Tết Nguyên Đán là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người Việt vào mỗi năm. Trong dịp Tết, có rất nhiều những phong tục độc đáo vẫn còn được giữ gìn và duy trì suốt nhiều thế hệ, ít người biết đến.
Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng của người Việt Nam. Đây là dịp để mọi người có thể về sum họp bên gia đình, tận hưởng không khí ấm áp trong những ngày đầu Xuân năm mới, cầu mong mọi thứ tốt đẹp và nhiều may mắn.
Trong ngày Tết, có rất nhiều phong tục độc đáo được lưu truyền từ xa xưa và vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Chúng không thể thiếu và là nét đẹp văn hóa quan trọng, giúp ngày Tết trở nên có ý nghĩa, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Sau đây là một số phong tục độc đáo ngày Tết Việt Nam của bà con các dân tộc thiểu số trên khắp đất nước ta:
1. Phong tục vỗ mông tỏ tình của người H'Mông
Đối với nhiều người, vỗ mông người khác giới là hành động vô cùng khiếm nhã, có thể bị coi là quấy rối tình dục. Thì đây lại là phong tục ngày Tết rất độc đáo của bà con dân tộc H’Mông. Cứ vào mùng 2 Tết Nguyên Đán, người H’Mông lại tham gia vào lễ hội Sán Sán, bên cạnh các hoạt động vui chơi giải trí, những cặp đôi trai gái nếu như yêu thích lẫn nhau thì sẽ vỗ mông để thay cho lời tỏ tình và đáp lại. Đến khi cả hai người đã vỗ mông lẫn nhau đủ 9 lần, có thể ngầm hiểu hai người đã chấp nhận nhau.
2. Phong tục ăn trộm lấy may của người Lô Lô
Người Lô Lô ở Hà Giang có quan niệm rằng, nếu vào ngày Tết mà lấy được thứ gì về nhà sẽ giúp đem lại may mắn, ấm no cho năm tiếp theo. Vậy nên họ thường hay lấy trộm một số món đồ để cầu may, tất nhiên sẽ không lấy nhiều, chỉ lấy vừa đủ và lấy những thứ ít có giá trị để mang tính tượng trưng. Điều đặc biệt của phong tục độc đáo ngày Tết này của người Lô Lô, đó là họ sẽ đi lấy trộm vào đúng đêm giao thừa, tất cả sẽ lặng lẽ mà làm, không ai bảo ai hết.
3. Phong tục gọi trâu về ăn Tết của người Mường
Tết Nguyên Đán cũng là ngày lễ vô cùng quan trọng của người dân tộc Mường. Ngoài việc gói bánh, làm thức ăn ngon để kính dâng lên tổ tiên và các vị thần linh. Người Mường còn có một phong tục độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của họ. Khi trước Tết khoảng mấy ngày, người dân sẽ dùng chiêng và mõ để gõ nhằm gọi vía trâu. Người Mường tin rằng, đây là cách để họ trả ơn cho những vật nuôi đã giúp họ ấm no trong năm qua.
Ngoài việc gõ chiêng, người Mường còn treo lên mình chú trâu những công cụ phục vụ sản xuất như cày, bừa,... để mời trâu về ăn Tết, hưởng lộc với các thành viên trong gia đình.
4. Phong tục gọi hồn ăn Tết của người Thái
Đây là phong tục độc đáo ngày Tết Việt Nam của bà con dân tộc Thái nước ta, thường được diễn ra vào ngày 29 và 30 Tết. Khi này mỗi gia đình sẽ làm thịt 2 con gà dùng để cúng tổ tiên và gọi hồn người thân đã khuất về ăn Tết với gia đình.
Thầy cúng trong làng sẽ là người chịu trách nhiệm gọi hồn. Đầu tiên thầy cúng sẽ lấy ra những chiếc áo của tất cả các thành viên trong gia đình rồi buộc lại với nhau. Sau đó thầy cúng sẽ cầm một cây than củi còn nóng đỏ rực và liền ra đầu làng để gọi hồn. Sau từ 2 đến 3 lần gọi, thầy cúng sẽ quay về nhà của gia chủ để tiếp tục gọi hồn thêm một lần nữa dưới chân cầu thang. Khi kết thúc việc gọi hồn, thầy cúng sẽ buộc một sợi chỉ màu đen lên tay của các thành viên trong gia đình nhằm xua đuổi tà ma, quỷ dữ trong năm mới.
