và truy điệu 2 phi công sẽ do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức tại TP HCM ngày 3-5, sau đó đưa về quê nhà an táng theo nguyện vọng của gia đình
Đúng nửa tháng sau ngày 2 máy bay tiêm kích Su-22 của Trung đoàn Phòng không - Không quân 937 gặp nạn khi đang luyện tập trên vùng trời đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) hôm 16-4, thi thể đại úy phi công Nguyễn Anh Tú đã được tìm thấy và đưa về đất liền để mai táng. Trước đó, ngày 28-4, thi thể trung tá Lê Văn Nghĩa cũng được tìm thấy cùng chiếc máy bay bị nạn.
Khoảng 12 giờ ngày 1-5, quan tài của đại úy Nguyễn Anh Tú được xe chuyên dụng của Trung đoàn Phòng không - Không quân 937 đưa về với gia đình ở chung cư C5, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Từ sáng sớm, căn phòng của gia đình anh Tú rộng chưa đến 60 m2 trên tầng 4 chung cư đã có rất đông bạn bè, hàng xóm, người thân chờ đón.
Ông Nguyễn Văn Thi, cha của anh Tú, suy sụp hẳn từ ngày biết con trai khó có khả năng sống sót. Dù vậy, ông vẫn cố tỏ ra bình tĩnh. “Gia đình đau lắm nhưng cũng cảm thấy được an ủi vì Tú đã làm tròn bổn phận một người lính, vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Ơn trời, nhờ đồng đội nên thi thể của Tú được tìm thấy, vậy là ấm lòng...” - ông Thi nói, mắt đỏ hoe, ngấn nước.
Chị Oanh, vợ anh Tú, từ khi nhận được tin thi thể của chồng được tìm thấy đã liên tục ngất xỉu. Không ăn uống, chị nằm vùi trong phòng, khóc nấc từng cơn như người vô hồn. Khi chiếc xe đưa thi thể anh Tú về đỗ trước sân chung cư, chị Oanh ngất lịm. Khi tỉnh lại, chị liên tục kêu khóc, gọi tên chồng. Nhiều bạn bè của chị và đồng nghiệp của anh Tú phải cố gắng an ủi, vỗ về.
Xe cứu thương của Trung đoàn Phòng không - Không quân 937 đưa thi thể phi công Nguyễn Anh Tú về thăm nhà Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Tội nghiệp nhất là bé Chíp, 3 tuổi, con trai của vợ chồng anh Tú. Đôi mắt thơ ngây của bé cứ ngơ ngác nhìn từng người trong đám đông đến viếng tang cha. Thỉnh thoảng, Chíp lại nhõng nhẽo đòi bế xuống tầng trệt để mua bánh kẹo...
Hơn 13 giờ, sau khi hoàn tất nghi lễ rước di ảnh của đại úy phi công Nguyễn Anh Tú để bạn bè, người thân viếng tiễn biệt, quan tài của anh được Trung đoàn Phòng không - Không quân 937 đưa vào TP HCM để thực hiện nghi thức lễ tang.
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, cho biết lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy cả 2 hộp đen của 2 chiếc Su-22 số hiệu 5857 và 5863. Do 2 hộp đen bị ngâm dưới nước biển lâu ngày nên việc giải mã chi tiết thông tin sẽ có những khó khăn. Tuy nhiên, dựa vào kết quả tìm kiếm, trục vớt thi thể phi công cũng như các bộ phận của máy bay, cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng sẽ sớm có kết quả chính xác nhất về nguyên nhân tai nạn.
Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết lễ viếng và truy điệu 2 phi công sẽ do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức tại TP HCM vào ngày 3-5, sau đó đưa về quê nhà an táng theo nguyện vọng của gia đình. Quân đội cũng đang xem xét quyết định phong từ trung tá lên thượng tá đối với liệt sĩ phi công Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1, nguyên phó trung đoàn trưởng) và truy phong từ đại úy lên thiếu tá đối với liệt sĩ phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, nguyên phi đội phó phi đội 1), đều thuộc Trung đoàn Phòng không - Không quân 937.
Chu đáo với vợ con, cha mẹ Nhà báo Trần Văn Thanh - hàng xóm của phi công Nguyễn Anh Tú - cho biết anh sống khá giản dị và rất chu đáo với vợ con, cha mẹ. Thường sau mỗi chuyến bay tập luyện, anh Tú luôn gọi điện về nhà cho người thân yên tâm. “Trưa 16-4, cả nhà chờ mãi mà không có điện thoại của Tú. Sau đó, đơn vị báo tin máy bay bị rơi. Đã tiên liệu có chuyện chẳng lành nhưng cha của Tú - vốn là thủy thủ tàu viễn dương, khí chất cứng rắn - nên khá bình tĩnh trước hung tin này” - nhà báo Trần Văn Thanh nhớ lại. |