Sáng 28/1 (tức 23 tháng Chạp), người dân tại TP. HCM đã mang cá ra khu vực các con sông, kênh để thả nhằm tiễn ông Táo về trời theo quan niệm dân gian. Bên cạnh một số người dân đến thả cá phóng sinh, có không ít người chuẩn bị sẵn vợt, lưới để... bắt lại cá.
Theo ghi nhận sáng 28/1, tại khu vực chân cầu Sài Gòn (quận 2, TP.HCM), rất đông người dân đã có mặt để thả cá phóng sinh. Chỉ trong sáng nay, số lượng cá được thả đã lên đến hàng nghìn con các loại. Nhiều gia đình dẫn con theo để các bé tự tay thả cá xuống sông.
Người dân mang theo các tô, chậu để thả cá, bên cạnh việc sử dụng bao nylon.
Người dân thả cá tại sông Sài Gòn.
Theo người dân, việc phóng sinh chim, cá đã trở thành thói quen mỗi dịp Tết đến xuân về, các ngày lễ… để tu nhân tích đức và cầu mong những điều tốt đẹp.
Có không ít cá chết, nổi lên mặt nước sau khi thả
Một người đàn ông còn mang theo nhang để khấn tại cầu Sài Gòn sau khi đã thả cá
Ông Tâm (52 tuổi, quận 2) cho biết : “Tôi chọn thả cá ở sông Sài Gòn vì nước sạch hơn ở các kênh”.
Tro hóa vàng cũng được rải xuống sông
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số điều chưa đẹp mắt, đó là một số người đã mang theo chài để quăng hoặc thả câu bắt cá lên bán lại cho những người có nhu cầu mua cá phóng sinh. Nhiều người tận dụng cơ hội, bán cá phóng sinh với giá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn 1 bộ phận chưa ý thức được ý nghĩa của việc phóng sinh nên đã mang chài lưới đến bắt cá, bán lại cho người có nhu cầu phóng sinh.
Anh Lâm Vũ (26 tuổi, kỹ thuật viên) ngán ngẩm cho biết: “Người thì phóng sinh, kẻ thì câu vớt, vậy còn gì là ý nghĩa nữa? Mọi người phải có ý thức, kiếm tiền thì kiếm quanh năm. Chứ đây là dịp lễ, tết, đi vớt cá phóng sinh mà kiếm tiền sao thấy khó coi quá ”.
Thả cá phóng sinh nhân dịp tiễn ông Táo về trời là 1 truyền thống lâu đời của dân tộc. Nó mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tuy vậy để duy trì truyền thống này, người dân cần phải ý thức bảo tồn và tránh những hành động tiêu cực kể trên.