5. Phong tục bắt chồng đầu năm của người Churu
Đây là phong tục độc đáo ngày Tết Việt Nam của người dân tộc Churu. Trong thời điểm dịp Tết vô cùng ấm áp, tràn đầy không khí vui tươi, thì các chàng trai và cô gái nếu có tình ý với nhau thì sẽ ra hiệu cho nhau. Vào ngày tốt lành trong năm mới, các cô gái sẽ cùng với người trong nhà mang sính lễ đến nhà chàng trai để ngỏ ý cầu thân. Nếu như cha mẹ chàng trai đồng ý thì coi như cả hai chính thức thành vợ chồng, còn nếu không thì cha mẹ chàng trai sẽ từ chối khéo để không mất lòng nhà gái.
Trước khi diễn ra đám cưới 1 ngày, buôn làng nơi mà cô gái và chàng trai khi này đã thành một đôi sẽ tổ chức “đêm bắt chồng”. Mẹ của cô gái sau khi đã cho của hồi môn và dặn dò con gái xong sẽ trùm khăn lên đầu cô dâu, thắt khăn để cột chú rể vào với cô dâu. Lễ cưới khi này coi như đã được diễn ra và hoàn tất. Sau 7 ngày, hai vợ chồng tháo nhẫn và đưa cho mẹ của người kia nắm giữ. Chàng trai sẽ phải ở rể tại nhà gái trong năm đầu tiên, sau đó cô gái mới về nhà chàng trai để làm trọn đạo con dâu.
6. Phong tục Tết nhảy của người Dao
Tết là thời điểm để mọi người nghỉ ngơi, tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí trong năm mới. Người Dao có một phong tục giải trí vô cùng thú vị, có tên là Tết nhảy. Tại đây, mọi người sẽ cùng nhau nhảy múa, ca hát bất kể ngày lẫn đêm, cứ mệt thì nghỉ ngơi sau đó hồi sức thì lại tham gia nhảy tiếp. Cứ thể mọi người nhảy nhót cho đến khi hết Tết thì mới thôi. Người Dao quan niệm rằng, việc làm này sẽ giúp rèn luyện thể chất, cơ thể dẻo dai để chuẩn bị cho những vụ mùa mới tiếp theo.
7. Phong tục cướp giọng gà của người Pu Péo
Đây là phong tục vô cùng thú vị và độc đáo của người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang. Vào thời khắc giao thừa, người dân sẽ canh xem khi nào những chú gà trống cất tiếng gáy. Đến khi gà trống vỗ cánh chuẩn bị gáy, người dân sẽ ném vào chuồng những quả pháo nổ. Ngay khi pháo nổ, lũ gà trống sẽ chạy tán loạn, mọi người khi đó sẽ đồng loạt hò hét để át đi tiếng gà kêu ầm ĩ.
Phong tục này được người Pu Péo quan niệm rằng, tiếng gà gáy dùng để đánh thức Mặt Trời, chào đón ngày mới. Nếu như cướp được tiếng gà gáy, điều đó sẽ giúp gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, ấm no hơn trong năm mới.
8. Phong tục xem bói gan lợn đầu năm của người Hà Nhì
Đối với người dân tộc Hà Nhì, họ không có ngày Tết rõ ràng và cụ thể. Tất cả sẽ do trưởng bản, già làng cùng nhau họp để thống nhất ngày ăn Tết. Khi ngày Tết diễn ra, mỗi gia đình sẽ phải làm thịt một con lợn và cúng dâng lên tổ tiên cùng các vị thần linh, không phân biệt gia đình giàu nghèo, ai ai cũng sẽ phải cúng lợn để đón năm mới.
Những con lợn để mổ đều phải là lợn đực. Khi mổ lợn để lấy thịt, người Hà Nhì sẽ giữ lại phần lá gan nguyên vẹn để xem bói đầu năm. Nếu như lá gan khi lấy ra còn nguyên màu sắc, lành lặn không tì vết, mật lợn căng đầy thì tức là năm đó người dân làm ăn tốt, sang năm mới sẽ gặp nhiều thuận lợi và may mắn, gia đình êm ấm.