Tục này bắt đầu từ mùng 1 Tết Nguyên đán cho đến hết tháng 3 Âm lịch, dành cho các thiếu nữ dân tộc Cơ Ho, Chu Ru, Cil…
Xưa nay người ta chỉ biết đến tục “bắt vợ” của người đồng bào dân tộc phía Bắc mà ít biết rằng vùng Tây Nguyên cũng có phong tục… “bắt chồng” vô cùng độc đáo. Tục này bắt đầu từ mùng 1 Tết Nguyên đán cho đến hết tháng 3 Âm lịch, dành cho các thiếu nữ dân tộc Cơ Ho, Chu Ru, Cil…
Người đồng bào thuộc các dân tộc trên ở Tây Nguyên vốn sống theo chế độ mẫu hệ. Họ khác với cách sống của người Kinh, khi thiếu nữ đến tuổi lập gia đình, phải làm lễ vật đi hỏi chồng với chi phí tốn kém. Song với những ai nghèo khó, không đủ tiền để làm đám cưới chỉ cần dệt cho mình 3 chiếc khăn thổ cẩm để làm lễ vật đem sang nhà trai.
Theo đó, khi ưng ý và “thầm thương trộm nhớ” một chàng trai ở buôn nào đó, cô gái dân tộc sẽ về thông báo với gia đình. Sau đó vào ban đêm, khi tất cả đang say giấc, cô gái cùng 10 người thân trong gia đình sẽ đến nhà trai. Cô gái sẽ đeo nhẫn vào tay người mình yêu trong đêm khuya tĩnh mịch.
“Nhiều người ghé đến Tây Nguyên chơi dịp gần Tết Nguyên đán nghe già làng kể về tục này đã vô cùng ngỡ ngàng. Họ không ngờ ở đây có chuyện gái “bắt chồng” như vậy. Thậm chí có người còn thắc mắc việc gia đình nhà gái “đột kích” nhà trai trong đêm như vậy có quá đường đột hay không?
Người đồng bào thuộc các dân tộc trên ở Tây Nguyên vốn sống theo chế độ mẫu hệ.
Thực sự nhà trai luôn niềm nở đón khách. Sau đó cô gái dâng 3 tấm khăn được gấp gọn lên phía trước. Xong xuôi, trưởng đoàn trịnh trọng đứng lên xin thưa với nhà trai chuyện cháu gái họ đã để ý và đem lòng yêu thương chàng trai, mong gia đình chấp nhận. Nếu cha mẹ chàng trai đồng ý, sẽ vào gọi con trai ra và hỏi ý kiến con trước khi trả lời nhà gái”, Cà L’Ngọc (32 tuổi) – người dân tộc Cơ Ho ở Lâm Đồng cho biết.
Chàng trai không thích cô gái có thể tháo nhẫn trả lại ngay đêm hôm đó. Song 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai. Họ cứ thế lặp đi, lặp lại cho đến khi nào chàng trai thương và chấp nhận thì đám cưới diễn ra.
Thực tế những đám “bắt chồng” ở Tây Nguyên đều thành công ngoài mong đợi. Bởi nam nữ đã có dịp tìm hiểu và yêu thương trước khi quyết định kết hôn. Tục “bắt chồng” chỉ là một cái cớ để những cô gái nhà nghèo có thể kiếm được tấm chồng ưng ý, xuất phát từ tình cảm chân thành mà thôi.
“Trước cưới 1 ngày, toàn bộ người trong buôn làng sẽ tổ chức “đêm bắt chồng”. Và sau màn dặn dò và chia của hồi môn, mẹ cô gái trùm, thắt khăn cột đôi bạn trẻ lại với nhau. Việc này là một nghi thức quan trọng cầu cho cặp đôi hạnh phúc, luôn sát cánh bên nhau trong trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hôn nhân”, người phụ nữ nói.
Đến ngày cưới chính, cặp đôi lấy nhẫn ra rồi đeo lại cho nhau. Tiếp đó, buôn làng tổ chức màn đấu chiêng, cùng nhau uống rượu, múa hát với mong muốn cặp đôi có cuộc sống vui vẻ, không bất đồng mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng.
Hiện lễ hội “bắt chồng” được lưu giữ ở nhiều buôn làng, tạo nét độc đáo hấp dẫn cho phong tục của người đồng bào Tây Nguyên trong dịp Tết Nguyên đán.
Kết thúc đám cưới, cô dâu sẽ phải ở nhà chồng 1 tuần, làm nội trợ và làm các công việc nặng nhọc khác. Thậm chí họ phải tự bỏ tiền túi ra sắm sửa một số đồ dùng cần thiết cho chồng. Đến ngày thứ 8 hoặc thứ 10, nhà gái mới đem lễ vật, là một con lợn hoặc lương thực, thực phẩm đủ làm 5 - 7 mâm cỗ cho hai bên gia đình đãi họ hàng. Sau đó nhà gái đưa hai con về ở bên nhà mình.
“Theo tục lệ của người đồng bào, chồng sẽ ở rể và hai bên dòng họ thử thách tình yêu của cặp đôi trong năm đầu tiên. Sau đó một năm, hai gia đình bắt đầu “cấp vốn” cho họ để làm ăn và ra ở riêng. Thường vốn là trâu bò, lợn gà, giường chiếu, bát đũa.
Hiện lễ hội “bắt chồng” được lưu giữ ở nhiều buôn làng, tạo nét độc đáo hấp dẫn cho phong tục của người đồng bào Tây Nguyên trong dịp Tết Nguyên đán. “Nhiều người đoán rằng ít ai “bắt chồng” vào đúng dịp Tết nhưng người đồng bào quan niệm đã chọn ngày đẹp sẽ không phân biệt Tết hay không? Có cô gái chọn “bắt chồng” vào đúng Giao thừa hoặc đêm Mùng 1 Tết làm kỷ niệm nhớ đời và góp phần tăng không khí vui vẻ trong dịp này”, chị Cà L’Ngọc nói.